Nghề của áp lực và những ám ảnh
Chia sẻ với Sun Online, Donovan cho biết chuỗi ngày chứng kiến cảnh tượng máu me tại hiện trường suốt 20 năm ròng đã ám ảnh ông đến tận ngày nay. Từ khi còn rất trẻ, ông đã tò mò tự hỏi cách người ta xử lý những vệt máu vương vãi khắp nơi xảy ra án mạng và dốc lòng nghiên cứu phương pháp để giải quyết chúng triệt để. Trước khi vào việc, Donovan mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang và găng tay, sau đó tính toán thời gian cần thiết để dọn sạch hiện trường theo tình hình thực tế, một số nơi có thể mất hơn 20 tiếng mới có thể cọ rửa hoàn toàn.
Chia sẻ về 20 năm tận tụy với cương vị công tác, ông nói, “Tôi đã mất nhiều năm để học hỏi quy trình làm việc, nên tôi tự hào về thái độ chuyên nghiệp của mình. Với công việc này, tôi có thể chu cấp cho gia đình cũng như chi trả cho nhu cầu của bản thân. Tôi luôn giữ phẩm chất trung thực và trách nhiệm trong công việc”.
Cũng là người trong nghề, Neal Smither, sống ở San Fransicsco (Mỹ) cùng với vợ và các con của mình. 25 năm trước, anh đã khởi nghiệp với dịch vụ dọn dẹp hiện trường vụ án của mình. Hiện tại, mỗi năm, Neal có thể kiếm được gần 1 triệu USD Mỹ (khoảng 23 tỷ VNĐ). Công việc dọn dẹp những vụ tự tử hay giết người đối với anh bây giờ là chuyện thường ngày phải làm, điều này khiến Neal hầu như không cảm thấy chút gì khi tiếp xúc với hiện trường nữa.
Quay trở về thời điểm mới thành lập công ty, hồi đó anh tạo nên dịch vụ này nhờ cảm hứng từ hiện trường một vụ án nổi tiếng. Tuy nhiên, ở thời gian đầu mới thành lập, công ty của anh chẳng hề nhận được một cuộc gọi trong năm đầu tiên. Nhưng hiện tại, mỗi ngày dịch vụ của anh phải thu dọn gần 25 vụ án mạng.
|
Trả lời tờ Ladbible khi nói về vụ án đầu tiên, Neal hồi tưởng: “Đó là một người phụ nữ bị ung thư, dù bà đã đánh bại được căn bệnh 1 lần nhưng sau đó mới nhận ra đấy chỉ là sự thuyên giảm. Vì thế nên bà ấy đã tự sát”
Neal nói rằng bản thân đã chứng kiến đủ vụ án, từ tra trấn, xả súng... và có lần anh còn phải dọn dẹp vụ một người nhảy vào máy xẻ gỗ, nhưng người đàn ông này không hề cảm thấy xót thương, hay sợ sệt gì trước những cảnh tượng kinh hoàng đó.
Bên cạnh đó, người đàn ông này còn chia sẻ thêm về những hiện trường mà anh từng chứng kiến: “Công việc của tôi là đến những chỗ mà ở đó đã xảy ra đủ mọi loại cái chết mà tôi đã chứng kiến. Hầu như tôi bị trơ ra và không cảm thấy gì nhiều. Nếu làm đến tận 10.000 lần thì hầu như bộ máy trong người cứ thế mà vận hành, chẳng có cảm giác gì hơn nữa vì nó quá đỗi bình thường rồi”.
Góc khuất đằng sau
Thoạt nhìn, lau dọn hiện trường tưởng chừng rất dễ dàng. Trên thực tế, nhân viên dọn dẹp hiện trường sẽ phải khoác lên mình bộ trang phục bảo vệ cơ thể không khác gì với y bác sĩ nơi tiền tuyến chống Covid-19. Từ đầu đến chân đều được bảo vệ nghiêm ngặt để tránh khỏi các chất độc hại từ vụ án, máu, tàn tích... Cùng với đó, họ còn được trang bị thêm một loạt dụng cụ làm sạch như cồn rửa, chổi lau, thậm chí là xà beng nhằm phá huỷ những phần dính độc tố. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả nỗi vất vả của công việc này đem lại.
Josh Marsden, Giám đốc điều hành một công ty khởi nghiệp với công việc thu dọn hiện trường các vụ thảm án từ 10 năm trước. Anh cho biết hàng ngày phải đối mặt với những vũng máu loang lổ, giòi bọ bám trên tử thi.
Theo vị giám đốc này, điều khó nhất với các nhân viên dọn dẹp không phải là hiện trường đầy máu, đống rác bừa bộn hay đối phó với đám ruồi nhặng, mà là mùi tử khí nơi xảy ra vụ án. Vì vậy, họ được trang bị mặt nạ phòng độc để làm nhiệm vụ trong không gian nồng nặc mùi hôi thối.
