Dự án này “dính” nhiều tai tiếng do chậm tiến độ, đội vốn hàng trăm triệu USD, tổng thầu thi công liên tiếp để xảy ra tai nạn nghiêm trọng khiến một số người chết và bị thương...
Không phải chậm mà là quá chậm!
Mới đây, trong kiến nghị gửi Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), cử tri tỉnh An Giang dù ở xa nơi triển khai dự án nhưng vẫn thể hiện sự bức xúc: “Dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội sử dụng nguồn vốn vay của Trung Quốc, do nhà thầu Trung Quốc thi công rất chậm chạp, không đảm bảo tiến độ thời gian, chất lượng công trình kém, đường ray uốn lượn theo hình sin. Đề nghị giám sát chặt chẽ dự án này và kiên quyết cắt hợp đồng nếu như không đảm bảo tiến độ”.
Ở đây không phải chậm mà là quá chậm, bởi dự án trên được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 3136/QĐ-BGTVT ngày 15/10/2008 trên cơ sở Hiệp định khung vay vốn ưu đãi được ký kết ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc, trong đó giao Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện hợp đồng theo hình thức EPC (chìa khóa trao tay).
Sau đó, dự án chính thức được động thổ vào cuối năm 2010 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014, chạy thử toàn tuyến vào năm 2015. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã phải lùi tiến độ.
“Dự án là công trình cấp đặc biệt, có tính chất đặc thù, kỹ thuật cao, công nghệ hoàn toàn mới và lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam nên trong quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng trong việc kiểm soát kỹ thuật, công nghệ. Nhiều hạng mục công trình không có trong quy trình, quy phạm của Việt Nam nên phải sử dụng quy trình, công nghệ đường sắt đô thị của Trung Quốc.
Các quy định về hồ sơ thiết kế, dự toán, hồ sơ mời thầu mua sắm thiết bị giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng có nhiều khác biệt, vì vậy cần phải có thời gian để Bộ GTVT rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan làm cơ sở để triển khai thực hiện...”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường giải trình với cử tri An Giang.
Chủ đầu tư còn thanh minh rằng, trong quá trình thực hiện dự án, do nhiều yếu tố khách quan nên một số hạng mục công trình đã phải điều chỉnh lại thiết kế cho phù hợp với điều kiện thực tế như: thay đổi nhà ga 2 tầng thành 3 tầng để hạn chế diện tích giải phóng mặt bằng; bổ sung bãi đúc dầm do chậm giải phóng mặt bằng tại nghĩa trang Văn Nội (Hà Đông); bổ sung hạng mục đường tránh quốc lộ 6 để đảm bảo giao thông; thay đổi vỏ tàu sắt sang inox… dẫn tới việc phải điều chỉnh lại dự án và tổng mức đầu tư gây... chậm.
Trấn an chất lượng...
Theo Bộ GTVT, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được thi công ngay giữa nội thành của TP Hà Nội, vì vậy ngoài công tác đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ trong quá trình thi công, Bộ GTVT đã quan tâm đến vấn đề chất lượng đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác vận hành sau này.
"Bộ thường xuyên chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đường sắt, Tư vấn giám sát, Tổng thầu và các đơn vị liên quan thực hiện tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý chất lượng công trình cũng như tuân thủ các khung tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”, Thứ trưởng Trường nhấn mạnh.
Chủ đầu tư trấn an, đây là dự án nằm trong danh sách các công trình trọng điểm quốc gia do Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng (HĐNTNN) nghiệm thu nên trong quá trình thi công, HĐNTNN thường xuyên kiểm tra định kỳ cũng như đột xuất chất lượng thi công của dự án.
“Theo báo cáo của HĐNTNN sau các đợt kiểm tra thi công tại dự án, đối với các hạng mục đã thi công tại công trường đều đáp ứng các yêu cầu chất lượng đề ra, các kết quả thí nghiệm kiểm tra tại hiện trường đều đạt yêu cầu”, ông Trường khẳng định như thế và còn cho biết thêm, Bộ này đang ra sức giám sát chất lượng công trình và phấn đấu hoàn thành các hạng mục vào cuối năm 2016.
Thực tế, ngoài chuyện thi công ỳ ạch, đội vốn công trình, Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc đã vi phạm một số quy định của pháp luật Việt Nam về an toàn lao động, bị Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phanh phui.
Cụ thể, vào cuối năm 2014, phía tổng thầu Trung Quốc đã để xảy ra liên tiếp hai vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết, bị thương nhiều người... khiến dư luận cả nước bức xúc và tỏ ra lo ngại về mức độ an toàn cũng như chất lượng công trình./.