Bệnh nhân “tố” bị liệt sau khi khám chữa tại Bệnh viện Dệt May: Có phải do châm cứu?

(PLO) - Do bị đau gáy và cổ, anh Nguyễn Văn Khắc Trung đến khám ở Bệnh viện Dệt May. Sau khi được châm cứu khoảng 15 phút, anh Trung có cảm giác ê buốt và biểu hiện bị tê liệt tứ chi. Liệu việc tê liệt có phải do châm cứu là câu hỏi mà gia đình bệnh nhân và công luận đang chờ câu giải thích thỏa đáng từ hội đồng chuyên môn của ngành y tế.
Anh Trung trong tình trạng bị liệt (ảnh do gia đình cung cấp).
Anh Trung trong tình trạng bị liệt (ảnh do gia đình cung cấp).

Vì sao anh Trung bị liệt?

Kêu cứu tới Báo Pháp luật Việt Nam, vợ chồng anh Nguyễn Văn Khắc Trung và chị Nguyễn Thị Liên Hương (trú tại phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) cho biết, ngày 22/5/2016, anh Trung kêu đau ở phía sau gáy, chị Liên Hương đưa anh vào Bệnh viện Thanh Nhàn để khám chữa. Sau khi thăm khám, anh được các bác sĩ chẩn đoán bị đau cứng cơ và được tiêm một mũi giảm đau, yêu cầu anh đến khám lại vào ngày hôm sau. 

Ngày 23/5, thấy chồng có biểu hiện đau hơn hôm trước, chị Hương tiếp tục đưa chồng sang Bệnh viện Dệt May khám. Sau khi thăm khám và chụp X quang, anh Trung được chẩn đoán là bị thoái hóa đốt sống cổ,  đồng thời phải châm cứu. Anh được chuyển sang Khoa Đông y của Bệnh viện Dệt May. 

“Khi được chuyển sang Khoa Đông y của Bệnh viện Dệt May, bác sĩ ở đây nhìn phim và chỉ định chồng tôi phải châm cứu 5 ngày. Sau khi hoàn thành thủ tục nộp tiền châm cứu, thấy tình hình sức khỏe trầm trọng hơn, gia đình đề nghị Bệnh viện châm cứu ngay cho anh Trung vào 11 giờ sáng ngày 23/5” - chị Hương cho biết – “Tuy nhiên, sau khi châm cứu được 15 phút, chồng tôi có cảm giác tê buốt ở phần da mà kim châm tiếp xúc, người khó chịu, khó thở, chân tay dần như mất cảm giác và không cử động được gì nữa”.

Quá sốt ruột trước tình trạng nguy kịch của chồng, chị Hương yêu cầu bác sĩ chuyển anh Trung sang Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu, với lý do: “Người nhà cháu công tác ở một bệnh viện khác cho rằng, bác sĩ châm cứu cho chồng cháu bị vỡ mạch máu nên dẫn đến tụ máu sau gáy rồi, chú chuyển viện ngay cho chồng cháu đi”. Nhưng sau đó bác sĩ Bệnh viện Dệt May vẫn trấn an chị bằng cách giải thích rằng, chồng chị không vấn đề gì, phải để bệnh nhân nằm đây một lúc mới đi được. Gần 3 tiếng đồng hồ sau đó, Bệnh viện Dệt May mới chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Bạch Mai để điều trị.  

Hai ngày sau, chiều ngày 25/5, anh Trung được y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai mổ cấp cứu. Trong phiếu mổ, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tụ máu sau gáy chèn lên tủy sống cổ gây liệt tủy hoàn toàn. 

Từ ngày chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai, sức khỏe của anh Trung không có dấu hiệu chuyển biến tích cực, tứ chi bắt đầu teo lại. 

Cần sớm có kết luận về nguyên nhân gây bệnh

Làm việc với PV Báo Pháp luật Việt Nam về sự việc này, ông Phạm Tuấn Anh - Trưởng phòng Tổ chức hành chính Bệnh viện Dệt May - xác nhận có trường hợp bệnh nhân Trung tiến hành khám chữa tại Bệnh viện và sau đó được chuyển đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.

Ông Tuấn Anh thông tin: “Trước khi châm cứu bệnh nhân được thăm khám theo quy định, được chụp X quang đốt sống cổ nhìn thấy thoái hóa đốt sống cổ. Kết hợp trên lâm sàng có co cứng cơ vùng cổ gáy nên có chỉ định châm cứu để giảm đau. Trong thao tác làm kĩ thuật châm cứu, bệnh nhân đã có cảm giác tê buốt. Chính vì thế, bác sĩ ngay lập tức rút kim châm ra và tiến hành cấp cứu kịp thời chứ không như lời bệnh nhân phản ánh. Sau đó, các bác sĩ cũng đã tiến hành hội chẩn và xác định bệnh nhân liệt ½ người chưa rõ nguyên nhân, theo dõi hạ kali máu… Khi thấy tình trạng bệnh nhân không khả quan, Bệnh viện đã nghĩ tới tổn thương cột sống sau sang chấn, ngoài khả năng điều trị của Bệnh viện nên quyết định chuyển bệnh nhân lên tới A9 Bạch Mai theo đúng quy định chuyển tuyến của Bộ Y tế: có bác sĩ đi cùng, bệnh nhân được cố định đốt sống cổ”. 

Ông Tuấn Anh cũng cho biết, khi gia đình có thắc mắc về việc điều trị của bệnh nhân Trung trong thời gian ở Bệnh viện Dệt May, Bệnh viện đã mời gia đình đến giải thích về quá trình điều trị và tác động của châm cứu (nếu có) đến tình trạng của bệnh nhân. Theo quan điểm của Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện, quy trình châm cứu không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng tổn thương ở tủy của bệnh nhân. “Kim châm cứu đã dùng dài 2,5 cm với độ châm cứu từ 1/2 đến 2/3 kim không thể gây tổn thương đến tủy sống được” – ông Tuấn Anh nói – “Nếu châm cứu chạm vào mạch máu thì gây chảy máu dưới da hoặc cơ chứ không thể chèn vào tủy sống cổ được”. 

“Do gia đình đã gửi đơn đến các cơ quan cấp trên, nên theo quy định, mọi hồ sơ bệnh án của bệnh nhân Trung đã được Bệnh viện niêm phong chờ đoàn kiểm tra của Hội đồng chuyên khoa cấp trên đưa ra kết luận chính thức” – ông Tuấn Anh cho biết.

Theo chị Hương, đến nay tình trạng sức khỏe của anh Trung không ổn định. Mắt trái có thể bị mù, mọi hoạt động ăn, ngủ, vệ sinh đều phải nhờ người nhà giúp đỡ, trong khi hoàn cảnh gia đình khó khăn vì mẹ già bị liệt và các con còn quá nhỏ.

Sự việc xảy ra đã được hơn tháng. Thiết nghĩ, các cơ quan cấp trên có thẩm quyền cần nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra, có kết luận thỏa đáng, chính xác, để gia đình bệnh nhân yên tâm chữa bệnh, đồng thời cũng giải tỏa tâm lý băn khoăn, nghi ngờ của dư luận đối với các bệnh viện có liên quan.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin sự việc này. 

Đọc thêm