Cũng theo chia sẻ của cô Leslie hiện đang là Phó Chủ tịch của tổ chức dọn dẹp và cải tạo Paul Davis Restoration ở Mỹ. Kể từ khi bắt đầu công việc này 13 năm trước, cô đã dọn dẹp nhiều hiện trường tự tử và giết người man rợ nhất nhì lịch sử. Leslie cho biết mọi hiện trường cô từng đến đều rất ghê rợn “không thể tưởng tượng được” mặc dù cô đã mặc trang phục bảo hộ. Mùi của cái chết thậm chí còn bám vào tóc và da của cô sau khi tắm. “Hãy tưởng tượng mùi rác hôi thối thế nào và những nơi này có mùi gấp hàng triệu lần như vậy”, Leslie nói. “Đó là sự mô tả sát nhất tôi có thể nghĩ đến về mùi của cái chết”.
Mỗi hiện trường vụ án không giống nhau nhưng dù thế nào, người lau dọn phải đeo đồ bảo hộ toàn thân, phải được tiêm vắc-xin chống viêm gan. Giả sử, khi lau dọn hiện trường án mạng, nhân viên lau dọn cần sử dụng chất khử trùng y tế để lau sạch toàn bộ máu dính trên mọi bề mặt, thu thập phân, dịch cơ thể và các mảnh thi thể bị bỏ lại, sau đó là tháo dỡ và vứt bỏ ga trải giường, thảm trải sàn, rèm cửa sổ không thể giặt sạch.
Nếu trong trường hợp thi thể bị phân hủy trong thời gian dài, nhân viên lau dọn đôi khi buộc phải tháo dỡ và dựng lại sàn nhà, trần nhà, tường bao, thậm chí là ống thông khí để loại bỏ khí độc, dịch cơ thể và cả các loại giòi bọ từ xác chết.
Từ đây, sức khoẻ của nhân viên dọn dẹp hiện trường có thể bị ảnh hưởng nặng nề nếu không cẩn thận. Với kiểu nạn nhân tự sát hoặc vô tình gặp tai nạn, mọi chuyện sẽ không có gì đáng bàn cãi. Tuy nhiên, nếu nạn nhân bị ám sát dã man bằng độc tố, rất có thể hiện trường vụ án vẫn còn sót lại những chất gây chết người. Chẳng may nhân viên vô tình chạm vào và đưa lên ngửi, tiếp xúc với bề mặt da... thì cũng có thể gặp nguy hiểm. Đồng thời, dọn dẹp hiện trường còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm như viêm gan, vi khuẩn...
Nguy cơ nhiễm độc cao hơn rất nhiều nếu phải lau dọn cơ sở sản xuất ma túy đá. Các chất dùng để làm ma túy đá như a-xê-tôn, ammonia, ben-zen, axit clohidric đều để lại dư chất độc hại bám vào mọi bề mặt và lan tỏa trong không khí, thậm chí có thể bị hấp thu qua da. Nếu không cẩn thận, người lau dọn có thể bị rối loạn sinh đẻ, con sinh ra khuyết tật, mù lòa, gây hại tới thận, phổi và gan.
Ngoài ra sau khi chết, dịch cơ thể và máu có khả năng chứa vi khuẩn gây bệnh như HIV, vi khuẩn bệnh than, thậm chí là virus Ebola... Tất cả những thứ này đều là tác nhân gây hại tiềm tàng tới sức khỏe con người trong nhiều tháng hoặc nhiều năm sau đó. Cả hiện trường phải được lau dọn thật sự sạch, chứ không phải chỉ sạch ở bên ngoài.
Tiếp đến là khả năng ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần. Mặc dù nhân viên dọn dẹp hiện trường đã được đào tạo để quen với máu, xác chết song họ cũng vẫn là những con người có cảm xúc. Hiện trường thảm khốc chắc hẳn khiến chúng ta khó lòng kiềm chế, để rồi phải bật khóc hoặc hoảng sợ. Nhiều nhân viên chia sẻ họ đã gặp cả tá cảnh tượng kinh hoàng đến ngã quỵ, thậm chí còn hay mê sảng, ngủ mơ đến hình ảnh xác chết. Đó cũng chính là lý do vì sao tốc độ đào thải của ngành nghề này lớn. Muốn trụ lâu trước hết phải trau dồi một tinh thần thép. Theo trang Mental Floss, tuổi nghề trung bình của công việc này chỉ rơi vào khoảng 5-10 năm mà thôi.
Có thể nói, mặc dù vất vả nhưng chẳng thể phủ nhận dọn dẹp hiện trường vụ án là một công việc mang đầy tính nhân văn. Nó không chỉ giúp người nhà nạn nhân an lòng hơn và tránh xa khỏi đau đớn mà còn bảo vệ con người trước những nguy hiểm của hiện trường thảm khốc.