Mối nguy hại từ “vật bất ly thân” smartphone
Hiện nay, ở bất cứ đâu – trong quán cafe, trên xe buýt, trong trường học, ngoài đường, tại trung tâm thương mại, văn phòng làm viêc…, không khó để tìm thấy những người đang nhìn chằm chằm vào điện thoại của họ.
Báo cáo của Greenpeace (Hoa Kỳ) cho biết kể từ khi chiếc iPhone lần đầu tiên của Apple xuất hiện trên thị trường vào năm 2007, hơn 7 tỷ chiếc điện thoại thông minh đã được sản xuất trên khắp thế giới, xấp xỉ với số lượng người trên hành tinh này.
Nếu từ góc độ số liệu, sẽ thật “lãng mạn” nếu mỗi người chỉ giữ một chiếc điện thoại thông minh trong suốt cuộc đời của mình. Nhưng trên thực tế, điều này khó thể xảy ra. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, thời gian sử dụng trung bình cho một chiếc điện thoại thông minh là khoảng 2 năm và một cá nhân có thể sở hữu ít nhất 2 chiếc điện thoại.
Động lực khiến thị trường mua bán điện thoại thông minh cực kì sôi động đến từ thói quen thay điện thoại thường xuyên của người tiêu dùng kể cả khi chúng vẫn còn hoạt động được. Thông thường, lý do thay đổi điện thoại đến từ những lỗi kỹ thuật không thể khắc phục. Mặt khác, tâm lý phải sở hữu chiếc điện thoại đời mới nhất, tân tiến nhất với nhiều tính năng cải tiến, đã trở thành xu hướng chung trên thế giới trong nhiều năm nay. Theo đó, việc mua một chiếc điện thoại thông minh ngày càng trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết với giá thành rẻ hơn.
Điện thoại càng thông minh càng phát thải các-bon cao. |
Theo Báo cáo di động năm 2015 của Ericsson, 70% dân số thế giới sẽ sở hữu điện thoại thông minh, chủ yếu là người từ 18 đến 35 tuổi. Ở những cường quốc phát triển như Hoa Kỳ, Đức, Pháp… tỷ lệ này còn cao hơn, có thể lên tới 90% dân số. Khó có thể phủ nhận, chúng ta đang ngày càng phụ thuộc vào chiếc điện thoại của mình.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, điện thoại càng thông minh thì tác động đến môi trường càng lớn. Các linh kiện điện tử bên trong điện thoại chứa một lượng kim loại như nhôm, vàng và cô-ban. Nguồn của những kim loại này thường được khai thác ở các nước đang phát triển như Cộng hoà Dân chủ Congo, gián tiếp gây ô nhiễm môi trường ở các nước này, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân, mà trong đó trẻ em là nạn nhân chính. Bên cạnh kim loại, điện thoại thông minh cũng chứa một lượng nhựa nhất định có nguồn gốc từ dầu mỏ. Một số thành phần khác được tạo thành bởi silicon – vật liệu đòi hỏi nhiều tài nguyên để sản xuất.
Mặc dù mỗi chiếc điện thoại cá nhân chỉ chứa một lượng nhỏ các chất này, nhưng 7 tỷ chiếc điện thoại (con số đang gia tăng hàng năm) đã góp phần làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên tự nhiên, cũng như gây hại tới môi trường.
Apple đã thành phát triển quy trình luyện trực tiếp nhôm không chứa các-bon. |
Đơn cử, theo chuyên gia Federico Magalini, lượng vàng trong 1 tấn rác điện thoại di động nhiều gấp 80 lần so với trong cùng lượng đất tại một mỏ vàng. Mặc dù có một tiềm năng lớn lao từ việc tái chế lại các loại linh kiện điện tử vứt đi nhưng trên thực tế chỉ một số lượng hạn chế điện thoại thông minh được tái chế. Nguyên nhân chính là bởi chi phí tái chế cao.
Điện thoại thông minh cũng là nguồn phát thải khí các-bon khổng lồ. Các nhà nghiên cứu tại Đại học McMaster (Canada) cho biết điện thoại thông minh là thiết bị phát thải các-bon cao nhất so với các thiết bị khác như máy tính xách tay, máy tính bảng và máy tính để bàn, cũng các trung tâm dữ liệu, mạng truyền thông (gọi chung là thiết bị công nghệ ICT).
