“Ngôi nhà” cưu mang nhiều chó hoang
Ở dãy chợ đầu mối Long Biên nằm ngay chân cầu Long Biên thuộc khu dân cư số 2, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội, nhiều năm nay không ai không biết đến vợ chồng ông Dương Đức Hùng (70 tuổi), bà Phạm Thị Bích (58 tuổi). Phóng viên tới thăm vợ chồng ông Hùng vào một buổi giữa trưa tháng 8. Trong cái nắng gay gắt của những ngày hè, bà Bích ngồi trên chiếc phản được kê bằng vài mảnh ván cũ nát, ọp ẹp. Vừa ngỏ ý muốn trò chuyện cùng bà thì thấy tiếng ông Hùng í ới gọi bà từ ngoài “cửa nhà”.
Thấy có người tới, ông Hùng bỏ chiếc cần câu, cúi gập người bước qua “cửa” vào trong căn lều. Ông vừa nói vừa vuốt ve, âu yếm chú chó: “Nay tao câu được vài con cá rồi, giờ mày có đồ ăn rồi nhé, không lo đói nữa”.
Tiếp lời ông Hùng, bà Bích xua tay đáp: “Nó vừa ăn 2 quả trứng vịt lộn rồi, không đói đâu, nhưng khổ thân nó, nhìn nó còn mệt lắm”. Sau đó là tiếng thở dài của người phụ nữ đã gần bước sang tuổi 60, thỉnh thoảng quay sang thoáng nhìn con chó đang nằm thở hổn hển dưới chân mình, bà Bích lắc đầu: “Vợ chồng tôi khổ, suốt ngày chỉ đi nhặt phế liệu, ngày nhiều nhất được 50 nghìn đồng, cơm chúng tôi còn không có ăn nhưng lũ chó thì phải cho chúng ăn đầy đủ, không chúng sẽ chết. Con này nó bị ốm hay hóc phải xương, từ mấy hôm nay nó cứ nằm suốt. Đợt nóng vừa rồi, chúng ốm nhiều lắm, người còn chẳng sống được ở căn lều này thì làm sao chúng sống được. Chỉ tội cho chúng...”.
Túp lều cũ nát của vợ chồng ông Hùng được nhiều người mệnh danh là “đệ nhất” xập xệ ở khu chợ Long Biên này. Mỗi khi mưa thì đồ đạc trong nhà đều ướt sũng, ngày nắng thì oi bức, ngột ngạt. Dù túp lều dột nát, chật chội nhưng ông bà vẫn không ngại cưu mang hàng chục con chó. Ngồi trong “căn nhà” chỉ cao hơn 1m, vừa vuốt ve chú chó nhỏ, ông Hùng kể về cuộc sống của hai vợ chồng.
Vốn quê ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên, vì cuộc sống khó khăn nên vợ chồng ông bỏ ra Hà Nội sinh sống. Họ chọn địa điểm mưu sinh quanh khu chợ Long Biên với nghề nhặt rác, phế thải. Không con cái, hai ông bà chỉ biết dựa vào nhau, bầu bạn cùng đàn chó, mèo sống qua ngày.
Cơ duyên nuôi chó, mèo của ông bà bắt nguồn từ lần nhặt được một con chó bị bỏ rơi cách đây hơn 10 năm. Ông bà chăm sóc nó và có thêm vài chú chó con khác. Căn lều diện tích chưa đầy 10m2, được chia làm 2 phần bởi những tấm gỗ đã mục nát, 1/3 diện tích căn lều được dùng để đựng phế liệu mà đôi vợ chồng già rong ruổi khắp các con phố Hà Nội nhặt về, phần diện tích nhỏ còn lại là nơi sinh hoạt, ngủ nghỉ, ăn uống của hai vợ chồng ông và hơn 10 con chó.
