Bất hoà truyền kiếp

(PLVN) - Trong những ngày vừa qua, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp trở nên căng thẳng và trắc trở ở mức độ chưa từng thấy xưa nay. Những động thái từ hai phía ở vùng biển Địa Trung Hải thậm chí còn khuấy động lên lo ngại về khả năng xảy ra đụng độ quân sự trực tiếp giữa hai bên.
Tàu thăm dò Oruc Reis, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đối đầu Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực biển phía Đông Địa Trung Hải.
Tàu thăm dò Oruc Reis, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đối đầu Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực biển phía Đông Địa Trung Hải.

Thậm chí còn cả giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp cùng với những thành viên EU hay Nato công khai đứng về phía Hy Lạp như Síp (EU) hay Pháp và Italy (EU và Nato). Mới đây, 7 thành viên EU ở ven bờ Địa Trung Hải đã đồng tình biểu thị thái độ ủng hộ Hy Lạp trong chuyện bất hòa hiện tại ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyện mới này là cuộc tranh chấp giữa hai bên về nguồn khí đốt ở Địa Trung Hải, tức là tranh chấp lợi ích kinh tế nhưng với gốc rễ là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ bởi từ các quyền chính đáng và hợp pháp về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thì mới có được quyền chính đáng và hợp pháp về khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên ở các vùng lãnh thổ và lãnh hải liên quan.

Cả hai nước này đều là thành viên của NATO, tức là đồng minh quân sự chiến lược của nhau và có trách nhiệm bảo vệ an ninh cho nhau. Hy Lạp là thành viên EU và Thổ Nhĩ Kỳ trên danh nghĩa chính thức vẫn chưa từ bỏ chủ trương được gia nhập EU sau nhiều năm đệ đơn. Hy Lạp có quyền phủ quyết việc EU kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ. Vậy mà hai nước mày không chỉ suốt bao lâu nay vẫn không hóa giải được những mối bất hòa tồn tại dai dẳng mà còn xô đẩy lẫn nhau vào xung khắc mới.

Nguyên do không phải chỉ đơn thuần có tranh chấp những nguồn lợi về kinh tế và thương mại ở khu vực Địa Trung Hải mà ở tính truyền kiếp của bất hoà giữa hai nước này gốc rễ từ thời xa xưa. 

Ngay từ thời Trung cổ, người Thổ Nhĩ Kỳ và người Hy Lạp đã chống đối lẫn nhau như giữa những địch thủ không thể đội trời chung. Bên nào cũng theo đuổi tham vọng trở thành cường quốc khu vực và bị chi phối bởi nhận thức là phải triệt hạ được hoặc phải khuất phục được bên kia thì mới có thể hiện thực hóa được tham vọng ấy.

Chuyện tranh chấp chủ quyền đối với mấy hòn đảo hay chuyện chia cắt đảo Síp (năm 1974) chỉ là những hệ lụy khó có thể tránh khỏi của mối bất hòa truyền kiếp này. Tương tự như xung khắc hiện tại về chủ quyền đối với nguồn khí đốt ở Địa Trung Hải.

Hai nước này sẽ không tự dàn xếp ổn thỏa được với nhau về mối bất hòa ấy bởi nó quá nhạy cảm về đối nội và quá phức tạp về chính trị cũng như pháp lý. Cho nên phải có tác động trung gian hoà giải từ bên ngoài thì may ra việc khắc phục nó mới có thể khả thi. Sứ mệnh trung gian hoà giải này thuộc về EU và NATO trước hết.

Đọc thêm