Ông Nguyễn Trung cần mẫn chế tạo xe lăn giá rẻ cho những người đồng cảnh |
Căn phòng làm việc của ông Trung ngổn ngang không ít dụng cụ đồ nghề của một thợ hàn. Gọi là phòng làm việc cho “sang”, kỳ thực nó chỉ rộng chưa đầy chục mét vuông. Với một diện tích khiêm tốn như vậy, để xếp ngăn nắp đồ nghề, ông Trung sáng kiến ra cách treo lủng lẳng tất cả chúng lên tường. Phía tường bên tay phải ông chất đầy những bánh xe to, nhỏ, vòng xích, tay cầm, còn riêng bên trái thì xếp inox, nhôm...
Khuôn mặt đẫm mồ hôi, tay giữ máy hàn, mắt nheo lại, ông Trung kể cho chúng tôi câu chuyện về chiếc xe lăn, về những gian truân, sóng gió của cuộc đời mình. Nghe kể, ông Trung sinh năm 1949. Ông không còn nhớ rõ mình bị liệt khi nào. Đan xen trong những dòng ký ức mơ hồ, Nguyễn Trung chỉ nghe mẹ kể về trận “đại dịch” năm 1951 khiến bản thân bị teo hai chân do không có văc xin để tiêm.
Những ngày đầu tiên cả gia đình từ Điện Bàn, Quảng Nam tập kết ra Bắc (khoảng năm 1954 - PV), gia đình Nguyễn Trung gặp muôn vàn khó khăn. Không có tiền, để làm một chiếc xe lăn cho con, người cha của Nguyễn Trung phải lụi cụi đi nhặt từng thanh sắt, mảnh gỗ, cái đinh rồi đêm đêm ngồi lắp, ghép, chế ra một chiếc xe.
Cũng trên chiếc xe lăn tự chế này, 8 tuổi cha đã đưa Trung đến Trường Tiểu học Sông Hồng để biết cái chữ như những đứa trẻ bình thường. Trong khi đám bạn vui đùa ở sân trường, Nguyễn Trung chăm chỉ làm bạn với những trang sách. Lần đầu tiên cầm cuốn “Không gia đình” trên tay, Nguyễn Trung đã khóc. Trung khóc vì nhìn thấy mình trong Rê-mi khốn khổ, nhưng cũng vẫn cảm ơn cuộc đời vì vẫn có gia đình ở bên.
“Những người khốn khổ”, “Ba chàng lính ngự lâm”... lần lượt đi vào tuổi thơ ông như thế. Bấy giờ, sách khan hiếm, đọc đi đọc lại tủ sách của cha, ông mượn thêm cả của bạn bè xung quanh, đọc ngấu nghiến cho thỏa cơn thèm khát. Thế rồi, Nguyễn Trung quyết định thi Đại học Ngoại ngữ (nay là Đại học Hà Nội) vì khát khao được chiếm lĩnh tri thức từ những quyển sách ngoại văn. Ra trường đạt loại giỏi, ông thông thạo cả 3 thứ tiếng: Anh, Pháp và Nga.
Nhưng tại thời điểm ấy, điều đó chẳng có ý nghĩa gì, bởi ở đâu Nguyễn Trung cũng nhận được những lời từ chối khéo léo và những cái lắc đầu an ủi. Người ta bảo rằng, cơ quan sẽ chẳng thể nào bỏ tiền ra xây cho riêng ông một cái dốc cầu thang để có thể lăn bánh xe lên được.
Sau năm 1975, Trung trở về Đà Nẵng, ngỡ tại đây sẽ tìm được một công việc phù hợp với mình, song cuộc đời vẫn tìm mọi cách thử thách con người bất hạnh này. Làm một “chân” dịch tài liệu trong Ban Khoa học - Kỹ thuật của Đà Nẵng, mọi người đều khâm phục khả năng của con người tật nguyền ấy, song cứ đề cập đến một biên chế chính thức thì họ lại lắc đầu. Rồi người ta nói thẳng với ông rằng: “Trên có chủ trương không nhận người khuyết tật vào làm trong các cơ quan nhà nước ”. Nguyễn Trung trở nên chới với giữa cuộc đời.