“Trước tôi nuôi nhiều hơn, giờ còn lại ít, mấy hôm trước bị mất trộm nên chó con nhiều lúc tôi không dám cho chúng ra ngoài chơi, phải lấy dây buộc, nhốt chúng trong nhà. Nhà nghèo, cơm cho người thì ít, cơm cho chó thì nhiều nhưng chủ yếu là cơm thừa tôi xin ở các quán nên chúng được ăn ngon hơn người. Không nuôi thì cũng tội, chúng là niềm vui tuổi già của tôi, mỗi bữa bớt cho chúng ít gạo do các bạn tình nguyện cho” - ông Hùng kể.
Có gặp, chứng kiến cuộc sống của vợ chồng ông mới biết họ quý đàn chó đến chừng nào. Hai vợ chồng ông không có con nên đàn chó giống như bầy con của họ. Ông Hùng đặt tên cho từng con, hàng ngày rảnh lúc nào là vuốt ve chúng, ngồi tâm sự với chúng như những người bạn. Bữa ăn, ông Hùng vẫn thường tự tay nấu thức ăn, trộn cơm đem chia cho từng con, ngày đi nhặt phế liệu được vài chục, ông dành ra ít tiền mua thức ăn cho chúng.
Chuyện tình của đôi vợ chồng nghèo
Cuộc đời của vợ chồng ông Hùng là những ngày nhọc nhằn, cơ cực. Bà Bích bảo: “Vợ chồng tôi từ nhỏ đã đi ở, rồi phiêu bạt lên đây làm đủ thứ nghề kiếm sống. Túp lều này cũng là được người ta cho ở chứ lấy đâu ra. Trước kia, ban đầu chỉ mình ông ấy lên đây sống nhưng cuộc sống có mỗi hai vợ chồng nên sau đó tôi cũng lên ở cùng để hai thân già lúc đau ốm còn có người chăm sóc nhau”. 15 năm qua, vợ chồng ông Hùng mưu sinh bằng nghề nhặt phế liệu tại các khu chợ quanh Hà Nội.
Vào mùa hè, chiếc lều đó nóng như rang người, ngày mưa đồ đạc trong nhà đều ướt sũng. Ngày lạnh, gió lùa vào tận giường, lối đi duy nhất vào chiếc phản lại là chỗ ăn, ngủ của cả một đàn chó. Mỗi khi bước qua “cửa” phải cúi gập người mới đi qua được. Cuộc sống khó khăn là vậy nhưng trong “ngôi nhà” đó vẫn luôn đầy ắp tình yêu thương của hai vợ chồng cùng đàn chó với vài con mèo.
Những người sống ở gầm cầu Long Biên thường đặt cho vợ chồng ông Hùng, bà Bích biệt danh “đôi tình nhân chó – mèo”. Bởi lẽ, trong căn lều nhỏ hẹp chất đầy những đồ đạc cũ “phế thải” của đôi uyên ương còn có đàn chó, bản thân vợ chồng họ cũng hay tranh luận với nhau như... chó với mèo nhưng qua hồi nóng tính thì lại rất tình cảm. Những buổi ông Hùng ốm, bà Bích tự tay nấu những bát cháo cho ông, những lần ông đi nhặt rác tới khuya chưa về, bà thường tất tả đi tìm chồng.
Bà Bích tâm sự: “Chúng tôi không có lộc về đường con, trời không cho lộc thì cũng đành chịu. Giờ già rồi, sống trong căn lều xập xệ này được ngày nào biết ngày đó, cơm cũng còn phải lo ăn từng bữa, có con mèo, con chó bầu bạn với chúng là vui rồi. Thỉnh thoảng cũng có người cho vài cân gạo, củ khoai, suất cơm, già rồi nên cứ chấp nhận cuộc sống như hiện tại đã”.
Và cứ thế, đôi vợ chồng nghèo sống trong cảnh “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” dưới chân cầu Long Biên với công việc đi nhặt phế liệu và một đàn chó vui vầy qua tháng ngày.