Báo cáo Kinh tế vĩ mô: Lạc quan với tăng trưởng kinh tế

(PLO) - Trung tâm nghiên cứu BIDV (TTNC) vừa đưa ra dự báo tăng trưởng GDP quý II có khả năng đạt 6,0-6,2% , 6 tháng là 5,7-5,8% và dự báo GDP cả năm đạt 6,5-6,7%. Đây là con số khá lạc quan so với nhiều dự báo đưa ra trước đó...
Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu GDP cả năm 2016 đạt 6,7%

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 5/2016 vừa công bố, các chuyên gia của TTNC nhận định: “Mặc dù, bị ảnh hưởng của sự cố môi trường cá chết hàng loạt ở Miền Trung, với sự cương quyết, kịp thời của Chính phủ, kinh tế Việt Nam đã có diễn biến khả quan, sức cầu nền kinh tế tiếp tục ổn định, xuất khẩu tăng khá, thu hút FDI tăng trưởng mạnh mẽ, tín dụng tăng trưởng tích cực, thị trường ngoại hối ổn định...”

Nhiều điểm sáng kinh tế vĩ mô

Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê về chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) và chỉ số hàng tồn kho ước 5 tháng đầu năm 2016, báo cáo của TTNC cho biết, đà tăng của chỉ số IIP tuy thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015, (7,5% so với 9,2%) nhưng tốc độ tăng chỉ số hàng tồn kho tăng 8,7% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều mức tăng của năm 2015 (11,5%), điều này cho thấy tín hiệu tiêu thụ tốt của thị trường.

Trong 5 tháng đầu năm, cả nước có 44.740 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 349,5 nghìn tỷ đồng, tăng 24,1% về số DN và tăng 59,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015; số vốn đăng ký bình quân một DN đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 28,4%, điều này cho thấy kỳ vọng của DN vào nền kinh tế đang tăng..

Do ảnh hưởng của hiện tượng cá chết hàng loạt tại miền Trung, cầu tiêu dùng mặc dù giảm nhẹ so với cùng kỳ, tuy nhiên TTNC nhận định cầu tiêu dùng vẫn tiếp tục chuyển biến khả quan. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, sau khi loại trừ yếu tố giá là 7,9%, thấp hơn mức tăng 8,2% của 2015.

Trong tháng 5 xuất khẩu ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 7,0% so với cùng kỳ 2015, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2016 lên mức 67,70 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2015 (đạt 38,5% kế hoạch).

Trong khi đó, nhập khẩu ước đạt 15 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2016 lên mức 66,3 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước. TTNC dự báo trong 6 tháng đầu năm 2016, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục tích cực với kim ngạch xuất khẩu dự báo đạt 82,5 tỷ USD, nhập khẩu đạt 80,5 tỷ USD, xuất siêu đạt 2 tỷ USD nhờ triển vọng tích cực của một số nền kinh tế lớn (như Mỹ, EU) cũng như cam kết hội nhập sâu rộng của Việt Nam trong năm 2016.

Một điểm sáng được nhắc đến là thu hút FDI. Trong tháng 5/2016 FDI thực hiện ước tăng 1,16 tỷ USD, nâng tổng vốn thực hiện trong 5 tháng 2016 lên mức 5,8 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Kỳ vọng từ Hiệp định TPP và FTA Vietnam - EU và những kết quả tích cực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia trong khi vĩ mô ổn định, TTNC dự báo thu hút vốn FDI đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2016 được đánh giá sẽ khả quan, ước đạt 8,5-9 tỷ USD, FDI giải ngân ước đạt 6,5-7 tỷ USD.

Kiên quyết thực hiện mục tiêu

Với những điểm sáng kinh tế vĩ mô cùng với quyết tâm hỗ trợ DN mạnh mẽ của Chính phủ, các chuyên gia của TTNC đưa ra dự báo tăng trưởng GDP quý II đạt 6,0-6,2% , theo đó tăng trưởng GDP 6 tháng là 5,7-5,8%, và GDP cả năm đạt 6,5-6,7%...

Trước đó, trong Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố hồi đầu tháng 5, các chuyên gia của VEPR cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm 2016 do Quốc hội đề ra nhiều khả năng không thể đạt được, trong khi lạm phát có thể vượt dự kiến 5%.

VEPR đã đưa ra 2 kịch bản cho năm 2016, đáng chú ý là dù ở kịch bản nào thì tăng trưởng GDP năm nay cũng khó đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, ở kịch bản tốt nhất, khi lạm phát chạm mức 5,17% thì tăng trưởng GDP cũng chỉ đạt mức 6,38%; ở kịch bản thấp, khi lạm phát là 4,24% thì tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,05%.

Hồi đầu tháng 4, Ngân hàng thế giới (WB) cũng hạ mức tăng trưởng của Việt Nam năm 2016, từ 6,5% xuống còn 6,2% cùng dự báo lạm phát trong năm 2016 của Việt Nam chỉ ở mức 3,5%.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy chỉ số CPI tháng 5/2016 tăng 0,54% so với tháng trước, tương đương mức tăng 1,88 % so với đầu năm. TTNC dự báo chỉ số CPI nhiều khả năng sẽ tăng mạnh dần lên trong các tháng trong quý II do: giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng nhích lên; khô hạn và xâm nhập mặn tiếp tục ảnh hưởng tại khu vực ĐBSCL có thể khiến giá nông sản trong nước tăng cao; xu hướng tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm 2016. Do đó, TTNC đưa ra dự báo CPI 6 tháng tăng 2,5%-3% so với đầu năm.

Không so sánh với những dự báo GDP trước đó, các chuyên gia của TTNN lưu ý, kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5 diễn ra trong bối cảnh bộ máy Chính phủ mới được kiện toàn đã nhanh chóng thể hiện rõ quyết tâm, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN nhằm thúc đẩy tình hình đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định không điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2016, quyết tâm phấn đấu tăng trưởng 6,7%, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Đọc thêm