Năm 1978 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch vào công tác tại Đà Nẵng. Thời điểm ấy, Thứ trưởng đã bắt gặp một chàng trai khuyết tật cặm cụi bên chồng sách ngoại văn, lại nói tiếng Anh rất thông thạo, ông hết sức ngạc nhiên và bảo với Nguyễn Trung rằng sẽ nhận vào làm tại Bộ Ngoại giao.
Đôi mắt ướt nhòa, ông Trung kể: “Thật ra, tôi cũng không hi vọng lắm vào việc một người khuyết tật như mình có thể làm việc trong Bộ Ngoại Giao. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, đích thân ông Thạch viết thư tay gọi tôi ra Hà Nội làm việc. Tôi được ông Thứ trưởng phân công làm trong Ban Thông tin của Học viện Quan hệ Quốc tế”.
Trò chuyện với chúng tôi bằng chất giọng ấm áp của con người xứ Quảng, ông Trung bộc bạch: một ngày không xa nữa, ông sẽ trở vào Đà Nẵng sinh sống cùng vợ con. Nhưng điều níu giữ quyết định rời đi ấy chính là những chiếc xe lăn và hình ảnh của những người khuyết tật.
Ông Trung chia sẻ, hiện nay xe lăn được sản xuất rất nhiều trên thị trường, các tổ chức phúc lợi cũng dành tặng cho những người khuyết tật nhiều xe để đi lại. Tuy nhiên, nhiều khi xe không phù hợp với thể trạng của mỗi người. Năm 1996, dự án của một tổ chức phúc lợi xã hội Nhật Bản tập trung những người khuyết tật của 7 nước Đông Nam Á và Nam Á biết tiếng Anh qua Thái Lan để tham gia khóa đào tạo “Người đi xe lăn sản xuất xe lăn”.
Thời gian học không được nhiều, chủ yếu phổ biến lý thuyết. Sau khóa đào tạo ấy, ông Trung đã mày mò thêm qua internet, sách báo, lần đầu tiên hoàn thành được một chiếc xe lăn sau hàng chục lượt tháo ra lắp lại. Khi thành công, ông cứ mê mẩn, ngồi ngắm nghía “sản phẩm” cả buổi.
Ông Trung bộc bạch: “Để làm được một chiếc xe lăn, ít nhất phải mất một tuần. Tính ra tôi cũng gắn được với cái nghề này ngót hai chục năm trời. Giờ quen tay rồi thì không nói làm gì nhưng thời gian đầu mới làm, đó thật sự là thách thức, nhất là đối với những con người khiếm khuyết như tôi”.
Giờ đây, khi những chiếc xe lăn tự chế tiêu thụ khó khăn hơn trên thị trường, “đôi bàn tay vàng” ấy vẫn tiếp tục mày mò nghiên cứu để sản xuất ra những sản phẩm có đặc thù hơn. Chẳng hạn, với những người bị tật ở tay thì xe phải thiết kế kiểu khác. Những người bị tật ở chân thì lại thiết kế riêng biệt hơn. Công việc mang lại niềm vui cho ông vì được giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ và nhất là góp phần trang trải chi phí sinh hoạt gia đình dù nó vô cùng ít ỏi.
Ông Trung hồ hởi: “Giá của mỗi xe lăn chỉ đủ tiền mua vật liệu. Cũng có những trường hợp mình lấy giá chỉ bằng một nửa. Hay đối với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì mình tặng luôn người ta. Cái lãi tôi nhận lại được chủ yếu là niềm vui của mọi người”.
Hiện tại, ông Nguyễn Trung đang là Phó ban Kiểm tra Hội Người khuyết tật Hà Nội. Trò chuyện với ông khiến tôi ít nhiều cảm nhận được những trăn trở của người đàn ông ấy cho những người kém may mắn. Ông Trung tâm niệm: “Nếu bạn sinh ra là người khuyết tật, đó không phải là lỗi của bạn, nhưng nếu bạn để cho cuộc đời của mình khổ sổ, nghèo đói đấy chính là lỗi của bạn”.