Bài học bảo tồn văn hóa làng biển từ thế giới

(PLVN) - Nhiều làng chài ven biển ở các nước như Ý, Tây Ban Nha, Qatar, Indonesia,… không chỉ đơn thuần sở hữu bãi biển đẹp hấp dẫn du khách mà còn có thể được coi là “thiên đường di sản”, được chính phủ các nước này định hướng bảo tồn lâu dài.
Làng chài Procida (Ý).
Làng chài Procida (Ý).

Mô hình làng sinh thái biển ở Indonesia

Làng Tunuo (huyện Bắc Kao, Bắc Halmahera Regency, tỉnh Bắc Maluku, Indonesia) là một ngôi làng có nhiều tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa, tín ngưỡng để phát triển du lịch.

Điều này đã được tìm hiểu, trao đổi qua những nghiên cứu thực nghiệm, hội thảo khoa học, góp ý chính sách tại Indonesia từ nhiều năm nay. Khi đó các nhà nghiên cứu văn hóa nước này đã nhận thấy, sinh kế của làng Tunuo chủ yếu là khai thác cùi dừa và các sản phẩm từ cùi dừa.

Tuy nhiên, lợi nhuận thất thường khiến người dân làng phải tìm kiếm thu nhập từ các lựa chọn khác. Các hoạt động kinh tế tự phát gây hại đến môi trường sinh thái, chẳng hạn như đánh bắt cá bằng bom tự chế làm tổn hại các rạn san hô tự nhiên.

Ngoài ra còn có hoạt động sản xuất, phân phối và tiêu thụ rượu truyền thống làm từ nhựa cây cọ (được gọi là Saguer), đã gây nên nhiều bất cập do tác hại của rượu. Do đó, du lịch có thể tạo cơ hội cho dân làng Tunuo kiếm thêm thu nhập cũng như nỗ lực bảo vệ môi trường và văn hóa bản địa của họ. Việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về du lịch đã được triển khai từ sớm.

Làng Tunuo là một mô hình du lịch sinh thái điển hình ở Indonesia khi có tiềm năng cả về du lịch bãi biển, đường biển, đường sông và du lịch văn hoá. Theo đó, chiến lược phát triển du lịch của ngôi làng này được người Indonesia tư duy theo 3 hướng. Du lịch bãi biển có thể được phát triển như một điểm thu hút khách du lịch để thưởng thức phong cảnh vào lúc bình minh và hoàng hôn cùng với các bộ môn lướt sóng và lặn biển. 

Indonesia coi trọng bảo tồn, phát triển làng chài thành điểm du lịch.
 Indonesia coi trọng bảo tồn, phát triển làng chài thành điểm du lịch.

Mặt khác, du lịch đường sông có thể được phát triển thành các tour chèo thuyền dọc theo sông Tunuo (Kayak, cano). Còn du lịch văn hóa có thể được chia thành hai phần chủ đạo: một là múa và âm nhạc truyền thống (cakalele, tide-tide, yangere), hai là các nghi lễ truyền thống (batombo) như cưới hỏi, cầu an… Ngoài ra, còn có các dịch vụ du lịch như đi câu cá, giải trí, ẩm thực và tham gia hoạt động của làng du lịch theo mùa.

Đáng nói, hoạt động dọn rác trên bãi biển, làm sạch biển cùng tập thể (gotong-royong) vào 2 ngày thứ năm và thứ sáu hàng tuần cũng là một hoạt động du lịch thú vị, được phát triển và duy trì từ năm 2016. Hoạt động này được thực hiện ban đầu bởi Nhóm Phổ biến Nhận thức về du lịch Pokdarwis, sau đó là các nhóm thanh niên trong làng Tunuo đã tiếp quản công việc này.

Điều này cho thấy mọi người phản ứng tích cực với sự phát triển của du lịch. Họ nhận thức được bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hoá và duy trì an ninh an toàn trong làng sẽ đảm bảo sinh kế bền vững cho họ. Tuy nhiên, nhận thức, tinh thần và động lực mới là những yếu tố cơ bản để xây dựng du lịch. 

Mặt khác, kiến thức về du lịch, các kĩ năng hướng dẫn, tiếp thị du lịch sẽ giúp ngôi làng được biết đến với những sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, đa sắc hơn. Người dân trong làng tự nguyện phối hợp với chính quyền địa phương để tổ chức, tham gia các hoạt động phổ biến kiến thức, hội thảo và workshop đào tạo về du lịch.

Họ học từ những điều cơ bản nhất như dọn rác như thế nào, từ bỏ hoạt động bắt cá trái phép bằng bom tự chế ra sao, hay chủ động ngăn chặn sự tiêu thụ rượu tràn lan, đến việc thực hiện các nghi lễ, nghi thức văn hóa như thế nào để thu hút du khách. Mô hình làng sinh thái biển Tunuo ở Indonesia được coi là một mô hình thành công, cho thấy ngành du lịch có thể trao quyền cho cộng đồng bản địa để đạt được sự phát triển bền vững về các khía cạnh xã hội, kinh tế và môi trường.

