Bài cáo phó nhầm lẫn hé lộ biệt danh người đời đặt cho Alfred Nobel

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cứ đến đầu tháng 10 hàng năm, cả thế giới đổ dồn sự chú ý tới những phát kiến được vinh dự trao giải thưởng Nobel. Giải thưởng mang tên nhà sáng chế người Thụy Điển Alfred Nobel - điều này hẳn ai cũng biết. Nhưng, nhiều người chưa biết được rằng, đằng sau giải thưởng lại là cả một câu chuyện dài có cả máu và nước mắt...
 Nhà sáng chế Alfred Nobel.
Nhà sáng chế Alfred Nobel.

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Alfred Nobel sinh năm 1833 tại Stockholm (Thụy Điển), có cha là một kỹ sư xây dựng. Tuy nhiên, năm Alfred chào đời cũng là khi việc kinh doanh của cha ông lụn bại đến mức phá sản. Sau vài năm chật vật nhưng không thể vực dậy, năm 1937, ông Immanuel Nobel quyết định đưa cả gia đình tới Phần Lan, rồi sau đó là Nga tìm kiếm cơ hội mới. 

May mắn đã mỉm cười với gia đình họ khi việc kinh doanh của ông Immanuel tại Nga càng ngày càng phát đạt. Xưởng cơ khí của ông liên tục nhận được những hợp đồng đóng thiết bị cho quân đội Nga, nhất là trong giai đoạn chiến tranh bùng nổ ở Nga trong khoảng thời gian 1853-1856. Nhờ đó mà cả gia đình Nobel được hưởng cuộc sống của tầng lớp tư sản cao cấp. 3 cậu con trai được ông Immanuel tạo mọi điều kiện để phát triển. Họ không phải đến trường mà được cha mời các giáo viên nổi tiếng về dạy riêng tại nhà các môn khoa học tự nhiên, văn học và ngôn ngữ. 

Trong số 4 người con của ông Immanuel, cậu con trai thứ 3 là Alfred được đánh giá cao nhất. Năm 17 tuổi, Alfred đã thông thạo 5 thứ tiếng là Thụy Điển, Nga, Pháp, Anh và tiếng Đức. Cậu là người tiếp thu rất nhanh các kiến thức hóa học, đồng thời cũng là người rất có tâm hồn, đặc biệt thích thú với văn học và thơ ca Anh. Vì muốn con trai sẽ kế nghiệp mình nên khi thấy Alfred hơi thiên về con đường văn nghệ, ông Immanuel đã quyết định cho Alfred ra nước ngoài để học thêm kỹ thuật hóa học. 

Trong 2 năm đó, tại Paris, Alfred tham gia khóa đào tạo do Giáo sư T.J.Pelouze (một nhà hóa học nổi tiếng) tổ chức và tình cờ gặp nhà hóa học trẻ người Italia tên Ascanio Sobrero. Sobrero chính là người đã phát minh ra nitroglycerine - chất lỏng có hoạt tính nổ cao, được chế bằng cách pha trộn glycerine với sulfuric và axit nitric. 

Dù có sức công phá lớn hơn nhiều so với thuốc súng nhưng nitroglycerine lúc bấy giờ lại được cho là quá nguy hiểm để sử dụng trong thực tế vì nó có thể phát nổ một cách bất ngờ nếu gặp nhiệt độ cao và áp suất. Song, sau khi được giới thiệu về nitroglycerine, Alfred tỏ ra rất hứng thú và liên tục suy nghĩ về cách thức để có thể đưa chất lỏng này vào sử dụng trong hoạt động xây dựng.

Sáng chế “đổi đời”

Năm 1852, khi đơn đặt hàng từ quân đội Nga gia tăng mạnh, ông Immanuel đã gọi Alfred về nước để giúp đỡ quản lý doanh nghiệp của gia đình. Cùng lúc, 2 cha con đã tích cực tiến hành các thí nghiệm để chế thuốc nổ có thể sử dụng trong hoạt động thương mại và kỹ thuật từ nitroglycerine. Tuy nhiên, biến cố thêm một lần ập đến với gia đình họ khi chiến tranh ở Nga kết thúc, khiến doanh nghiệp của ông Immanuel một lần nữa buộc phải phá sản do không có đơn hàng.

Trong tình hình đó, ông Immanuel quyết định cùng 2 cậu con út Alfred và Emil rời khỏi St.Petersburg để về Stockholm. 2 người con đầu là Robert và Ludvig tiếp tục ở lại và chuyển hướng sang lĩnh vực dầu mỏ. 

Về phía Alfred Nobel, sau khi trở về Thụy Điển vào năm 1863, ông tập trung vào phát triển thuốc nổ từ nitroglycerine. Chưa có được thành quả lớn nào, ông đã phải hứng chịu mất mát khi cậu em trai Emil bị thiệt mạng trong một vụ nổ nitroglycerine trong quá trình thử nghiệm.