Từ 2014, Apple bắt đầu chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. |
Theo đó, những chiếc điện thoại này tiêu thụ rất ít năng lượng để vận hành nhưng chúng lại cần rất nhiều năng lượng để sản xuất. Lượng phát thải các-bon chủ yếu đến từ dây chuyền sản xuất các linh kiện điện tử và tạo ra chiếc điện thoại.
GS. TS Lotfi Belkhir (Đại học McMaster) cho biết: “Đối với mọi tin nhắn văn bản, cuộc gọi điện thoại, video bạn tải lên hoặc tải xuống, đều có một trung tâm dữ liệu thực hiện điều này. Các mạng viễn thông và trung tâm dữ liệu tiêu tốn rất nhiều năng lượng để phục vụ khách hàng và hầu hết các trung tâm dữ liệu vận hành dựa trên năng lượng điện tạo ra từ nhiên liệu hoá thạch”. Bên cạnh đó, các phần mềm thúc đẩy ngành công nghệ thông tin phát triển cũng có tác động lớn hơn đến lượng phát thải khí nhà kính.
“Khổng lồ công nghệ” và định hướng “xanh hoàn toàn”
Theo thống kê, năm 2018 ngành công nghệ thông tin để lại dấu vết các-bon lên môi trường ở mức 1,5% số với tổng dấu vết các-bon toàn cầu. Nhưng các nhà khoa học dự đoán con số này sẽ gia tăng nhanh chóng, lên tới 14% vào năm 2040.
Mới đây, tập đoàn công nghệ Apple (Mỹ) đã cam kết 100% sản phẩm sẽ không ảnh hưởng đến khí hậu toàn cầu. Trên trang thông tin chính thức của Apple, công ty đã công bố lộ trình 10 năm đưa toàn bộ khí thải cacbon về 0% sớm hơn các mục tiêu của IPCC (Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu). Đó là một loạt các hành động đổi mới mang tính “cách mạng”, hướng tới sản xuất các thành phẩm các-bon thấp, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo, nâng cao quy trình tái chế điện tử sáng tạo.
Apple đầu tư vào khôi phục rừng để tăng khả năng lọc khí các-bon. |
Nói là làm, năm 2019 tất cả iPhone, iPad, Mac và Apple Watch đều được làm bằng vật liệu tái chế, trong đó bao gồm 100% nguyên tố đất hiếm tái chế. Trong số những phát minh mới nhất phải nhắc đến rô-bốt Daisy chuyên tháo rời iPhone và rô-bốt Dave chuyên tháo rời môđun Taptic Engine khỏi iPhone.
Ngoài ra, Apple còn lập ra một phòng thí nghiệm phục hồi vật liệu tại thành phố Austin (Texas, Mỹ) cùng hợp tác với trường Đại học Carnegie Mellon để nghiên cứu, phát triển các công nghệ tối ưu hoá tái chế điện tử. Đáng nói nhất trong giai đoạn khai thác vật liệu và sản xuất, tập đoàn Apple đã thành công phát triển quy trình luyện trực tiếp nhôm không chứa các-bon đầu tiên trên thế giới. Macbook Pro 16 inch 2019 là lô máy tính đầu tiên trên thế giới được sản xuất bằng nhôm không các-bon. Những động thái này đã góp phần giảm phát tải 4,3 triệu tấn các-bon.
Suốt 11 năm qua, Apple đã giảm 73% năng lượng trung bình cần thiết cho việc sản xuất các sản phẩm. Trong đó nổi bật nhất chính là việc tập đoàn tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo và tập trung chuyển đổi toàn bộ chuỗi cung ứng của mình sang sử dụng nguồn điện sạch. Kết quả là không chỉ nhu cầu sử dụng điện giảm 20%, tập đoàn còn tiết kiệm được khoảng 27 triệu USD.
Ngoài ra, Apple còn đầu tư lớn vào các hệ thống lọc môi trường tự nhiên như rừng, đầm lầy và đồng cỏ để tăng thêm khả năng loại bỏ các-bon. Với những gì “gã khổng lồ” Apple đã và đang thực hiện, tập đoàn này thực sự đang là hình tượng mẫu mực cho một mô hình công ty công nghệ “xanh”.
Nỗ lực giảm thiểu phát thải các-bon của Apple gợi lên nhiều suy ngẫm. Thiết nghĩ, nếu chỉ nghĩ ngắn hạn thì việc mua môt chiếc điện thoại mới có vẻ rẻ hơn là sửa chữa chúng đối với người tiêu dùng. Nhưng nếu nghĩ tới lợi ích lâu dài của toàn cầu, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ lại về thói quen này.
(còn tiếp)