Arsenal: Liệu "con tàu đắm" có tìm ra lối thoát?

(PLVN) - 10 trận gần nhất, Arsenal chỉ dành được vỏn vẹn 1 trận thắng. 7 trận vừa qua, “pháo thủ” cũng chỉ biết hòa và thua. Một đội bóng lớn, nhưng dường như những khủng hoảng kéo dài đã khiến họ chỉ còn dám nhìn về cuộc chiến trụ hạng. Arsenal như một con tàu đắm, không có phương hướng và người nắm trách nhiệm không ai khác ngoài HLV Mikel Arteta. 
Sự bất lực của HLV Arteta.
Sự bất lực của HLV Arteta.

Đội bóng không mục đích

Nếu ai đó ít quan tâm đến Arsenal, chỉ thi thoảng lướt qua mạng xem đội bóng đang ở đâu có lẽ bây giờ sẽ bị “choáng”. Arsenal không ở trong nhóm cạnh tranh cúp vô địch, cũng chẳng phải đang đua nhau tấm vé dự cúp châu Âu. Arsenal đang xếp tận vị trí thứ 15, vốn là vị trí của các đội bóng chiến đấu cho cuộc đua trụ hạng. Vị trí đó là kết quả của một chuỗi dài 7 trận liên tiếp thầy trò Mikel Arteta không biết đến. 

Và đáng thất vọng hơn, trong chuỗi 7 trận này, họ phơi áo đến 5 trận. Đội chủ sân Emirates bây giờ yếu đuối đến mức, ngay trên sân nhà họ cũng bị các đội bóng ở mức trung bình như Burnley, Wolverhampton, Aston Villa đánh bại một cách dễ dàng. Mới đây nhất, trong trận đấu tại vòng 14 Premier League, họ để thua 1-2 trước Everton. Đây là trận đấu đã bộc lộ một cách rõ ràng về Arsenal, một con tàu đang trôi một cách vô định, và chẳng biết đi về bờ bến nào. Ở trận đấu đó, và rất nhiều trận trước đó, tất cả những gì đội chủ sân Emirates thể hiện chỉ là lối đá nhợt nhạt, không có đường nét gì cụ thể và rất… tăm tối. 

Điều duy nhất nghe có vẻ tích cực là họ kiểm soát nhiều bóng và có không ít đường chuyền trúng đích. Nhưng thật ra, điều đó lại càng thể hiện sự bệ rạc của “pháo thủ”, bởi ngoài chuyền cho nhau ra, họ chẳng còn biết làm gì nữa. Điều quan trọng là đưa bóng về khung thành đối phương và dứt điểm thì họ chẳng làm được.

Kết quả, trong trận gặp Everton, họ sút trúng đích vỏn vẹn 2 lần (tính cả 1 quả penalty họ được hưởng), còn lại chỉ là những cú sút mang tính cầu may và giải tỏa là chính. Thậm chí, theo thống kê, trong 15 phút đầu hiệp 2, Arseanl kiểm soát bóng đến 82%, vượt trội hoàn toàn so với 18% của đối thủ, nhưng họ lại chẳng có cú sút nào, mà chỉ chuyền cho nhau là chính. Mãi đến phút 96, họ mới dứt điểm được, nhưng cú sút cũng chẳng đâu vào đâu. 

Arsenal đang càng chơi càng tệ.
Arsenal đang càng chơi càng tệ. 

Đáng hổ thẹn nhất là một đội bóng mệnh danh “pháo thủ” mà 14 vòng đấu mới chỉ có được 12 bàn thắng. Điều đó có nghĩa, hiệu suất của họ còn chưa đến 1 bàn/trận. Một chuyện “cười ra nước mắt” đã trở thành đề tài châm biếm về hàng công của pháo thủ đến là danh hiệu bàn thắng đẹp nhất tháng 11 của Arsenal chỉ là một quả penalty. 

Sở dĩ có chuyện kỳ cục đó là bởi trọn tháng 11, Arsenal chỉ ghi được vỏn vẹn 2 bàn thắng, trong đó có 1 bàn vào lười Man United vào ngày 1/11, bàn còn lại thỉ là ở trận thua đáng hổ thẹn 1-2 trước Wolves. Còn lại, họ thua Aston Villa 0-3, hòa Leeds 0-0. Cuối cùng với lý do không thể lấy bàn thắng trong trận thua muối mặt trước Wolves để bầu chọn, cho nên pha lập công trên chấm 11m của Aubameyang trở thành bàn thắng đẹp nhất tháng.

Câu chuyện cười ra nước mắt đó thể hiện sự kém cỏi đến cùng cực của hàng công Arsenal. Vậy lỗi do đâu? Arsenal thiếu đi các chân sút chất lượng? Không, chắc chắn là không rồi. Hàng công của Arsenal đang bao gồm nhiều cái tên rất chất lượng. Aubameyang hay Lacazette đều đã chứng tỏ được đẳng cấp, trong khi Nicolas Pépé cũng là chân sút mà “pháo thủ” bỏ ra tận 72 triệu bảng để tậu về. Hàng công này cũng được tiếp đạn bởi các tiền vệ có “máu mặt” như Granit Xhaka,Willian hay Ceballos… 

Thật ra, những cái tên của Arsenal, nghe thì rất “kêu”, toàn là cầu thủ nổi tiếng cả, nhưng họ đang chơi rất tệ. Dù trong số họ, nhiều người chạm hoặc vượt ngưỡng 30 tuổi, nhưng có lẽ đó không phải là vấn đề lớn bởi với bóng đá hiện đại, tuổi nghề cầu thủ thường rất cao. 

