Bà đồ xứ Huế vui buồn quanh Tràm hoa vàng

(PLO) - Hàng chục năm nay, hình ảnh một người phụ nữ viết thư pháp bên dòng sông Hương thơ mộng, tại quán nhỏ rộng chưa đầy 3m2 mang tên Tràm Hoa Vàng đã quá quen thuộc.  Đó là “bà đồ” Trương Thị Cúc (58 tuổi, ngụ ở số nhà 4, kiệt 22 đường Bà Triệu, TP. Huế).
Bà đồ xứ Huế
Bà đồ xứ Huế
“Tình yêu” tuổi xế chiều 
Bà Cúc kể trước đây nổi tiếng là người học giỏi, cá tính. Thiếu nữ thi đỗ nhiều trường Đại học, lại chọn học khoa trồng trọt của ĐH Nông Lâm Huế, rồi vào Bình Định công tác tại công ty dầu thực vật. 
Năm 1992 bà về lại quê, làm nghề buôn bán đồ dùng phục vụ cho học sinh, đồng thời bán báo tại một ki ốt thuê của công viên cây xanh. Năm 2000, khi đã 44 tuổi, trong một lần “hầu bút” cho nhà thư tháp nổi tiếng từ TP.HCM ra Huế biểu diễn, nhìn những nét bút tài hoa, bà liền học theo. 
Từ ấy đến nay đã 14 năm trong nghề, không nhớ được bao nhiêu người khách đên, bán được bao nhiêu bức tranh, chỉ duy có cái tên gọi của thư quán nhỏ rộng 2,7 m2  là không hề thay đổi: thư quán Tràm Hoa Vàng. 
Bà Cúc cho biết, trước đây bà học ngành nông lâm, chuyên tìm hiểu và nghiên cứu các đề tài về cây tràm. Màu hoa tràm vàng rực đã theo bà suốt thời sinh viên với nhiều kỷ niệm đáng nhớ. 
Bà lại là người thích tràm từ thời còn nhỏ. Mỗi lần về quê, bà đều tìm những cây tràm để “nhỏ to tâm sự chuyện buồn vui”. Bà giải thích thêm về cái tên của thư quán: Nằm ở đường Lê Lợi cũng có một cây tràm to lớn, nên quán của bà không thể lẫn lộn với quán nào.
Theo bà, Tràm hoa vàng có nghĩa là một tràm hoa bay và toả hương theo gió, không chịu đứng một chỗ, mà phải toả đi, bay đi khắp nơi cũng như bà muốn những tác phẩm của mình sẽ không dừng lại ở Huế, ở Việt Nam mà còn vương xa đi khắp thế gian.
Quán mở cửa từ 7 giờ sáng, đóng cửa vào 8 giờ tối. Sáng sớm bà đi chợ mua thức ăn. Đến lúc trưa thì lại ăn uống sinh hoạt một mình ở quán. Vất vả nhất đó là việc dọn quán “tôi ngày càng già yếu, buổi sáng thì sức khỏe tốt, dọn ra thì được. Nhưng mỗi chiều trước khi nghỉ, người đã mệt, cộng thêm những ngày “ế hàng” nữa thì việc dọn 80kg hàng này thì quả thật là “bài tập thể dục” khó”, bà mỉm cười. 
Kỷ niệm buồn vui nghề “bà đồ”
Quán nhộn nhịp, đông đúc nhất, ngoài những ngày festival, còn là những ngày Huế đón các sĩ tử đi thi Đại Học. 
Câu chuyện làm bà nhớ mãi là năm năm trước đây, một nam sinh viên năm cuối quê Hà Nội sắp tốt nghiệp, sắp chia tay với người yêu học cùng trường. Cậu này là người hay tới để xem bà viết chữ, nhờ bà tư vấn viết thứ gì đó bằng thư pháp để tặng cho cô gái kia. Bad hướng dẫn cho chàng trai viết hai câu sau: “Tôi xin làm mưa bay trong vườn em mùa hạ/ Tôi xin làm chút gió mát trên những bờ vai”
“Tôi cũng không biết liệu mối tình đó như thế nào thì vào dịp Tết Giáp Ngọ vừa rồi, cậu sinh viên trước đây cùng với vợ con đến quán để thăm tôi và cám ơn vì mấy câu của tôi mà bây giờ họ đã nên duyên vợ chồng. Đúng là thư pháp có thể giúp con người đến gần nhau hơn”, bà cười.
 
Chuyện buồn cũng không ít. Huế nhiều mưa bão, chuyện thư pháp ướt hết khiến bà khóc cả buổi không ít. Rồi bán hàng ở đây cũng có sự cạnh tranh quyết liệt. 
Một hôm đoàn du khách rất đông tới quán mua chữ, thế là có người cứ lấy xe chạy tới, chạy lui, luôn miệng nói là “lộng kiến”. “Tôi không hiểu nhưng một khách lại giải thích được rằng “lộng kiến” là “liệng cống”. Có nghĩa là những “đối thủ” kia dọa tôi nếu làm ăn như vậy thì sẽ bị vứt xuống cống”, bà cười buồn.
"Ở Huế, có rất nhiều ông đồ, nhưng bà đồ mà viết chữ thì mọi người cảm thấy ngạc nhiên vô cùng. Lúc tôi mở quán viết thư pháp, nhiều khách du lịch đi qua khi nhìn thấy tôi cho chữ, họ cảm thấy ngạc nhiên và hiếu kỳ, nhiều người còn chụp ảnh làm kỷ niệm”, bà Cúc chia sẻ.
Theo bà Cúc, trong viết thư pháp, một khâu hết sức quan trọng là cách pha mực. Pha làm sao cho dù trời nắng mực không phai, trời mưa nhỏ mực cũng không nhòe. 
Viết thư pháp đã khó, mà tự sáng tạo ra kiểu chữ để làm nên cái phong cách của mình thì càng khó hơn. Sở trường của bà là kiểu chữ mảnh,như dáng của người con gái - kiểu chữ ít “đụng hàng” với các “ông đồ.

Đọc thêm