Áp lực “phải lấy chồng” biến nhiều phụ nữ thành nạn nhân bị lừa cả tình lẫn tiền

(PLVN) - Lời nói ngọt ngào, cử chỉ lãng mạn chỉ là màn kịch khéo léo để lấy lòng các cô gái trẻ Hong Kong (Trung Quốc), hòng dụ dỗ nạn nhân bỏ tiền mua những dịch vụ không đáng, các cô gái trở thành “miếng mồi” cho những kẻ xấu lợi dụng lòng tin để lừa đảo. 
Cạm bẫy tình trên mạng (Hình minh họa).
Cạm bẫy tình trên mạng (Hình minh họa).

Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ trung niên 

Yvonne (55 tuổi) không thể tắt nụ cười trên môi sau khi rời ngân hàng. Cô thực sự hạnh phúc khi được giúp đỡ bạn trai người Anh của mình. Cô và bạn trai chưa gặp nhau lần nào, mà trong suốt 1 tháng vừa qua họ liên lạc với nhau qua mail và gọi điện thoại. Người bạn trai của Yvonne tự xưng là giám đốc vận hành của một nhà máy khoan dầu ở Nam Mỹ.

Anh hứa sẽ bay sang Hong Kong để gặp trực tiếp cô. Tuy nhiên, trước khi niềm vui ấy diễn ra, anh ta nói rằng anh ta cần một số tiền lớn để lắp đặt các bộ phận thiết yếu của giàn khoan. Vì tin tưởng, ngay lập tức Yvonne đã ra ngân hàng và chuyển cho người yêu của mình 40.000 đô-la Hong Kong (5.160 USD). 

Không lâu sau, “bạn trai giấu mặt” lại yêu cầu Yvonne tiếp tục chuyển khoản. Nhưng lần này, cô kịp nhận ra anh ta là một kẻ lừa đảo. “Hắn nói với tôi là con hắn bị tai nạn và cần tiền để làm phẫu thuật. Đó là một lời bịa đặt quá vô lý và cuối cùng tôi đã tỉnh ngộ”, cô Yvonne chia sẻ. 

Yvonne không phải “con mồi” duy nhất của những vụ lừa tình trên internet tại Hong Kong. Còn rất nhiều “tấm gương” khác nữa. Một nữ chuyên gia về tài chính trong độ tuổi 40 là nạn nhân mất 14 triệu đô-la Hong Kong (1,8 triệu đô-la Mỹ) cho gã người yêu, tự xưng là một nghệ sĩ. Hay một phụ nữ trung niên ở Hong Kong đã bị lừa gấp đôi số tiền trên trong một vụ án lớn nhất được ghi nhận tại đây trong năm 2019...

Ở Hong Kong, phụ nữ đặc biệt dễ bị mắc vào lừa tình qua mạng. Dữ liệu từ cảnh sát Hong Kong cho thấy gần 90% nạn nhân mà họ biết được là phụ nữ từ 15 đến 85 tuổi, và tổng cộng số tiền họ bị lừa là khoảng 160,8 triệu đô-la Hong Kong. 

Theo số liệu từ phía cảnh sát, từ tháng 1 đến tháng 9, có 681 trường hợp đã bị lừa hết tiền tiết kiệm. Con số này tăng hơn 50% so với năm 2019. Cảnh sát Hong Kong cho biết trung bình cứ 2 ngày sẽ có 3 người là nạn nhân của kiểu lừa đảo này. 

 

Trước đó, trong 3 tháng đầu năm 2018, theo cảnh sát Hong Kong, những kẻ lừa tình trên các ứng dụng hẹn hò trực tuyến đã lừa tổng cộng 75,9 triệu đô-la Hong Kong từ 119 nạn nhân nhẹ dạ, đa số là phụ nữ. Được biết, những kẻ lừa đảo thường có vẻ ngoài ưa nhìn, lạnh lùng. Hầu nhưng những vụ này đều có điểm tương đồng: Họ thường nhập vai sĩ quan quân đội, thương nhân hoặc chuyên gia ở nước ngoài như phi công, kỹ sư hoặc bác sĩ và tạo dựng mối quan hệ lãng mạn với nạn nhân.

Kẻ lừa đảo sẽ kết bạn với các mục tiêu trên các trang web hẹn hò hoặc mạng xã hội và không bao giờ gặp trực tiếp nạn nhân. Chúng luôn nghiên cứu thông tin cá nhân của “con mồi” một cách cẩn thận trước khi bắt chuyện.

Sau một thời gian nhắn tin liên tục, kẻ lừa đảo và nạn nhân sẽ sang bước phát triển mới trong mối quan hệ, đó là trở thành người yêu trên mạng, phát triển mối quan hệ tình cảm với các mục tiêu của mình trước khi bịa ra những lý do khác nhau để lừa tiền các nạn nhân. Đó có thể là chuyện kinh doanh làm ăn thua lỗ, tai nạn giao thông hoặc cần tiền để xử lý chuyện nhận tài sản thừa kế. Đôi khi những gã bạn trai “ảo” nói đã gửi quà đắt tiền cho nạn nhân nhưng bị kẹt tại cửa hải quan và yêu cầu họ trả một khoản phí để giải quyết trước khi nhận quà.

Khi đó, các nạn nhân được yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng ở nước ngoài cho “mục đích kinh doanh” của kẻ lừa đảo. Nhiều lúc, họ phải tự trả phí thông quan cho những món quà lãng mạn mà chúng gửi tặng. “Thông thường, nạn nhân chưa từng gặp trực tiếp kẻ lừa đảo”, cảnh sát cho biết.

