Bàng hoàng trước lời kể của những người vào “trại phù thủy” để trốn tránh đồng loại

(PLVN) - Tanzania, Zimbawe, Ghana, Malawi, Congo... đến thời điểm hiện tại việc đuổi giết, thiêu sống, treo cổ những người bị coi là phù thủy vẫn diễn ra thường xuyên với quy mô lớn. Dù không có bằng chứng xác thực nào về việc những phù thủy, trong đó đa phần là phụ nữ lớn tuổi, trẻ em gây ra mọi tai họa cho người thân và cộng đồng nhưng họ vẫn trở thành đối tượng bị săn đuổi. 
Bên trong một “trại phù thủy” ở Ghana.
Bên trong một “trại phù thủy” ở Ghana.

Nhà sử học Wolfgang Behringer cho biết, trong 3 thế kỷ từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18, khoảng 50.000-60.000 người được cho là đã bị giết vì cái gọi là tội ác phù thủy ở châu Âu. Nhưng chỉ trong thế kỷ 20, số nạn nhân của nạn săn phù thủy lớn hơn nhiều so với con số nói trên. Chỉ riêng tại Tanzania, từ năm 1960 đến năm 2000, khoảng 40.000 người bị cáo buộc hành nghề phù thủy đã bị sát hại. “Tôi cho rằng các cuộc săn phù thủy không phải là một vấn đề lịch sử mà là một thực trạng nhức nhối vẫn tồn tại cho đến nay”.

Từ niềm tin mù quáng

Cụ bà Akua Denteh 90 tuổi ở Gonja (Ghana) hồi tháng trước bị đánh đến chết vì bị buộc tội là phù thủy. Nhưng đây không phải là một trường hợp cá biệt, bởi những người bị buộc tội hành nghề phù thủy bị đàn áp, thậm chí bị bức hại trong các cuộc săn lùng phù thủy có tổ chức hiện vẫn diễn ra ở ít nhất 36 quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở châu Phi.

Tại hầu hết các quốc gia châu Phi, niềm tin về phù thủy vẫn tồn tại sâu trong tiềm thức của họ cả ngàn năm qua. Phù thủy trong niềm tin tôn giáo của họ là những người được cho là có năng lực siêu nhiên như bói toán, gọi hồn, giải hạn, chữa bệnh, hoặc nguyền rủa. Phù thủy thường bị coi là gây hại cho một cá nhân hay một tập thể. 

Thời Trung cổ, người ta tin phù thủy có một sức mạnh lớn có thể gây ra dịch hạch và bão, gây ra băng giá và nạn sâu bọ hủy hoại hạt giống... Nhìn chung mọi vấn đề xấu xa, những điều không may mắn trong cả gia đình và xã hội đều được người dân châu Phi quy chụp do phù thủy gây ra, kể cả cái cái chết của một ai đó. 

Những người đàn ông đốt một ngôi nhà bị nghi là phù thủy ở phía Bắc Tanzania.
Những người đàn ông đốt một ngôi nhà bị nghi là phù thủy ở phía Bắc Tanzania.  

“Khi cháu trai tôi qua đời do một cơn bệnh đột ngột, mọi người bắt đầu căm hận tôi. Những người anh em trong gia đình chồng vu cho tôi tội danh giết hại thằng bé, họ tố cáo tôi là một phù thủy”, Salamatu (39 tuổi, là mẹ của 3 đứa trẻ) kể lại.

Đông đảo dân làng tụ tập trước nhà cô, chờ đợi nghe phán quyết liệu Salamatu có vô tội hay không. Một trong những người cao tuổi tiến hành nghi lễ định đoạt, trong đó một con gà bị cắt tiết và ném xác qua đầu người làm lễ. Sau khi giãy chết, đầu con vật úp xuống mặt đất. Đây là bằng chứng khiến dân làng kết luận, Salamatu là phù thủy. “Nếu con vật chết với cái đầu ngửa lên, tôi đã được tuyên bố vô tội”, Salamatu cho biết, nhưng điều đó đã không xảy ra. 

Từ những nhìn nhận sai lệch đó mà giờ đây như ở Ghana, một số cộng đồng đổ lỗi cho việc những đứa trẻ sinh ra khuyết tật là do phù thủy. Ở Cộng hòa Dân chủ Congo, những đứa trẻ được gọi là “con của phù thủy” thường bị gia đình ghẻ lạnh và phải tự lo cho bản thân. Những đứa trẻ ngoài giá thú hoặc là kết quả của một người mẹ bị hiếp dâm, không được gia đình chấp nhận đều bị gán cho cái tên “con của phù thủy”. 

Có vô số lý do để những xã hội cổ hủ ở các nước nghèo nhất trên Trái đất đổ tội cho những đứa trẻ vô tội này: Từ căn bệnh HIV/AIDS, vô sinh đến những cái chết đột tử, mất mùa, tham lam, ghen tị... 

Biến chứng của niềm tin lạc lối này là nhiều người sử dụng nó để trù dập, loại bỏ một đối thủ mà họ ghen ghét chỉ đơn giản với lời cáo buộc người đó là phù thủy. Một lời buộc tội có thể là tất cả những gì cần thiết để loại bỏ một đối thủ tiềm năng, và nó xảy ra khá thường xuyên ở Ghana.

