Từ chối làm việc mà vẫn được trả lương khi thấy nguy cơ tai nạn lao động
Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIII ngày 25/6/2015 với 7 chương, 93 điều, trên cơ sở cụ thể hóa 20 điều tại Chương IX về ATVSLĐ của Bộ luật Lao động năm 2012 và kế thừa các quy định về bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp tại Mục 3 Chương III Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Đây là Luật ATVSLĐ đầu tiên của Việt Nam và là nước thứ sáu trong ASEAN ban hành luật này. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
Luật ATVSLĐ có những điểm mới đáng lưu ý như: so với quy định về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động năm 2012, Luật ATVSLĐ quy định rộng hơn, bao quát và cụ thể hơn các hoạt động về ATVSLĐ. Phạm vi điều chỉnh của Luật còn bao gồm cả các quy định về tổ chức quản lý công tác ATVSLĐ trong cơ sở sản xuất, kinh doanh, chính sách, chế độ đối với người bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp...
Công tác ATVSLĐ liên quan đến tất cả các tổ chức, cá nhân có hoạt động lao động, sản xuất. Cụ thể: về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng: mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với tất cả các tổ chức, cá nhân có liên quan đến ATVSLĐ; mở rộng đối tượng áp dụng đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ về ATVSLĐ của người sử dụng lao động, người lao động, người làm công tác ATVSLĐ…
Ngoài ra, Luật còn thiết lập chặt chẽ hơn hệ thống kiểm soát rủi ro ở các cấp độ: nơi làm việc, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Về cơ bản, việc thiết lập và vận hành hệ thống kiểm soát rủi ro ở các cấp độ khác nhau sẽ hạn chế TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, tạo môi trường làm việc, điều kiện làm việc an toàn cho người lao động.
Đánh giá về Luật ATVSLĐ, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, Luật ATVSLĐ hướng đến mục tiêu phòng ngừa, hạn chế TNLĐ với nhiều quy định cụ thể.
Trong đó, người lao động có quyền yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh trong quá trình lao động tại nơi làm việc; được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ; được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được đóng bảo hiểm TNLĐ…
Đặc biệt, người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra TNLĐ và phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý.
Người lao động chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác ATVSLĐ đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm ATVSLĐ. Đồng thời, đối với các đơn vị sử dụng lao động vi phạm quy định về ATVSLĐ, luật cũng có các quy định và chế tài xử lý rõ ràng. Qua đó, các đơn vị sẽ ý thức hơn trong việc đảm bảo ATVSLĐ.
36 triệu lao động tự do sẽ được bảo đảm an toàn lao động
Một trong những điểm mới rất được quan tâm của Luật ATVSLĐ đó là luật mở rộng đối tượng thực hiện bảo đảm an toàn lao động đến những người không trong khu vực hợp đồng lao động, hay nói cách khác là lao động tự do (khoản 3 Điều 2 Luật ATVSLĐ). Hiện cả nước có khoảng 53 triệu lao động, trong đó có khoảng 36 triệu lao động không có hợp đồng lao động, tự tạo việc làm, lao động tự do. Điều này đồng nghĩa với việc những người này không được đảm bảo về ATVSLĐ.
Nói như ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Người lao động trong khu vực lao động được bảo đảm tốt, mà những người không trong khu vực hợp đồng lao động lại không được đảm bảo, như vậy có bình đẳng không khi thực hiện chính sách với người lao động.
Như vậy, việc mở rộng đối tượng áp dụng, đối với người lao động thuộc khu vực không có quan hệ hợp đồng lao động là cần thiết, tạo nên sự bình đẳng giữa các loại hình lao động”. Được biết, hiện nay Việt Nam là nước thứ 7 trên toàn thế giới đưa đối tượng lao động không trong khu vực hợp đồng lao động vào diện bảo vệ của pháp luật về ATVSLĐ.
Thế nhưng đi kèm với niềm vui luật mở rộng “vòng tay” thì cũng là nỗi lo lắng về tính khả thi khi đi vào cuộc sống bởi con số 36 triệu lao động tự do không phải là nhỏ và cơ quan nào sẽ là đầu mối chịu trách nhiệm lo lắng cho nhóm đối tượng này?
Trả lời câu hỏi này, ông Hà Tất Thắng – Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết cần phải có lộ trình, nguồn lực của Nhà nước, xã hội và năng lực của người dân. Theo ông Thắng, bước đầu người lao động tự do sẽ được thụ hưởng các thông tin tuyên truyền về ATVSLĐ; sau đó bước tiếp theo là yêu cầu các nhà cung cấp thiết bị máy móc lao động phải có trách nhiệm hướng dẫn người lao động cách thức sử dụng an toàn; bước tiếp đến (có lộ trình đến năm 2018) là hướng dẫn, hỗ trợ người lao động tự do tham gia bảo hiểm TNLĐ nghề nghiệp…
“Việc tham gia Quỹ bảo hiểm an toàn lao động đảm bảo được nhiều quyền lợi như tư vấn, huấn luyện ATVSLĐ, được Nhà nước hỗ trợ tham gia quỹ an toàn lao động và khi xảy ra TNLĐ nghề nghiệp thì được hưởng chế độ chính sách trong khối có hợp đồng lao động” – ông Thắng cho biết.
Cũng theo Cục trưởng Cục An toàn lao động, từ 1/7, Luật ATVSLĐ sẽ có hiệu lực. Luật đòi hỏi báo cáo thêm tình hình khu vực ngoài quan hệ lao động (cấp xã, phường cũng phải báo cáo). Điều này chắc chắn khiến con số người bị chết hoặc bị thương do TNLĐ tăng lên, có thể ngày càng tiệm cận tới con số thật. Điều này càng giúp các cơ quan quản lý điều chỉnh và ban hành những chính sách thực tế hơn.