Lương cao nhưng ít người làm
Mỗi ngày có biết bao người chết đi, nhưng chẳng phải ai cũng được vĩnh biệt thế giới khi đang ở bên cạnh người thân, gia đình. Không ít người trải qua đau đớn khi tự tử, bị người khác sát hại và phải lìa xa cõi đời trong bộ dạng nhuốm máu, tổn thương, để lại hiện trường đầy thảm khốc.
Thông thường, nếu là vụ án mạng nghiêm trọng, cảnh sát và nhóm điều tra sẽ đảm nhiệm khám nghiệm tử thi, đưa thi thể về cơ quan chức năng để xác định một vài thông tin quan trọng. Sau đó, gia quyến của người bị hại sẽ thu dọn hiện trường và đưa thi thể nạn nhân xấu số về nhà an táng. Tuy nhiên, việc đó không hề dễ dàng gì, thậm chí là gây ám ảnh lớn về mặt tinh thần. Chắc chắn chẳng thể kìm lòng khi thu dọn, làm sạch lại nơi mà người thân yêu của mình đau đớn nằm xuống.
Hiểu được những nhọc nhằn này, vào năm 1990 ở Mỹ, một đội đã tập hợp lại với nhau để mở dịch vụ dọn dẹp hiện trường vụ án. Dần dần, dịch vụ kể trên lan toả ra các nước trên thế giới và trở thành một công việc nuôi sống nhiều người.
Việc lau dọn hiện trường khá đa dạng. Không chỉ có hiện trường những vụ giết người, tai nạn hay tự tử là cần được xử lý, trường hợp những người già sống một mình rồi qua đời, một thời gian sau mới được phát hiện cũng không phải hiếm. Lúc này thi thể đã bị phân hủy đến nỗi gần như không thể nhận dạng.
Thông thường, đội dọn dẹp sẽ mất 2 ngày để tẩy uế và khôi phục lại nơi xảy ra án mạng. Tuy nhiên, với những trường hợp kinh khủng hơn thì có khi phải mất tới 4 ngày thì cả đội mới dọn dẹp xong được. Hơn nữa, công việc này đòi hỏi người làm được huấn luyện bài bản, được trang bị kiến thức.
Lực lượng đang lau dọn hiện trường một vụ tai nạn. |
Ít người có đủ chuyên môn và can đảm lau dọn hiện trường vụ án nên mức lương công việc không yêu cầu bằng cấp này tương đối khá. Mức tiền có thể cao hơn nếu hiện trường ở thành phố lớn hay xảy ra tội phạm bạo lực. Nhân viên lau dọn hiện trường thường được gọi tới để làm vệ sinh nơi xảy ra các vụ tai nạn, giết người, tự tử hoặc nơi phát hiện thi thể đã chết từ lâu, các cơ sở sản xuất ma túy đá... và khôi phục như tình trạng ban đầu.
Trong quá trình làm việc, nhiều khi những người này còn có thể tìm thấy nhiều vật chứng bị giấu kín mà cảnh sát không tìm thấy. Trên màn ảnh, hiện trường vụ án thường là nơi có nhiều cảnh sát và nhân viên pháp y đang đi lại để khám xét tử thi, thu thập chứng cứ, chụp ảnh bố cục... Sau khi cảnh sát đã thu thập đủ chứng cứ và trao trả hiện trường cho chủ nhà, đây chính là thời điểm công việc của người chuyên lau dọn hiện trường bắt đầu.
Theo Chicago Tribune, mức thù lao của nhân viên dọn dẹp hiện trường không hề bèo bọt. Hiện nay, nhiều công ty cung cấp dịch vụ lau dọn hiện trường ở Mỹ có phí dịch vụ lên tới hàng trăm USD một giờ để thực hiện công việc nguy hiểm và đáng sợ này.
Tùy thuộc vào mức độ nguy hiểm, diện tích dọn dẹp và tính chất vụ án mà mỗi ca dọn dẹp có giá từ 1.500 đến 3.000 USD, thường mất 1-40 tiếng. Trong một số trường hợp hãn hữu như xả súng hàng loạt hoặc thiệt hại công trình, chi phí dọn dẹp có thể lên tới hàng chục ngàn USD. Theo thống kê của Cục Lao động Hoa Kỳ, một nhân viên dọn dẹp hiện trường mỗi năm có thể thu về 75.000 USD (1,7 tỷ đồng).
Đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận cao
Với nhiệm vụ chính là dọn dẹp hiện trường những vụ án mạng đẫm máu, công việc của Louise Burkhart là một trong những nghề nghiệp ghê rợn hàng đầu thế giới. Sau khi một vụ án mạng xảy ra, ngay lập tức Louise Burkhart sẽ có mặt để thực hiện công việc của mình. “Công việc này rất ít người muốn nhận và càng ít người có thể trụ vững trong nghề. Tôi phải đến hiện trường những vụ tự tử, vụ tai nạn hay những cái xác đã phân hủy lâu ngày... liên quan đến con người. Tôi sẽ dọn dẹp để mọi thứ trở lại như cũ”, cô nói.
Khi làm việc, Louise hết sức tập trung. Về cơ bản cô và đồng nghiệp của cô sẽ dọn dẹp chăn, đệm. Họ phải quan sát thật kỹ từ những vết máu nhỏ nhất hoặc là răng, tóc... trên những tấm nệm dày hoặc ở đâu đó trong ngóc ngách của căn nhà. Có những khi cả đội còn tìm thấy một phần cơ thể ở đâu đó trong trường hợp nạn nhân tự tử bằng súng. “Bạn phải tìm kiếm kỹ ở mọi ngóc ngách để chắc chắn không bỏ sót thứ gì. Sau đó, tất cả sẽ được đưa đến chỗ phân loại rác thải y tế”, Louise chia sẻ.
Những người yếu bóng vía không thể làm được nghề này (ảnh minh họa). |
Trong quá trình làm việc, họ thường dùng loại đèn pin đặc biệt kiểm tra đi kiểm tra lại để chắc chắn mọi thứ đã được xử lý, để khi người nhà bước vào căn phòng, họ không phải đối mặt với những điều đau khổ còn sót lại. Tất cả phải được xử lý một cách cẩn thận nhất.
Đây thực sự là một công việc khủng khiếp và không phải ai cũng làm được, thế nhưng Louise Burkhart đã làm nó suốt 11 năm qua và đối với cô, nó là một nghề kiếm ra tiền. Nhu cầu lau dọn đối với các loại hiện trường án mạng ngày càng tăng khiến công việc của Louise ngày càng nhiều. Ngoài ra, để có tiền trang trải cho cuộc sống gia đình, ngoài dọn dẹp hiện trường án mạng, Louise đã ký hợp đồng với cơ quan giám định y khoa ở địa phương thêm cả việc vận chuyển thi thể.
Tương tự như Louise Burkhart, anh Donovan Cheesa cũng đã từng thấy thi thể thiếu nữ bị sát hại dã man, thậm chí là xác người thối rữa sau nhiều ngày bị giấu kín. Càng khủng khiếp hơn khi người đàn ông 47 tuổi này đang sinh sống tại Mexico, quốc gia có tỷ lệ xảy ra án giết người thuộc nhóm cao nhất toàn cầu. Theo số liệu được ghi nhận năm 2019, mỗi ngày “thiên đường du lịch” Mexico xảy ra tận 95 án giết người, trong đó có nhiều hồ sơ vụ án chưa được giải quyết.
(Đón đọc: Góc khuất nghề lau dọn hiện trường án mạng)