Sắp Tết, chặn ngay hành vi “ăn chặn”

(PLO) - Vụ ông Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP Biên Hòa (Đồng Nai) ăn chặn tiền thi đua, khen thưởng khi ông giữ chức Trưởng phòng Nội vụ thành phố này đang gây nên sự bất bình của dư luận, đòi hỏi phải nghiêm trị.
Sắp Tết, chặn ngay hành vi “ăn chặn”

Trên cương vị này, ông đã chỉ đạo và cùng cấp dưới “biến hóa” số tiền 800 triệu đồng dành cho các danh hiệu thi đua không đến được tay người đáng được nhận, “lái” số tiền này vào túi riêng. Ông lên chức, giữ một trọng trách lớn hơn, uy quyền hơn là quản lý con người, phát triển đội ngũ, giữ gìn sự trong sạch nội bộ,... thế mà, khi vụ việc có đơn thư tố cáo, tổ chức yêu cầu giải trình, ông không làm theo. Cơ quan chức năng vào cuộc, xem xét, xác minh sự thật và công bố kết quả. Ông đã bị tạm đình chỉ chức vụ và vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra.

Trước nay, việc ăn chặn tiền của các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn, trẻ em, người già không nơi nương tựa, đồng bào bị thiên tai,... xảy ra không phải là ít mà có thể coi đây là hiện tượng phổ biến của hành vi thuộc những cán bộ chính sách, lãnh đạo địa phương, những người được giao trọng trách lo cho dân. Nhiều trường hợp đã bị phát hiện và xử lý đích đáng, song dường như các kẻ tham lam này không biết sợ, cứ trượt vào vết cũ. Bây giờ, lại có chuyện ăn chặn tiền thi đua, khen thưởng nữa, lại được thực hiện bởi một cán bộ thành phố, thật đáng quan ngại.

Mới đây, tại Đà Nẵng, phát hiện trường hợp một hiệu trưởng trường mầm non ăn chặn tiền ăn, tiền năng khiếu của trẻ con. Cơ quan chức năng đã làm rõ số tiền hơn 600 triệu chi sai, riêng bà hiệu trưởng bỏ túi 199 triệu đồng, vụ việc đang được kiến nghị xử lý trách nhiệm cá nhân. Việc ăn chặn, rút ruột tiền của trẻ em mẫu giáo cũng rất phổ biến, cả ở thôn quê và thành thị, tuy nhiên, hành vi trái đạo lý, sai pháp luật này vẫn còn diễn biến.

Sắp Tết, những chuyến hàng từ thiện, những khoản tiền chi Tết, quà Tết cho các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, trẻ em,... đang được chuyển tới các địa chỉ cần thiết. Những năm trước, từng xảy ra các trường hợp bớt xén hoặc quà không đến tay người nhận, lúc phát hiện ra thì đã muộn, ý nghĩa của việc nhân đạo chung tay vui xuân đã không còn.

Chính vì hiện tượng mà các tổ chức, cá nhân làm từ thiện muốn tự tay mình chuyển đến tận người cần giúp đỡ, sẻ chia. Đáng tiếc, có người đi làm thiện nguyện gặp chuyện không hay, tai nạn vừa rồi xảy ra với chiếc xe của đoàn thiện nguyện tại đèo Pha Đin (Điện Biên) là một ví dụ. Nhưng không phải khó khăn, nguy hiểm có thể kìm chân những tấm lòng vì đồng bào, họ vẫn đi đến đến những nơi xa xôi, hẻo lánh nhất của đất nước.

Mùa xuân đang đến với mọi nhà, có người mang đến sự ấm áp, cũng có người lăm le đánh cắp mùa xuân ấy. Sự trừng phạt kịp thời của pháp luật, lên tiếng của giới truyền thông và phản ứng mạnh mẽ của dư luận sẽ làm giảm thiểu đi những hành vi hạ thấp nhân phẩm, đồng thời, bảo vệ những giá trị chân chính của sự sẻ chia, mang lại một cái Tết yên vui, no đủ cho mọi nhà.

Đọc thêm