Sau một vài vụ nổ khiến thêm một số người khác tại phòng thí nghiệm của Alfred thiệt mạng, giới chức Thụy Điển cho rằng việc sản xuất nitroglycerine quá nguy hiểm nên đã cấm thử nghiệm chất này, buộc Alfred Nobel phải chuyển hoạt động nghiên cứu xuống những chiếc sà lan ở hồ Lake Malaren. Dù vậy nhưng Alfred không nản lòng. Cuối cùng, đến năm 1864, ông đã có thể sản xuất hàng loạt nitroglycerine. 

Để việc sử dụng nitroglycerine an toàn hơn, Alfred đã thử nghiệm với các chất phụ gia khác nhau và phát hiện nếu trộn chất lỏng này với đất tảo cát sẽ tạo ra một hỗn hợp có thể được định hình thành những thanh có cùng kích cỡ và có thể nhét vào những lỗ khoan. Năm 1867, ông đã được cấp bằng sáng chế vật liệu mới dưới tên thuốc nổ. Để kích nổ những thanh thuốc nổ, ông cũng sáng chế ra ngòi nổ có thể kích nổ bằng cách châm ngòi. Những sáng chế của ông đã giảm đáng kể chi phí nổ đá, khoan các đường hầm, xây dựng kênh rạch và nhiều hoạt động xây dựng khác nên nhanh chóng trở nên “hot”. 

Với sự nhạy bén của một doanh nhân sẵn có, Alfred Nobel đã sớm có được những thành công lớn trong hoạt động kinh doanh thuốc nổ và ngòi nổ. Đến năm 1865, các sản phẩm do công ty của ông sản xuất đã xuất ra nhiều nước châu Âu, Mỹ và cả Úc. Tổng cộng, ông đã mở được khoảng 90 chi nhánh nhà xưởng và phòng thí nghiệm ở hơn 20 nước trên thế giới. Cùng với đó, số tài sản của ông cũng gia tăng chóng mặt, đến mức ông được Victor Hugo miêu tả là người giàu nhất châu Âu lúc bấy giờ. 

“Lái buôn tử thần”

Mải mê làm việc và đi lại khắp thế giới, Alfred thậm chí không còn thời gian cho cuộc sống riêng tư. Đến năm 43 tuổi, nhận ra mình đã già nua, đơn độc, không vợ con, không người bầu bạn, ông đã lên báo đăng tìm thư ký kiêm quản lý gia đình. Một phụ nữ người Áo tên Bertha Kinsky là ứng viên xuất sắc nhất và được nhận vào làm. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, bà này lại trở về Áo lấy chồng, còn Alfred tiếp tục lủi thủi một mình. 

Năm 1888, trong một chuyến tới Cannes, người anh trai Ludvig của Alfred đột ngột qua đời. Chuyện sẽ không có gì đáng nói và giải thưởng Nobel có lẽ đã không xuất hiện nếu không có việc một tờ báo của Pháp nhầm tưởng người chết là Alfred và cho đăng cáo phó của ông. Trong cáo phó, tờ báo trên chỉ trích Alfred rất nặng nề vì việc ông đã phát minh ra thuốc nổ, khiến nhiều người thiệt mạng. Gọi Alfred là “Lái buôn tử thần”, cáo phó viết: “Tiến sĩ Alfred Nobel - kẻ đã trở nên giàu có nhờ việc tìm ra được những cách thức giết nhiều người hơn, nhanh hơn so với trước đây - đã chết ngày hôm qua”.

Vốn đang trong tâm trạng nhạy cảm, Alfred càng thêm thất vọng vì những ngôn từ trên. Ông bắt đầu hoang mang, lo lắng về cách mà người đời sẽ nhớ đến ông khi ông không còn nữa. Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông đã quyết định sửa lại bản di chúc của mình. Ngày 10/12/1896, Alfred Nobel qua đời tại Italia. Bản di chúc của ông khi được công bố sau đó đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng. 

Theo bản di chúc, sau khi chia một số tài sản cho người thân và những người gần gũi, Nobel tuyên bố để lại 94% tổng tài sản của ông, tương đương 31.225.000 kronor Thụy Điển để trao giải thưởng cho những người có những cống hiến đem lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại trong những năm trước đó. Các giải thưởng Nobel bao gồm Vật lý, Hóa học, Y học, Văn học và Hòa bình. 

Ở thời điểm lúc bấy giờ, việc quyên góp số tiền lớn như vậy cho mục đích khoa học và từ thiện là điều không tưởng. Vì thế nên, một số người thân của Alfred đã phản đối bản di chúc. Ngoài ra, ý tưởng của Alfred cũng đã vấp phải một số vấn đề về hành chính và pháp lý khác. Tuy nhiên, sau vài năm, tất cả đã được giải quyết êm thấm và đến năm 1901, những giải thưởng Nobel đầu tiên đã được trao. 

Đọc thêm