Thu hút du khách bằng kiến trúc cổ

Ở các nước Địa Trung Hải như Ý và Tây Ban Nha, nghề đánh bắt cá có thể nói là một trong những ngành kinh tế chính tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Vì thế, có nhiều làng chài đẹp, tồn tại từ lâu đời được bảo tồn tốt, giữ được những kiến trúc cổ xưa, để thu hút đông đảo khách du lịch trên thế giới.

Ở nước Ý, có thể kể tới ngôi làng chài nhỏ Cammogli (tỉnh Genoa, vùng Riviera), làng chài Puerto de Mogan (quần đảo Gran Canaria), làng chài Procida (một hòn đảo nhỏ ở ngoài khơi bờ biển Napoli), làng chài Polignano a Mare (nằm trên bờ biển Adriatic).

Làng chài Puerto De Mogan (Tây Ban Nha).
 Làng chài Puerto De Mogan (Tây Ban Nha).

Còn tại Tây Ban Nha, điển hình cũng nhất là ngôi làng chài Cudillero hàng trăm năm tuổi, ôm trọn nhiều cảnh quan tuyệt vời của Đại Tây Dương. Điểm chung của những ngôi làng này là họ vẫn lưu giữ nghề đánh bắt cá làm nguồn thu nhập chính cho người dân. Như vậy, khung cảnh lao động nhộn nhịp kết hợp với không gian di sản chính là những “điểm đắt giá” thu hút du lịch của những vùng này.

Nói đến một mô hình thành công khác, làng văn hóa ven biển Katara (Qatar) cũng được coi là một “thiên đường di sản” khi vẫn lưu giữ được kiến trúc từ thời Greco-Roman đến những con hẻm nhỏ mà ở đó những người nghệ sĩ già, trẻ vẫn còn thực hành các nghề thủ công truyền thống. 

Làng văn hóa Katara nằm trên vùng đất khai hoang giữa West Bay và The Pearl tại bờ biển phía đông của Qatar. Ngôi làng lấy tên từ các bản đồ lâu đời nhất còn sót lại, ghi lại khu vực này, bởi nhà toán học và nhà địa lý học người Hy Lạp Ptolemy vào năm 150 sau Công nguyên. Được biết, ngôi làng gắn với lịch sử lâu đời của quốc gia Trung Đông này.

Tại đây, nghề truyền thống như nghề thư pháp hoặc nhuộm lụa batik được lưu giữ và truyền lại cho các nghệ sĩ trẻ, thậm chí còn cung cấp nguồn cảm hứng dồi dào cho các nhiếp ảnh gia và nhà làm phim. Cũng chính vì thế, các studio, phòng trưng bày, triển lãm nghệ thuật là sức hút đặc biệt của ngôi làng này, đặc biệt đối với giới nghệ thuật. 

Bảo tồn di sản trong hoạt động du lịch

Theo nghiên cứu của UNWTO, du lịch là một trong những lý do chính để bảo tồn di sản văn hóa. Bởi thực tế cho thấy, nhiều địa điểm du lịch văn hóa “đóng cửa” với du lịch thường có nguy cơ xuống cấp nhanh do ít được chăm sóc hơn. Có thể do hao mòn tự nhiên từ tác động của điều kiện khí hậu và các hiện tượng tự nhiên khác.

Đồng thời, sự thiếu hụt kinh phí bảo trì, áp lực kinh tế với cộng đồng địa phương khiến họ không suy nghĩ đến việc lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa địa phương. Theo đó, không gian văn hóa làng biển cũng cần được khuyến khích thúc đẩy, bảo tồn và phát triển. 

Không bao giờ là thừa khi cộng đồng địa phương, cộng đồng quốc tế và các chính phủ đưa ra những sáng kiến, xem xét các chính sách mới mẻ, sáng tạo khi xác định các giá trị và bảo tồn các di sản văn hóa trong hoạt động du lịch.

Đơn cử, chính sách liên kết các điểm đến di sản nhỏ với các điểm đến di sản lớn có nền văn hóa và lịch sử lâu đời hơn. Hoạt động kinh doanh du lịch văn hóa cũng cần cân nhắc vấn đề tách biệt các tầng lớp người tiêu dùng khác nhau theo mức độ quan tâm của họ với văn hóa để tiếp thị, quảng bá điểm đến phù hợp. 

Theo các chuyên gia của UNWTO phân tích, loại chính sách này, nếu được thực hiện bài bản và đúng cách, sẽ phân phối khách du lịch tốt hơn, góp phần tạo cơ hội cho các điểm đến di sản vừa có nguồn thu kinh tế vừa có thời gian phục hồi sau khi khai thác du lịch. Mặt khác, du khách cũng có nhiều lựa chọn hơn về các điểm đến di sản và cảm thấy hài lòng hơn với chất lượng trải nghiệm du lịch của mình.