Khai tử cho sự khai man

(PLO) - Mới đây, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước bị thu hồi Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương Lao động hạng Ba vì ông này đã khai man thành tích để nhận những danh hiệu này. 
(ảnh minh họa)
(ảnh minh họa)

Việc ông khai man là Chiến sỹ thi đua cơ sở đã bị báo chí phát hiện và Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu địa phương làm rõ việc báo chí nêu. Qua đây, thấy rằng chẳng cứ tham nhũng không hề bị phát hiện trong nội bộ mà cả chuyện khai man cũng cứ lờ đi cho nhau và kết quả là mất cả danh lẫn lợi: Trả lại danh hiệu và gần 4 triệu đồng kèm theo, ngoài ra, nhận lại những lời đàm tiếu của mọi người. 

Khai man không phải là hiện tượng cá biệt mà nó khá thịnh hành trong đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo. Phổ biến nhất là việc khai man bằng cấp và trình độ “đảm bảo tiêu chuẩn” nhằm tiến thân. Lợi dụng việc “thay đổi hộ tịch” để khai man ngày sinh, kéo dài năm công tác. Hiện tại, việc khai man trong tự kê khai tài sản không phải chuyện hiếm, bị phát hiện thì nói là kê khai “không đầy đủ”, nặng hơn thì coi là “thiếu trung thực” nhưng bản chất đích thực của nó là khai man. 

Khai man thành tích điển hình nhất là trường hợp của một ông Bí thư Tỉnh ủy. Ông này đã khai man thành tích chiến đấu để nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Nhờ sự đấu tranh không mệt mỏi của những cựu quân nhân từng ở chiến trường với ông, sự khai man này đã bị phanh phui và ông cũng bị thu hồi danh hiệu cao quý đó.

Đáng lên án và phẫn nộ nhất là việc khai man để làm những bộ hồ sơ công nhận Thương binh kéo theo một loạt “thương binh giả” ra đời, hưởng chế độ nhà nước, trong khi còn những trường hợp hy sinh nhưng không được công nhận liệt sỹ, hồ sơ liệt sỹ quên trong tủ cán bộ chính sách mấy chục năm trời,... 

Vụ hai lão nông ở Bắc Ninh tố cáo và kiên trì theo đuổi vạch mặt những “thương binh giả” và những cán bộ tiếp tay cho việc đó là một ví dụ điển hình. Ở một tỉnh nhỏ nhất nước mà có tới hơn 3.000 bộ hồ sơ thương binh giả. 

Năm 2015, ở Quảng Nam phát hiện một Chủ tịch xã khai man tuổi, tăng tuổi của mình lên tới 24 năm để nhận chế độ người có công trong cuộc kháng chiến. Ông này cùng với một cán bộ Phòng Nội vụ đã bị khởi tố và buộc tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn... và Thiếu trách nhiệm gây hiệu quả nghiêm trọng. 

Đúng ra, các vụ khai man thành tích cũng cần phải có kết thúc như ông Chủ tịch xã sinh năm 1956 mà khai là năm 1944 này! Sự quyết liệt trong xử lý với các trường hợp khai man chính là tiếng chuông báo tử cho các trường hợp tương tự. Làm được vậy mới chấm dứt được tình trạng khai man của cán bộ hiện nay.

Đọc thêm