Vấn đề là càng lún sâu họ lại càng thiếu tự tin, và càng thiếu tự tin thì hẳn nhiên rồi, họ càng chơi càng tệ. Aubameyang dù hay thật đấy, nhưng một mình anh không thể kéo cả tập thể rệu rã đi lên. Chưa kể, đội bóng cũng không có một số 10 chất lượng, khiến các đường lên bóng thiếu hẳn sự sáng tạo. Người duy nhất có thể tạo ra đột biến là Ozil thì đã bị lãng quên từ lâu sau những mâu thuẫn khó hàn gắn với HLV Arteta. 

Ly hôn với Arteta?

Thông thường, khi đội bóng khủng hoảng, huấn luyện viên sẽ là người bị nhắc đến đầu tiên. Trong trường hợp của Arsenal, HLV Arteta cũng không phải là ngoại lệ. Trên các trang báo, đã tràn ngập thông tin chiến lược gia Tây Ban Nha sẽ sớm cuốn gói rời Emirates. Truyền thông xứ sở sương mù cũng đã dẫn lời phát biểu của Arteta tại cuộc họp báo sau trận thua trước Everton. 

Qua đó cho thấy, Arteta cũng đã bất lực và thừa nhận câu lạc bộ đang chìm trong 1 cuộc khủng hoảng không lối thoát. Ông cũng không quên đổ lỗi cho việc Arsenal đã thiếu đi một chút may mắn ở những khoảnh khắc Everton có bàn thắng và dùng những lời lẽ bảo vệ cho các học trò. 

Tuy nhiên, điều đó chẳng thể che lấp được hàng tá vấn đề Arsenal đang gặp phải và quả thật, câu lạc bộ đang cần một liều thuốc cực mạnh để tinh thần các cầu thủ khá lên, giúp họ tìm được động lực và thi đấu tốt hơn. Thông thường, các đội bóng đang khủng hoảng thường chọn liều thuộc “thay huấn luyện viên” để trị bệnh.

Quả thật, với những gì đang thể hiện, Mikel Arteta cho tháy ông còn rất non kinh nghiệm và càng khao khát, dường như ông lại càng lạc lối. Ông có cá tính khá mạnh mẽ, nhưng trớ trêu thay, dưới thời ông, các mâu thuẫn giữa các cầu thủ lại xảy ra nhiều hơn các chiến lược gia tiền nhiệm. Thậm chí, các ngôi sao như David Luiz, Ceballos và Nketiah còn ẩu đả với nhau. 

Khi mọi thứ đang rối tung lên, Arteta lại không biết cách xử lý khủng hoảng. Chưa kể, không ít cầu thủ cũng cảm thấy bất mãn trong cách hành xử của Arteta. Chẳng hạn, nhiều ý kiến cho rằng ông loại bỏ Ozil, Guendouzi là cực đoan bởi lý do tinh thần và thái độ thi đấu nghe có vẻ chung chung. Và quả thật, thiếu 2 con người này họ mất luôn một lá chắn ở trung tuyến và một chân chuyền thượng thặng ở phía trên. 

Tất nhiên, mọi thứ cũng không thể đổ hết lên đầu Arteta được. Rõ ràng, câu lạc bộ cũng đã mang về những cầu thủ phù hợp triết lý của huấn luyện viên, nhưng các cầu thủ này lại chẳng hề chất lượng như tên tuổi họ. Ví như Ceballos, dù anh đẳng cấp thật, nhưng từ khi về Emirates, anh chỉ nổi lên với những hành động gây hấn với đồng đội. 

Còn những cái tên như Luiz hay Willian, dù là những cầu thủ có nhiều kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao, nhưng khi về Arsenal họ bỗng chơi tệ một cách cực kỳ khó hiểu. Bởi thế, David Luiz, Granit Xhaka, Willian hay Elneny,…, toàn những cái tên nghe có vẻ lớn lao, nhưng Arteta chẳng thể nào sử dụng được bởi bản thân họ đã đánh mất mình. Hơn nữa, một phần trách nhiệm cũng nằm ở phía ban lãnh đạo Arsenal. Sau khi Arsene Wenger ra đi, họ vẫn không từ bỏ những tham vọng của mình, liên tục “ép” các huấn luyện viên phải có được danh hiệu, nhưng điều cần là nghiêm túc trên thị trường chuyển nhượng thì họ lại có phần thờ ơ. 

Nhìn sang các đội bóng khác, khi các cầu thủ chất lượng nườm nượp cập bến mới thấy cách làm của Arsenal có phần “nhỏ mọn”, dù họ chẳng hề thiếu tiền. Bởi vậy mới có chuyện mấy mùa gần đây, họ chỉ có vài bản hợp đồng “ra tấm ra món” là Aubameyang và Thomas Partey. Những cầu thủ khác, thường họ chỉ mang đến sự thất vọng là chính. Bởi vậy mới có cảnh HLV Arteta chống cằm bất lực nhìn các cầu thủ bị hành hạ trên sân và chắc bản thân ông cũng đã nghĩ đến việc ly hôn với câu lạc bộ mình chỉ mới cầm quân được hơn 1 năm. 

Đọc thêm