Những tội ác không thể dung thứ

Không chỉ những người dân được cho là quá mê tín hoặc dân trí thấp tin vào chuyện phù thủy và bùa chú, ngay cả quan chức chính quyền tại một số nơi cũng tin vào điều này. Không ít lần cảnh sát Malawi bắt giam những người bị tố cáo là phù thủy, dùng nhục hình để buộc họ phải công nhận mình là phù thủy. 

Dù cảnh sát Malawi cực lực bác bỏ việc “ép cung” này, nhưng có lần Kelvin Maigwa (quan chức cảnh sát cao cấp) thừa nhận: “Cảnh sát đã bắt những Phù thủy sau khi nhận được lời tố cáo của người khác. Một số thừa nhận mình là phù thủy, một số khác không thừa nhận. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, nếu không tìm ra chứng cứ cho thấy người đó đã dùng bùa chú để hại người thì chúng tôi thả ngay”.

Một "trại phù thủy" ở Tanzania.
Một "trại phù thủy" ở Tanzania.  

Cũng bởi dễ dàng bắt giam, bỏ tù một người bị cáo buộc là phù thủy như vậy mà tại Ghana hàng loạt “trại phù thủy” đã ra đời và tồn tại cả trăm năm. “Trại phù thủy” từ lâu là cái tên ám ảnh nhiều người dân châu Phi. Tại nơi vừa cầm tù, vừa là chốn nương thân cuối cùng của những phụ nữ bị gán tội “phù thủy”.

Hơn 200 phụ nữ từ nhiều nơi khác nhau của Ghana phải chạy trốn cái chết bằng cách sống trong “trại phù thủy” ở quận Gushegu. Họ đều là những mảnh đời bất hạnh với gần như cùng một xuất phát điểm. Tất cả đều hứng chịu cáo buộc “hành nghề ma thuật”, bị đánh đập, trục xuất khỏi quê nhà và bị đưa đến những “trại phù thủy”. Dù sống trong thiếu thốn, bị hành hạ về tinh thần nhưng “trại phù thủy” vẫn còn tốt hơn là cái chết trong đau đớn dưới tay những người thân, họ hàng trong bộ tộc. 

Tiếp tục câu chuyện của Salamatu, ngay đêm đó, cô bị dân làng và những anh em chồng dùng dao tấn công, rồi châm lửa đốt nhà cô. “Họ muốn làm hại cả con tôi”, Salamatu nhớ lại. May mắn gia đình cô đã được giải thoát kịp thời bởi một nhóm những nhà chức trách bản địa và Hội nữ tu Công giáo trong vùng. Salamatu cùng các con được giải cứu. Gia đình cô được đưa tới “trại phù thủy” ở quận Gushegu. 

Một bức ảnh được gọi là “bác sĩ phù thủy” ở Sierra Leone được chụp vào khoảng năm 1900.
Một bức ảnh được gọi là “bác sĩ phù thủy” ở Sierra Leone được chụp vào khoảng năm 1900.  

Cùng với Salamatu, đã có hàng trăm phụ nữ, bà mẹ đơn thân được cứu giúp bởi Hội nữ tu Công giáo được đưa về sống tại “trại phù thủy”.  

“Phần đông thành viên thuộc những “trại phù thủy” ở Ghana đều là phụ nữ và con cái. Họ bị vu cáo “làm trò ma thuật” bởi chính người thân, láng giềng, sau khi chồng hay người nhà của họ qua đời. Họ không thể tự nuôi sống bản thân hay tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu khác”, xơ Anosike trong Hội nữ tu Công giáo cho biết. 

Không may mắn như Salamatu, vào tháng 1/2015, khoảng 200 dân làng mang theo rìu, dao rựa và tấn công người phụ nữ có tên Jane Faidha Bakari (58 tuổi) ở Tabora, phía Tây Bắc Tanzania. Họ tấn công cô bằng vũ khí sắc bén và thiêu sống cô trong khi người chồng bất lực đứng nhìn.

“Họ đến đập cửa vào khoảng nửa đêm. Họ đột nhập vào nhà và tấn công vợ tôi bằng dao. Họ đốt xác vợ tôi và sau đó phóng hỏa nhà tôi. Họ cho rằng vợ tôi đang hành nghề phù thủy và giết người bạch tạng”, Moses Bakari - chồng của Jane Faidha Bakari kể lại.

Dân làng tin rằng Jane Faidha Bakari đang sử dụng các bộ phận cơ thể từ những người bạch tạng để thực hành phép thuật phù thủy. Khi thấy vợ bị tấn công Bakari đã không thể làm cách nào ngăn cản và anh đành bỏ trốn cùng 3 đứa con và vào trú ẩn tại một ngôi nhà hàng xóm.

Bakari nói: “Tôi không biết và cũng không nghe nói rằng vợ tôi đang hành nghề phù thủy. Tôi vẫn không tin rằng mình đã mất vợ trước cái chết đau đớn như vậy. Tôi sẽ chỉ được an ủi nếu công lý được thực hiện, vì cô ấy vô tội”. 

(Còn tiếp)

Đọc thêm