Ký ức trận “mưa đạn” ác liệt
Ông Hùng rơm rớm nước mắt lật tìm những bức hình kỷ niệm trong chiếc hòm nhỏ. Đó là năm 1963, vừa tốt nghiệp trường bổ túc văn hóa thì địa phương có cuộc vận động thanh niên lên đường nhập ngũ. Ngày 13/2/1964, ông cùng nhiều bạn bè cùng trang lứa hăng hái ra chiến trường.
Anh chiến sĩ là lính của đội vận tải thuộc Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 làm nhiệm vụ vận chuyển thương binh. Đóng quân tại Thanh Hóa một thời gian, tháng 1/1965 đơn vị ông hành quân bộ vào miền Nam, đi tắt qua biên giới Lào. Ngày đi đêm nghỉ, sau hơn một tháng hành quân, ông và đồng đội mới có mặt tại Gia Lai. Tại đây ông được đi học lớp hạ sĩ quan, làm tiểu đội trưởng tiểu đội trinh sát gồm 3 người, hoạt động chủ yếu ở Bình Định, Gia Lai và Quảng Ngãi.
Ngày 23/10/1966, trong một trận thăm dò chuyển quân tại Bình Định, tiểu đội ông rơi vào ổ mai phục của địch. Ông bị một viên đạn bắn trúng cánh tay phải, vết thương rất nặng, lòi xương ra ngoài. Một đồng đội làm nhiệm vụ thu hút hỏa lực đánh lạc hướng địch, đồng đội còn lại dìu ông đi tìm người giúp đỡ.
Lần mò nhiều tiếng đồng hồ, hai chiến sĩ đến một ngôi làng tại xã Cát Sơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, được bà con cho cơm ăn nước uống. Cũng trong lần cố gắng thoát khỏi vòng vây đó, ông phải ngâm mình trong nước bẩn nhiều giờ đồng hồ. Các vết thương bị hoại tử, bốc mùi hôi thối khiến ông không thể đi lại được. Anh chiến sĩ được người dân giấu vào một căn chòi lúa của đồng bào người Bana, hàng ngày có một y tá lui tới rửa vết thương, tra thuốc.
May mắn gặp viên bác sĩ Mỹ tốt bụng
Hai ngày sau, khu vực ông Hùng đang ẩn náu lại dính một trận càn của quân Mỹ. “Tôi nhớ hôm đó là ngày 25/10/1966, tôi đang nằm trong chòi lúa thì có hai lính Mỹ bất ngờ xộc vào. Cánh tay đang bốc mùi hôi thối, toàn thân đau đớn, tôi lết không nổi, nói gì đến trốn, nên bị phát hiện ngay. Chúng nói gì đó với nhau tôi nghe không hiểu, sau đó nó bắt tôi bỏ lên máy bay mang đi”, ông Hùng thuật lại.
Tù binh Hùng và viên bác sĩ Mỹ |
Tù binh bị đưa về căn cứ đóng quân của Mỹ tại Bình Định. Cũng tại đây ông gặp bác sĩ Sam, là người lớn hơn ông một tuổi. Viên bác sĩ quân đội Mỹ lắc đầu thương cảm: “Cánh tay mày bị thối thịt rồi, phải phẫu thuật cắt bỏ mới sống được”. Một ngày sau ca phẫu thuật được thực hiện. Sau khi được chích thuốc mê, ông li bì chìm vào giấc ngủ dài suốt 10 tiếng đồng hồ, khi tỉnh dậy, đã chỉ còn một cánh tay.
Phải hai lần phẫu thuật cắt bỏ cánh tay, nằm điều trị ở đây một thời gian dài, vết thương mới lành. Ông kể, lẽ ra đã bị quân Mỹ đày ra Côn Đảo như bao tù binh khác, nhưng may mắn được vị bác sĩ người Mỹ che giấu, giữ lại. “Lúc bị bắt, họ thấy tôi đang đeo túi bông băng và thuốc trên người. Túi thuốc đó là của cô y tá để lại cho tôi trị vết thương. Tôi nói dối mình là y tá, họ cũng tưởng thật”, ông nhớ lại.
