Bài toán năng lượng

(PLVN) - Mới đây, góp ý cho dự thảo quy hoạch điện VIII, một số tỉnh có quy hoạch nhiệt điện than, liên minh năng lượng và một số ý kiến khác đã đề nghị không phát triển thêm các dự án điện than mới, đặc biệt trong 10 năm tới. Thay vào đó, Việt Nam cần ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời phân tán và điện gió.
Việt Nam đang hướng tới năng lượng lượng sạch như điện gió.

Các đơn vị cũng đề nghị các dự án nhiệt điện than dự kiến trong quy hoạch điện VII điều chỉnh chuyển sang dùng LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng); loại bỏ vị trí quy hoạch nhà máy nhiệt điện than trong quy hoạch đang có, phần công suất thiếu hụt sẽ bù vào công suất nguồn LNG. Nguyên nhân là các nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường, không thu xếp vốn được.

Phản hồi các ý kiến này, Viện Năng lượng, đơn vị tư vấn quy hoạch điện VIII, cho biết các nhà máy nhiệt điện than như nhiệt điện Nam Định I, Thái Bình II, Vũng Áng II, Vân Phong I, Duyên Hải II.... đưa vào giai đoạn 2021-2035 đều là những dự án chắc chắn xây dựng, vì đã xúc tiến đầu tư tốt. Sau năm 2035, hệ thống vẫn cần tiếp tục phát triển một phần nhỏ nhiệt điện than để đảm bảo tiêu chí an ninh năng lượng, giá điện không tăng quá cao.

Theo đơn vị tư vấn, quy hoạch điện VIII đã yêu cầu các nhà máy nhiệt điện than xây mới sử dụng công nghệ tiên tiến, là công nghệ siêu tới hạn, giúp nâng cao hiệu suất, ít tiêu hao năng lượng. Theo đó, giai đoạn 2021-2025 chỉ xây dựng nhà máy ít nhất đạt công nghệ nhiệt điện siêu giới hạn (USC). USC được hiểu là có thể nâng hiệu suất phát điện lên tới 42,5%, tiêu hao nhiên liệu chỉ ở mức 0,425 kg một kWh.

Công nghệ các nhà máy nhiệt điện than hiện nay đã phát triển, đáp ứng nhu cầu giảm tiêu hao năng lượng và đảm bảo về môi trường. Vì vậy, ngoài hiệu suất có thể lên đến trên 50%, các nhà máy còn tiêu hao ít nhiên liệu, tài nguyên, công nghệ xử lý chất thải cuối nguồn cũng đạt hiệu suất cao tương ứng có thể xử lý để giảm tối đa các tác động đến môi trường.

Bên cạnh đó, Viện Năng lượng cho biết, nếu chọn phát triển nhiệt điện khí LNG thay than, mức độ phụ thuộc vào bên ngoài vẫn tương tự. Nếu chỉ phụ thuộc vào LNG sẽ làm giảm mức độ an ninh năng lượng. Ngoài ra, chi phí sản xuất điện của nguồn điện LNG khá lớn, giá điện sẽ tăng cao hơn nhiều, chi phí hệ thống sẽ tăng khoảng 2 tỷ USD/năm so với kịch bản chọn.

Với những nhận định như trên, cho thấy bài toán lựa chọn nguồn năng lượng nào vẫn đang còn trong vòng tranh cãi. Nhiều năm trước, khi phương án điện nguyên tử được đưa ra, đã vấp ngay phải những phản đối kịch liệt.

Tương tự là thủy điện, một trong những nguồn năng lượng “truyền thống” của Việt Nam cũng bị nhìn với ánh mắt “nghi kỵ”, vì bị cho là tiềm ẩn những nguy cơ lũ lụt, ảnh hưởng rừng… Rồi điện mặt trời, từng trở thành một “phong trào” đầu tư trong vài năm trước, đã cho thấy có những “tác dụng phụ” khi trở thành gánh nặng của hệ thống truyền tải, còn kèm theo những hệ quả như “rác” từ tấm pin. Về phía nhiệt điện, xung quanh những nhà máy này, thường thấy những lời kêu trời của cư dân về tình trạng mù mịt khói bụi…

Vấn đề là ai cũng cần có điện. Và như vậy, rất cần một cuộc nghiên cứu tầm cỡ quốc gia để “chốt” vấn đề chúng ta nên lựa chọn ưu tiên những loại năng lượng nào, để tránh tình trạng “bàn vào tán ra” mất thời gian.