Covid-19 càng làm tăng nguy cơ 

Thời gian gần đây, đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới và Hong Kong cũng không phải ngoại lệ. Việc dãn cách xã hội khiến nhiều người phải làm việc tại nhà, nhiều người đã trở nên cô đơn hơn và tuyệt vọng hơn, cho nên họ muốn đi tìm kiếm quan hệ.

Hơn nữa, một nghiên cứu hồi tháng 11 cho thấy “một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe tâm thần”, với hơn 65% người được hỏi gặp triệu chứng của trầm cảm, lo lắng và căng thẳng. Điều đó đã tạo điều kiện cho những kẻ lừa tình trực tuyến.

“Covid-19 là cơ hội tuyệt vời cho những kẻ lừa đảo. Chúng hoàn toàn có thể bịa rằng đang mắc kẹt trong khu cách ly hoặc thành phố nào đó nên không thể đến gặp trực tiếp. Các nạn nhân khó có thể xác nhận bởi lý do nghe chừng rất hợp lý”, Valentina Tudose - huấn luyện viên hẹn hò và quan hệ tình cảm tại Hong Kong cho biết.

 

Ngoài ra, Valentina nói rằng sự mất cân bằng giới tính trong tỷ lệ nạn nhân bắt nguồn từ những áp lực xã hội tiềm ẩn mà phụ nữ phải đối mặt: “Các cô gái thường được dặn dò rằng không nên hẹn hò để tập trung vào việc học. Do vậy, nhiều người ở tuổi 24-25 vẫn không có chút kinh nghiệm tình trường nào. Thế nhưng, những cô gái này lại bị gia đình giục đi lấy chồng trước khi đến ngưỡng tuổi “ế”. Áp lực tìm chồng gấp gáp khiến cho họ dễ dàng trở thành “con mồi” của kẻ lừa đảo vốn thông thạo thao túng cảm xúc”.

Ông Chan Lik-sam (Phó Giáo sư tại Đại học Trung Văn Hong Kong, chuyên về giới tính và tình dục) cũng đồng tình rằng phụ nữ Hong Kong đang phải “đối mặt với những yêu cầu trái ngược nhau về nỗ lực tình cảm và vai trò giới của họ”. Phụ nữ được mong đợi rằng phải sống độc lập để tránh bị gán mác ‘cô gái Kong’ - một thuật ngữ xúc phạm những cô gái vật chất, kiêu ngạo và chỉ biết yêu bản thân. Nhưng nữ giới mà trở nên mạnh mẽ quá thì xã hội cũng không vừa lòng. 

Mặc dù phụ nữ trẻ thấy áp lực phải tìm kiếm tình yêu và kết hôn, nhiều phụ nữ lớn tuổi chưa kết hôn ngày càng lo lắng về cơ hội họ có con và càng khiến họ dễ bị lừa đảo. Nếu không kết hôn trước 30 tuổi, phụ nữ sẽ bị coi là ế. Họ cũng dễ dàng bị bỏ qua trong danh sách tìm kiếm bạn đời của cánh đàn ông.

“Nữ giới ngoài 30 được khuyến khích phát triển sự nghiệp nhưng chuyện tình cảm, hôn nhân của họ vẫn bị ảnh hưởng bởi những chuẩn mực văn hóa của xã hội. Do muốn tìm chồng gấp, họ háo hức đẩy nhanh tiến trình của một mối quan hệ, dẫn đến việc dễ bị lừa đảo”, phó giáo sư chia sẻ.

Kitty (47 tuổi), làm việc trong lĩnh vực truyền thông, đã gặp phải 4 vụ lừa tình trên các ứng dụng hẹn hò. Trong đó, có một gã nói rằng hắn gặp khó khăn ở Thổ Nhĩ Kỳ và cần một khoản 26.700 USD. Cô cũng đoán được đó có thể là trò lừa đảo và cắt đứt với anh ta, nhưng cô thừa nhận cô cảm thấy bản thân dễ bị gạt. “Sự nghiệp của tôi đang diễn ra tốt đẹp, nhưng đời sống tình cảm của tôi thì càng ngày càng tuột dốc. Đôi khi tôi cảm thấy mất cân bằng, già nua và dễ bị tổn thương. Khi phụ nữ cảm thấy họ đang tìm kiếm cái còn thiếu đó, họ trở nên rất dễ bị tổn thương về mặt cảm xúc và thường trở nên mù quáng...”, Kitty chia sẻ. 

Sau khi bị “bạn trai giấu mặt” ở Nam Mỹ lừa đảo và gặp vài lần hẹn hò trực tuyến đòi tiền khác, Yvonne mất niềm tin vào tình yêu online. Cô quyết định ngừng mọi hoạt động tìm kiếm bạn đời trên Internet. Yvonne khuyên những phụ nữ khác rằng hãy chỉ tin những lời của đàn ông sau khi đã gặp họ ngoài đời. 

Trong khi đó, Kitty cũng hy vọng phụ nữ Hong Kong có thể thay đổi suy nghĩ về chuyện hẹn hò: “Tôi sử dụng các ứng dụng hẹn hò trực tuyến để ‘tìm kiếm mảnh ghép còn thiếu’ trong cuộc đời mình nhưng nó không tồn tại đâu. Chúng ta đều đã hoàn thiện rồi. Thay vào đó, hãy học cách yêu thương bản thân mình nhiều hơn. Đừng vội ngã vào bẫy tình”. 

Đọc thêm