Bà Trần Tuyết Ánh – Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Mong bữa cơm ấm áp, yêu thương luôn được duy trì trong từng gia đình

(PLVN) - Tháng 5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Qua 19 năm triển khai, Ngày Gia đình Việt Nam đã và đang khẳng định ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao ý thức của mọi người về vai trò “tế bào xã hội” của gia đình, về trách nhiệm của mình trong sự phát triển chung ổn định của gia đình, cộng đồng, đất nước. 
Một trong những nội dung của Bộ tiêu chí được truyền thông ở tỉnh Yên Bái.
Một trong những nội dung của Bộ tiêu chí được truyền thông ở tỉnh Yên Bái.

Nhân Ngày Gia đình năm nay, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình, bà Trần Tuyết Ánh – Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã trả lời phóng vấn Báo Pháp luật Việt Nam xung quanh những vấn đề gia đình hiện nay

Thưa bà, Ngày Gia đình Việt Nam là một sự kiện tôn vinh các giá trị văn hóa của gia đình Việt, năm nay công tác này được triển khai ra sao và định hướng về công tác gia đình trong giai đoạn 2020-2030 là gì?

- Trước tiên cần nhấn mạnh rằng, tôn vinh giá trị gia đình là tôn vinh giá trị dân tộc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Đảng, Nhà nước ta cũng luôn quan tâm công tác chăm lo xây dựng gia đình bằng nhiều chủ trương, chính sách cụ thể, thể hiện quan điểm là muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì trước hết từng tế bào gia đình phải phát triển bền vững. Gia đình không chỉ là tế bào tự nhiên mà còn là một đơn vị kinh tế của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống, hình thành nên nhân cách con người… 

Chính vì vậy mà đã gần 20 năm nay, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 được tuyên truyền sâu rộng hơn, trở thành một ngày kỷ niệm quan trọng của nhiều gia đình, gắn với văn hóa ứng xử trong gia đình, với trách nhiệm xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.

Năm 2020, Bộ VH-TT&DL tiếp tục hướng dẫn tổ chức các hoạt động truyền thông, các sự kiện văn hóa gia đình theo chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”. Từ Trung ương tới địa phương, nhiều bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có chỉ đạo triển khai các hoạt động thiết thực tôn vinh vai trò của gia đình. Hoạt động Ngày Gia đình Việt Nam được xã hội hóa tốt hơn với sự vào cuộc của nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, các dòng họ, gia đình. 

Trong giai đoạn tiếp theo, với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tham mưu, giúp Chính phủ quản lý nhà nước về gia đình, Bộ VH-TT&DL triển khai đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, các văn bản, đề án trong giai đoạn 2010-2020. Trên cơ sở đó sẽ cùng các cơ quan liên quan xây dựng đề xuất hoàn thiện chính sách cho giai đoạn 2020-2030, tập trung vào công tác xây dựng văn hóa gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. 

Từ năm 2014 đến nay “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” luôn được lựa chọn là chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam. Bà có thể chia sẻ ý nghĩa của việc lựa chọn này?

- Với người Việt Nam, bữa cơm gia đình chính là chiếc gương soi phản chiếu hạnh phúc của một gia đình. Tuy nhiên, hiện nay không ít gia đình không còn duy trì thường xuyên bữa cơm gia đình truyền thống quây quần các thành viên.

Điều này kéo theo các thành viên trong gia đình sẽ mất dần sợi dây gắn kết: Cha mẹ không có thì giờ để ý những thay đổi trong tâm tính, sinh hoạt của con cái; con cái thay vì chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc với cha mẹ về kỹ năng sống, về khúc mắc thường gặp chỉ còn biết tìm đến mạng xã hội rồi vô tình mắc vào các tệ nạn xã hội lúc nào không biết.

Do đó, việc duy trì bữa cơm gia đình trong mỗi gia đình hiện đại là điều cần thiết, là một nét văn hoá truyền thống rất cần được gìn giữ, phát huy. Bữa cơm gia đình là thời gian và không gian để mọi thành viên trong gia đình xích lại gần nhau hơn, chia sẻ và bày tỏ yêu thương, là cầu nối của sự vun đắp tình cảm gia đình, của sự chia sẻ và yêu thương, trao truyền và tiếp thu các giá trị văn hóa.

Gia đình như thế nào thì xã hội như thế ấy. Xây dựng gia đình hạnh phúc là xây dựng xã hội hạnh phúc. Hạnh phúc mỗi gia đình có được là từ sức lực, trí tuệ, thời gian... của các thành viên trong gia đình góp phần vun đắp một cách kiên trì và bền bỉ. 

Do đó, “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” là luôn chủ đề xuyên suốt cho Ngày Gia đình Việt Nam từ năm 2014 trở lại đây và đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của hàng triệu triệu gia đình trên cả nước.

Là cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình, chúng tôi rất mong “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” sẽ luôn được duy trì trong từng gia đình Việt Nam, kết nối mọi thành viên gia đình với nhau, là cầu nối của sự vun đắp tình cảm gia đình, của sự chia sẻ và yêu thương, trao truyền và tiếp thu các giá trị văn hóa. 

Xin cảm ơn bà!

Bộ tiêu chí ứng xử đang dần tạo nên chuyển biến trong nhận thức, hành động 

Nói về Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đang được triển khai thí điểm tại một số tỉnh, thành trong 2 năm 2019 và 2020, bà Trần Tuyết Anh cho biết, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, Bộ VH-TT&DL đã xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm góp phần xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội. 

Bên cạnh các tiêu chí “Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ” được áp dụng chung cho các thành viên trong gia đình, thì Bộ tiêu chí còn có các tiêu chí cụ thể bao gồm: Tiêu chí ứng xử vợ chồng; tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu; tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà; tiêu chí ứng xử của anh, chị, em. 

Bộ tiêu chí hiện nay đã được thực hiện thí điểm tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và từng bước được các địa phương triển khai với nhiều sáng tạo, được hàng chục ngàn gia đình đăng ký thực hiện, đang dần tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức và hành động góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.

Năm 2021, Bộ VH-TT&DL sẽ tổ chức tổng kết hoạt động thí điểm và định hướng nhiệm vụ, giải pháp cho việc hoàn thiện, áp dụng thực hiện Bộ tiêu chí, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông vận động các gia đình Việt Nam thực hiện. 

Đọc thêm