Có nên chặn xe vi phạm bằng mọi giá?

(PLO) - Chưa đầy một tháng đã xảy ra tới hai vụ tai nạn giao thông khiến hai chiến sỹ cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ thiệt mạng, dư luận dậy sóng với những hành vi bất chấp, coi thường pháp luật của các đối tượng vi phạm Luật An toàn giao thông. Tuy nhiên, một câu hỏi mới cũng được đặt ra: Có nên chặn xe vi phạm giao thông bằng mọi giá?
Một cảnh sát giao thông bị tông khi ra hiệu lệnh dừng xe vi phạm giao thông.
Một cảnh sát giao thông bị tông khi ra hiệu lệnh dừng xe vi phạm giao thông.

Không còn là hiện tượng

Vụ tai nạn tại trạm thu phí cầu Đồng Nai (TP Biên Hòa, Đồng Nai) vừa tử nạn vào tối ngày 15/4 khiến Thiếu tá CSGT Lê Quang Minh (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai) tử vong còn chưa nguôi thì một vụ tai nạn khác khiến một chiến sĩ giao thông nữa ra đi. Theo đó, ngày 2/5/2017, tổ công tác Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đang làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên Quốc lộ 1A (thuộc địa phận xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy). Khi phát hiện xe máy hiệu Exciter BKS 74L1-19.539 do Nguyễn Ngọc Chiến (SN 1991, trú xã Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) điều khiển, vi phạm tốc độ (68/50km/h). Trung sĩ Võ Duy Khánh đã ra hiệu lệnh yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Thay vì chấp hành hiệu lệnh, đối tượng này điều khiển xe mô tô tăng tốc độ, đâm thẳng vào lực lượng làm nhiệm vụ. Sau cú đâm trực diện, Trung sĩ Võ Duy Khánh bị chấn thương quá nặng, hy sinh vào sáng 3/5.

Thực tế, hai vụ tai nạn nêu trên không chỉ là hiện tượng mới xảy ra, bởi những năm vừa qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông mà trong đó những chiến sĩ CSGT khi đang làm nhiệm vụ trở thành nạn nhân trong các vụ tai nạn đó. Câu hỏi đặt ra là: Lực lượng chức năng nên làm gì thay vì mang cả tính mạng và sức khỏe của mình ra để yêu cầu người vi phạm hành chính chấp hành pháp luật? Câu hỏi này đã từng làm đau đầu khá nhiều nhà quản lý, những người soạn luật. Bởi thực tiễn còn rất nhiều tình huống phát sinh, khó áp dụng một cách khô cứng. 

Làm sao giữ an toàn khi xử lý xe vi phạm?

Theo Luật sư Lê Anh Vinh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội thì: “Trấn áp tội phạm là một việc làm cần thiết của các chiến sỹ cảnh sát khi làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, ở đây là hoạt động giao thông, tôi chưa thấy có quy định hay khái niệm nào nói rõ việc vi phạm Luật ATGT là tội phạm nguy hiểm. Tất nhiên, có những trường hợp vi phạm Luật ATGT gây ra hậu quả lớn có thể là tội phạm. Tuy nhiên, đó là sau khi đã gây ra . Vì vậy, theo tôi, khi xử lý vi phạm giao thông, các chiến sĩ cảnh sát giao thông không cần thiết phải trấn áp ngay lập tức mà có thể sử dụng nhiều biện pháp phối hợp để có thể xử lý được người vi phạm giao thông như báo cho trạm CSGT phía sau biết, hoặc nếu đủ hình ảnh chứng minh hành vi vi phạm thì có thể “phạt nguội”.

Ngoài ra, Luật sư Vinh cũng cho rằng, trong quy định hiện hành về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CSGT có nêu rõ những tình huống xử lý cụ thể trong nhiều trường hợp, tuy nhiên, thông tư lại không quy định về việc CSGT có truy đuổi người vi phạm giao thông bỏ chạy hay không. “Trong khi những người điều khiển phương tiện xe cơ giới bỏ chạy thì phương tiện của họ trở thành nguồn nguy hiểm cao độ không chỉ đối với họ, đối với cộng đồng mà với tâm lý bỏ trốn thì còn gây nguy hiểm cho chính lực lượng chức năng. Trong bối cảnh không phải tất cả mọi người tham gia giao thông đều nghiêm túc chấp hành luật lệ giao thông thì vấn đề bảo vệ tính mạng cho mình, cho cộng đồng là quan trọng” - Luật sư Vinh nói.

Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: “Một số người đang có sự nhầm lẫn giữa “quyền hạn” và “quyền lực”. Quyền hạn của CSGT có quyền được dừng phương tiện tham gia giao thông khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tuy nhiên việc dừng phương tiện để kiểm tra, xử lý phải đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và an toàn cho chính người thi hành công vụ”.

Theo Luật sư Cường, việc CGST chặn đầu xe buộc người lái xe phải dừng xe do có dấu hiệu vi phạm giao thông là việc không nên làm, “hành động như vậy không được pháp luật cho phép và tự mang đến sự nguy hiểm cho mình và người khác. Hiện nay, lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát 113 và các lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông rất hùng hậu, phương tiện kỹ thuật hiện đại, có bộ đàm, xe phân khối lớn, gắn nhiều camera trên đường…Do vậy việc phối hợp bắt giữ phương tiện vi phạm đang lưu thông trên đường do có dấu hiệu vi phạm là không khó và không nhất thiết cứ phải lao vào đầu xe một cách “cảm tử” hoặc nhảy lên nắp capo để “ghì cương” xe ô tô một cách quyết liệt như vậy”.

Đã đến lúc, Bộ Công an cần quy định cụ thể về việc CSGT sẽ chặn, truy đuổi phương tiện giao thông vi phạm pháp luật khi nào và có cảnh báo tới toàn lực lượng CSGT trong toàn quốc. Đồng thời, phát huy các cơ chế phối hợp giữa các lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ để người tham gia giao thông không trốn tránh được trách nhiệm đối với hành vi của mình và cũng bảo vệ được sự an toàn tối đa cho tất cả các bên.

Đọc thêm