Hà Tĩnh họp bàn vụ đình Chợ Trổ: Tranh cãi quyết liệt vẫn chưa quyết được 'hồi hương' hay không?

(PLVN) - “Nếu để đình lại thì phải đặt ở nơi trang trọng, giữ nguyên tên đình, giới thiệu đầy đủ về nguồn gốc ngôi đình. Còn nếu không làm được như vậy thì để người dân rước đình về”, phía xã Bùi La Nhân kiên quyết.
Một người dân xã Bùi La Nhân phát biểu tại cuộc họp. Ảnh. Trần Tuấn
Một người dân xã Bùi La Nhân phát biểu tại cuộc họp. Ảnh. Trần Tuấn

Chiều nay, 20/3, Sở VHTT&DL Hà Tĩnh tổ chức buổi làm việc bàn về phương án chuyển trả đình Chợ Trổ theo đề xuất của UBND xã Bùi La Nhân (huyện Đức Thọ). 

Xã Bùi La Nhân đưa ra hai phương án

Cuộc họp do ông Nguyễn Cảnh Thụy, PGĐ Sở VHTT&DL chủ trì, với sự tham gia của đại diện Ban Tuyên giáo, UBND và Phòng Văn hóa 2 huyện Đức Thọ và Nghi Xuân, xã Bùi La Nhân và một số cơ quan khác… Đại diện Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) vắng mặt.

Xã Bùi La Nhân trình bày nguyện vọng như trong tờ trình đã gửi, với nhiều ý kiến tâm huyết của người dân khẳng định ý nghĩa lịch sử và tâm linh của ngôi đình, đồng thời khát vọng “đón” đình về của người dân trong nhiều năm.

Tuy nhiên, phía xã Bùi La Nhân cũng mở thêm phương án: Thứ nhất, nếu quy hoạch Khu lưu niệm (KLN) Nguyễn Du đưa đình Chợ Trổ tu sửa thành đình Xã (đình Tiên) như một số văn bản của tỉnh thì người dân xã không đồng ý, quyết tâm đưa về. Thứ hai, nếu KLN vẫn cần đình Chợ Trổ thì người dân Bùi La Nhân đồng ý để lại đình, nhưng phải giữ nguyên tên đình; đồng thời tỉnh phải phục chế một ngôi đình tương tự cho xã có nơi thờ phụng và sinh hoạt cộng đồng.

Ông Hồ Bách Khoa, Trưởng ban BQL KLN lược lại hơn nửa thế kỷ ngôi đình ở trong KLN, từ khi di dời đến làm nhà trưng bày đến khi kết thúc “nhiệm vụ” nhà trưng bày và hiện đã được hạ giải chờ tu bổ theo quy hoạch. Ông ủng hộ tâm nguyện đưa đình về quê của xã Bùi La Nhân như đã phát biểu trong những cuộc họp từ nhiều năm trước và cho rằng nếu có điều chỉnh cũng cần phù hợp.

Đề cập tới vấn đề quy hoạch được cho là nguyên nhân làm dấy lên tranh cãi và “thúc đẩy” xã Bùi La Nhân “xin lại” đình, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Nguyễn Cảnh Thụy giải thích: “Lâu nay người dân, thậm chí một số cán bộ văn hóa cũng hiểu nhầm, cho rằng quy hoạch đưa đình Chợ Trổ rời ra khỏi KLN và “đổi tên” thành đình Tiên. Quy hoạch chỉ di chuyển ngôi đình vài chục mét ra vị trí khác, vẫn ở trong khuôn viên KLN và tu bổ lại để đình Chợ Trổ thành một hiện vật tiêu biểu cho kiến trúc đình làng Hà Tĩnh thế kỷ 18”.

Ông Thụy cho rằng: “Tôi nói đúng câu chữ là “tu bổ, chuyển về vị trí đình xã”, chứ không phải đình của Tiên Điền. “Đình xã” là đình nói chung, không phải đình nào của xã nào”. 

Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Nguyễn Cảnh Thụy (bên phải) và Trưởng phòng Quản lý di sản Nguyễn Tùng Lĩnh. Ảnh: Trần Tuấn
Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Nguyễn Cảnh Thụy (bên phải) và Trưởng phòng Quản lý di sản Nguyễn Tùng Lĩnh. Ảnh: Trần Tuấn 

“Các anh đừng coi thường ý chí của người dân” 

Một cán bộ từng tham gia quá trình quy hoạch dự án giải thích rõ hơn: Thời kỳ Sở VHTT&DL chủ trì việc quy hoạch KLN, đơn vị tư vấn quy hoạch trên cơ sở nghiên cứu các tư liệu đã nêu ý tưởng đưa đình Chợ Trổ về vị trí mới trong KLN và tôn tạo thành “đình xã”, nhằm tái tạo không gian văn hóa tiêu biểu của làng xã Hà Tĩnh thời Nguyễn Du.