Không hiểu viên bác sĩ Mỹ có cảm tình đặc biệt gì với người tù binh này, mà bí mật cho trực thăng chở ông Hùng lên bệnh xá An Túc, rồi nói dối với cấp trên là tù binh đã chết. Thời bấy giờ bệnh xá An Túc do Mỹ xây dựng, chủ yếu để khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho dân trong vùng. Viên bác sĩ Mỹhết thời gian nghĩa vụ thì lên đường về nước. Cả hai mất tin nhau từ đây.
“Không còn lo bị làm con ma cụt nữa”
Về phần ông Hùng, làm việc tại bệnh xá An Túc được một thời gian ngắn, vết thương ở cánh tay cũng đã lành, lúc này ông tìm cách liên hệ với đồng đội ở trên núi để quay lại đơn vị. Ông cho rằng: “Theo lời hẹn, đêm đó tôi đi ngược lên núi đến điểm hẹn để chờ người ra đón về căn cứ, nhưng không hiểu sao chờ mãi vẫn không thấy ai, tôi đành trở lại bệnh xá tiếp tục làm công việc phát thuốc cho bà con”.
Chiến sĩ Hùng khi bị bắt |
Chiến tranh đi qua, đất nước đã thống nhất, ông Hùng đã quên đi cánh tay của mình thì một hôm ông nhận được thông tin bất ngờ. Vị bác sĩ người Mỹ đã cứu ông năm xưa, nay muốn tìm ông để trả lại cánh tay về cho chủ nhân của nó.
“Nói thật đã lâu lắm rồi, tôi cũng đã không còn nhớ đến cái cánh tay đó nữa, chỉ nghĩ lần đó bị thương nặng như vậy mà vẫn còn sống sót là may mắn lắm, ai còn nghĩ được chuyện sau này còn được nhận lại cánh tay”, ông Hùng tâm sự. Thì ra chỉ vì muốn tìm người cũ để trả lại bộ xương cánh tay, viên bác sĩ đã nhiều lần sang Việt Nam dò hỏi tin tức ông Hùng. Không được, ông Sam nhờ người đăng báo, tình cờ người em trai ông Hùng đọc báo nên đã nhận ra.
Ông Sam tìm đến nhà ông Hùng. Cuộc gặp gỡ tay bắt mặt mừng, chủ nhân được nhận lại một phần cơ thể mình, còn vị khách cũng như trút được gánh nặng đau đáu trong lòng. Ông Hùng nói: “Tôi rất biết ơn ông ấy. Không ngờ lại có người tốt đến vậy. Sau này tôi chết sẽ bỏ cánh tay này vào chôn chung, không còn lo bị làm con ma cụt nữa”.
Ông Hùng chưa được công nhận thương binh.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Hùng làm việc cho một y tá tư nhân ở An Khê , sau đó kết hôn với con gái người này. Ông lập nghiệp tại An Khê, sinh được 7 người con. Cách đây gần 2 năm vợ ông đã qua đời vì bệnh ung thư. Con cái đều có vợ chồng và sống riêng, nay ông sống một mình.
Mặc dù có thời gian dài hoạt động ở chiến trường và bị thương mất một cánh tay do chiến tranh, song ông Hùng vẫn chưa được công nhận là thương binh. Ông trình bày đã đi lên đi xuống để làm thủ tục giấy tờ nhưng chưa có kết quả. “Có lúc tôi thấy nản, muốn bỏ cuộc, giờ cánh tay còn lại đau nhức không cầm được bút để viết giấy tờ nữa, mà phải nhờ một người bạn viết hộ, còn mỗi lần đi thì phải nhờ con cái chở đi. Chỉ mong Nhà nước công nhận cho tôi để tôi được an ủi phần nào”, ông nói.