Nhiều chuyên gia cho rằng, cùng nỗ lực chỉnh trang đô thị cũng nên tính toán đến bài toán việc làm cho người dân.
Phận người sống bám vỉa hè
Hơn 30 “ăn sương uống bụi” ở góc phố Tô Hiến Thành - Hà Nội với hàng nước chè nhỏ, giờ bà Nguyễn Thị Tim phải tính về lại quê tìm cách khác mưu sinh. Song chặng đường phía trước đối với bà thật gian nan, bởi tuổi cao sức yếu, bà không làm được công việc nặng nhọc, mà con cái không có, chỉ trông vào đứa cháu. “Còn bám được vào vỉa hè, bán mấy cốc nước sống qua ngày thì được, nay công an phường không cho, coi như tôi cũng mất nguồn sống”, bà Tim chia sẻ.
Xuôi xuống các phố Bà Triệu, Nguyễn Du, Khâm Thiên, Minh Khai, Giải Phóng… chúng tôi cũng ghi nhận hàng chục trường hợp mưu sinh đang gặp cảnh khốn khó trong những ngày này. Nhiều người tỏ ra lo lắng vì ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo, khi buôn bán lúc nào cũng phải đề phòng bị lực lượng chức năng bắt phạt. Bà Trần Thị Thiết, chia sẻ: “Góc phố này đã nuôi sống hai mẹ con tôi mấy chục năm qua. Nếu không được bán hàng, thì chẳng biết trông đợi vào đâu”.
Ngay tại phố Hồ Xuân Hương quận Hai Bà Trưng với góc vỉa hè sát hồ Thiền Quang có tới 4 người phụ nữ bán hàng nước chè. Để tránh thiệt hại khi bị cơ quan chức năng đi qua, các bà chỉ dám mang mấy chiếc ghế nhựa ra cho khách ngồi, còn đa phần khách ngồi lên những miếng xốp, mảnh bìa các-tông. Mặt mũi bà nào bà nấy dớn dác nhìn quanh để “chạy” mỗi khi lực lượng công an phường đi tuần. Điều đáng nói, những hình ảnh tương tự có thể tìm thấy ở bất cứ con phố nào.
Cho đến nay, chưa có ai thống kê mỗi phường ở Hà Nội có bao nhiêu người sống bám vào vỉa hè. Ở nhiều tuyến phố, vỉa hè vừa bị chủ gia đình ở nhà mặt phố lấn chiếm, vừa bị những người người bán hàng rong tranh thủ ghé qua bán hàng. Như lời nhận xét của kiến trúc sư Tôn Đại rằng phố phường Hà Nội chưa thật văn minh và quản lý chưa tốt, văn hóa “tiện thể” quá phổ biến và việc chỉnh đốn, lấy lại vỉa hè sẽ khiến nhiều hộ dân ảnh hưởng.
Như bà Nguyễn Thị Soái, quê ở Hưng Yên lên bán hàng rong, cho biết: “Thành phố kiểm soát vỉa hè, ảnh hưởng lớn đến việc mưu sinh của những người dân nghèo như chúng tôi. Biết làm như vậy là đúng, nhưng chỉ nên cấm ở những tuyến phố chính. Còn những phố thuộc diện vùng sâu vùng xa, thì vẫn nên tổ chức cho dân được mưu sinh. Nếu quan tâm đến người dân, thì chính quyền sẽ có cách để giải bài toán này cho hợp lý. Chứ tước hết cần câu cơm của người nghèo, mà lại chẳng có cách gì hỗ trợ thì chúng tôi xót xa lắm”.
Tìm bài toán hợp lý
Không phải bây giờ, việc quản lý vỉa hè mới được làm rốt ráo. Thật ra từ nhiều năm qua, thành phố Hà Nội cũng đã triển khai và không thành công, cũng vì liên quan đến vấn đề kinh tế vỉa hè, ảnh hưởng đến nhiều người dân và ý thức của người dân chưa cao. Đó là chưa kể đến sự thiếu kiên quyết, buông lỏng của cơ quan chức năng. Một số phường còn dùng vỉa hè để cho thuê kinh doanh, hoặc có sự “bảo kê” của chính các đơn vị quản lý vỉa hè, đường phố…
Việc tổ chức, kiểm soát và quản lý vỉa hè là đương nhiên. Việc lập lại trật tự vỉa hè sẽ mang lại nhiều lợi ích: trả lại không gian đi lại cho người đi bộ, tạo bộ mặt phong quang, sạch đẹp cho thành phố và nhất là bảo đảm tốt hơn an toàn giao thông khi mà người đi bộ không phải đi xuống lòng đường. Bên cạnh đó, cũng giúp lập lại kỷ cương kinh doanh thương mại và xây dựng nề nếp công tác quản lý đô thị.
Về vấn đề này, KTS Trần Huy Ánh chia sẻ nên kiểm soát tốt vỉa hè, trả lại không gian thoáng đãng cho đô thị. Nhưng cũng nên tính toán đến việc tổ chức, sắp xếp để người dân thu vén cuộc sống. Bài toán đô thị này luôn là bài toán nhân văn, đòi hỏi các cấp lãnh đạo phải tìm ra giải pháp hợp lý.
Là chuyên gia kinh tế, ông Vũ Vinh Phú bày tỏ quan điểm rằng, không nên quá cực đoan, cấm toàn bộ các vỉa hè, mà cần xem xét, tính toán những đoạn vỉa hè nào rộng hơn 5 m, không ở khu vực nhạy cảm, có thể buôn bán được thì quy hoạch và sắp xếp cho một số hộ kinh doanh nhỏ, kinh doanh có điều kiện về thời gian, vệ sinh kèm theo phí và lệ phí theo đúng quy định hiện hành trong Luật Phí và lệ phí.
Quyết tâm lập lại trật tự vỉa hè cần được người dân ủng hộ, đồng tình và phải được làm bài bản, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Song, bài toán dân sinh cũng cần được nghiêm túc tính đến. Bởi vỉa hè là nơi sinh ra miếng cơm, manh áo của những phận người và nhiều người những ngày này đã rớt nước mắt vì không còn được mưu sinh.