Ông này cho biết: các nhà nghiên cứu thời lập quy hoạch khẳng định đình Chợ Trổ có kiến trúc tiêu biểu cho đình làng ở thời Nguyễn Du. Việc tu bổ, tôn tạo thành “đình xã” là để trưng bày như một công trình di tích, không phải “thành” đình Tiên thuộc sở hữu của Tiên Điền. 

Ông Nguyễn Tùng Lĩnh, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở VHTT&DL) cho rằng đình Chợ Trổ hiện nay chỉ kết thúc nhiệm vụ làm nhà trưng bày hiện vật, giờ chuyển sang vai trò mới là điển hình về kiến trúc làng Hà Tĩnh thế kỷ XVIII, như thế là lần nữa khẳng định lại vai trò lịch sử của đình trong KLN. 

Ông cho biết: “Đình Chợ Trổ đã hạ giải, mặc dù chưa đánh giá cấu kiện nhưng có thể thấy vẫn còn rất tốt, rất long lanh. Chúng tôi làm di sản không bao giờ để di sản mai một. Quá trình tu bổ dùng các phương pháp hiện đại, đảm bảo tu bổ đình một cách hoàn hảo”.

Ông Lĩnh còn dẫn chứng nhiều ngôi đình cổ của Hà Tĩnh ở các địa phương đã xuống cấp trầm trọng, thành nơi chứa rơm rạ, chất thải do không được bảo tồn đúng cách. Đình Chợ Trổ “may mắn ở trong KLN Nguyễn Du mới còn được nguyên vẹn đến ngày nay”.

Theo ông Lĩnh, năm 2016 khi xã Đức Nhân (cũ) xin đưa đình về, chính ông làm tờ trình tham mưu cho Giám đốc Sở về việc đồng ý chủ trương “trả” đình cho xã, nhưng đề nghị xã tiếp tục cân nhắc về kinh phí, bảo tồn... Do vướng các vấn đề tính toán di dời như vậy nên xã, huyện lưỡng lự rồi quyết định để đình lại. Hiện xã muốn xin lại đình, các sở ngành tiếp tục bàn.

“Với tuổi đời của đình Chợ Trổ, nếu đưa về xã chỉ còn sử dụng được khoảng hai năm, trong khi nếu để ở KLN Nguyễn Du có thể cả trăm năm nữa và cũng rất cẩn thận mới bảo tồn được. Nếu đình Chợ Trổ không ở trong KLN có lẽ cũng chung số phận xuống cấp trầm trọng, thậm chí biến mất. Chưa bàn đến các vấn đề thủ tục, kinh phí, nếu đưa về xã thì nhiều giá trị về lịch sử văn hóa, chính trị của ngôi đình “có tiền cũng không mua được” như để trong KLN”.

Ông Lĩnh còn nêu dẫn chứng một địa phương có đình nhưng vất vả đến mức “mỗi tháng cần 200 ngàn đồng tiền bảo quản cũng khó khăn”.

Phát biểu của ông Lĩnh khiến một số người dân Bùi La Nhân phản ứng, cho rằng ông này đang “dọa” dân. Một người nói: “Các anh đừng coi thường ý chí của người dân Bùi La Nhân. Các anh phải có trách nhiệm, không phải chỉ nói chủ trương đồng ý đưa về rồi “ném” cho xã tự lo là không được”.

Đình Chợ Trổ hơn 50 năm trong KLN Nguyễn Du.
Đình Chợ Trổ hơn 50 năm trong KLN Nguyễn Du.

Hai vấn đề vướng mắc

Sau nhiều tranh cãi “nóng”, ông Thụy nói: “Xin cảm ơn nhân dân và lãnh đạo xã Đức Nhân trước đây và nay là Bùi La Nhân đã đồng ý để tỉnh đưa đình Chợ Trổ về KLN trong hơn 55 năm qua. Điều này thể hiện tình cảm của nhân dân Đức Nhân đóng góp xây dựng KLN. Ngược lại, cũng nhờ đưa đình về KLN mà phát huy được giá trị ngôi đình, được nhiều người biết đến. Thuyết minh của KLN Nguyễn Du vẫn thuyết minh là đình Chợ Trổ của xã Đức Nhân (cũ)”.

Ông Thụy khẳng định tâm nguyện “xin lại” đình của nhân dân địa phương là chính đáng, nhưng nếu không điều chỉnh cho phù hợp thực tế thì chỉ giậm chân tại chỗ. Ông nhắc lại quá khứ: “Nếu trước đây xã quyết tâm đưa về thì có khi quy hoạch lại khác. Nếu bây giờ đưa đình về thì rất khó, mất thời gian, rất lôi thôi”. 

Theo ông, thứ nhất là “vướng” về thủ tục. Hiện nay Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch KLN Nguyễn Du, trong đó đình Chợ Trổ là một hạng mục thuộc vùng di tích gốc cần bảo tồn, tôn tạo. Nếu bây giờ đưa đình về sẽ thay đổi quy hoạch, Sở không quyết được, tỉnh Hà Tĩnh cũng không quyết được. Nếu quyết tâm thực hiện thì mất thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ dự án tu bổ, tôn tạo KLN đang triển khai. Các đại diện Sở VHTT&DL Hà Tĩnh nhiều lần khẳng định việc triển khai dự án này là “không thể chờ đợi” vì đình đã hạ giải, không được tu bổ kịp thời sẽ hư hỏng. Chưa kể dự án cần chạy tiến độ để kịp hoàn thành vào cuối tháng 6/2020.

“Vướng” thứ hai là vấn đề bảo tồn. Ông nói: Ngôi đình “trông thì như vậy nhưng đã hư hỏng nhiều”. Nếu xã đưa về thì bảo tồn rất vất vả, trong khi đình Chợ Trổ để ở KLN đang được du khách quan tâm, đơn vị quản lý cũng chăm sóc hàng ngày. Một viên ngói xuống cấp cũng được BQL phát hiện tu sửa kịp thời. 

Ông phân tích thêm, việc trả lại đình là “lôi thôi”, là “giải quyết câu chuyện của người tiền nhiệm” nên cần tìm phương án phù hợp với hoàn cảnh; đề xuất hai phương án. Thứ nhất: Để lại đình Chợ Trổ trong KLN để tiếp tục tu bổ, tôn tạo, trở thành mô hình kiến trúc tiêu biểu cho đình làng Hà Tĩnh. Thứ hai, đề nghị tỉnh xem xét chủ trương lập dự án phục chế đình Chợ Trổ ở xã Bùi La Nhân để người dân có nơi thờ phụng, sinh hoạt cộng đồng.

Phía xã Bùi La Nhân kiên quyết: “Nếu để đình lại thì phải đặt ở nơi trang trọng, giữ nguyên tên đình, giới thiệu đầy đủ về nguồn gốc ngôi đình. Còn nếu không làm được như vậy thì để người dân rước đình về”.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Hà Tĩnh cho biết: câu chuyện về đình Chợ Trổ rất được Tỉnh ủy quan tâm. Dù ngôi đình ở KLN hay ở xã Bùi La Nhân đều có giá trị riêng và cần được tôn trọng, gìn giữ chu đáo. 

Đại diện đơn vị tiếp quản Dự án Tu bổ, tôn tạo các di tích gốc và xây dựng cơ sở hạ tầng KDT Nguyễn Du bày tỏ mong muốn các bên “chốt” phương án giải quyết ngay trong cuộc họp để Dự án biết hướng triển khai đúng tiến độ. Tuy nhiên, ông Lĩnh nói: “Chúng tôi cần báo cáo tỉnh trước 28/3”.

Kết luận buổi làm việc, phía Sở VHTT&DL cho biết sẽ báo cáo nội dung buổi làm việc để xin ý kiến quyết định của UBND tỉnh.

Như PLVN đã có loạt bài phản ánh, đình Chợ Trổ 260 tuổi vốn của xã Đức Nhân cũ (nay sát nhập thành xã Bùi La Nhân), hơn 50 năm trước đã được di dời đến làm nhà trưng bày trong KLN Đại thi hào Nguyễn Du (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).

Đầu tháng 3/2020, xã Bùi La Nhân gửi tờ trình đến UBND tỉnh Hà Tĩnh “xin lại” đình vì cho rằng: KLN hiện đã có nhà trưng bày mới và được đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ, đình Chợ Trổ đã hoàn thành “nhiệm vụ văn hóa” tại đây. Người dân muốn “xin lại” đình để làm nơi thờ tự và duy trì các bản sắc văn hóa tâm linh địa phương.  

Trong QĐ 1264 ngày 6/5/2019 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc phê duyệt Thiết kế bản vẽ thi công và dự toán đầu tư xây dựng công trình Tu bổ, tôn tạo các di tích gốc và xây dựng cơ sở hạ tầng KDT Nguyễn Du đã ghi rõ ở điểm a. Đình Xã (thuộc mục 7.1. Tu bổ, tôn tạo KLN đại thi hào Nguyễn Du: “Hiện nay đình Xã (đình Tiên) đã là phế tích và không có ảnh tư liệu, phương án cải tạo là di chuyển và phục hồi đình Chợ Trổ thành đình Xã”; “Giải pháp tu bổ, tôn tạo: Hạ giải toàn bộ kết cấu công trình, tổ chức đánh giá lại cấu kiện để đưa ra phương án bảo quản, tu bổ phù hợp, di dời đình Chợ Trổ hiện trạng về vị trí đình Xã để phục hồi di tích đình Xã”.

Quyết định này đã làm dấy lên tranh cãi trong dư luận về việc “thay tên đổi chủ” đình Chợ Trổ và là nguyên nhân mấu chốt khiến người dân Bùi La Nhân gửi đơn “xin lại” đình. 

Tại buổi làm việc chiều 20/3, phía Sở VHTT&DL vẫn khẳng định dư luận “hiểu nhầm”, “đình xã là đình chung, không của riêng xã nào, làm gì có chuyện đổi tên đình”.

Đọc thêm