Anh Phạm Hồng Tư (SN 1960, quê Đoan Hùng, Phú Thọ) bị vướng mìn ở chiến trường biên giới Tây Nam, chấn thương cột sống dẫn đến liệt hai chân, được đưa về điều dưỡng tại Khu điều dưỡng thương binh Thuận Thành. Cuộc sống của anh thương binh sẽ bình lặng trôi qua bên anh em thương binh nếu như không có một lần “chạy” xe lăn qua khu nhà bếp, anh vô tình thấy cô nhân viên Khu điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Phương đang lúi húi cời bếp than, gò má ửng hồng. Và anh như bị hớp hồn, lặng người trước động tác “quệt mồ hôi” trên khuôn mặt xinh đẹp của cô gái tuổi đôi mươi...
Mang dao đi… tán gái
Anh Tư vội vàng về hỏi anh em thương binh cùng phòng về cô gái và cùng các anh em… bàn cách “tác chiến”. Hôm sau, anh Tư cùng một người bạn cầm một con dao vào khu bếp xin nung nhờ lưỡi dao để… cắm vào chuôi cho dễ. Vừa nung lưỡi dao, anh Tư vừa tìm cách chuyện trò với cô gái… Sau màn làm quen độc đáo, anh Tư thường xuyên qua khu vực bếp phụ giúp cô vài công việc vặt để nắm ý tứ của Phương… Đến khi đã “cầm chắc” chiến thắng, anh quyết định tỏ tình.
Biết chắc công cuộc chinh phục gia đình Phương sẽ gian nan, anh Tư đề nghị Phương đưa mình về ra mắt gia đình sớm. Anh Tư ngồi trên chiếc xe lăn, chị Phương đạp xe theo sau, chỉ 30 cây số từ trung tâm điều dưỡng về nhà chị ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) mà hai người phải đi từ 6h sáng, gần trưa mới đến nơi. Đón 2 người là thái độ dửng dưng của bố mẹ Phương bởi chỉ nhìn qua ông bà đã nắm được “tình hình”. Phương bỏ xuống bếp nấu nướng, để mặc anh Tư với bố mẹ.
“Hôm ấy tôi run sợ thực sự. Bình thường tôi hay tếu táo với anh em bạn bè, ai cũng phải cười, thế mà trước bố mẹ Phương tôi lo lắng, lóng ngóng tới mức mồ hôi toát ra giữa ngày đông. Mẹ Phương thấy thế bắt đầu hỏi chuyện, và chỉ sau vài câu chuyện chiến trường, những vui, buồn ở Khu điều dưỡng đã khiến ông bà trở nên vui vẻ với tôi hơn” - anh Tư nhớ lại. Thêm vài lần cùng Phương về quê, anh Tư đã chính thức được bố mẹ chị cho hai người đến với nhau. Cặp đôi cứ tưởng mọi khó khăn đã vượt qua, không ngờ sau đó là thử thách lớn hơn nhiều...
Anh Tư vui vẻ kể lại chuyện "cưa" bà xã. |
Sau khi chinh phục được gia đình chị Phương, anh Tư mới tỏ bày với chị về những khó khăn mà chị sẽ phải đối mặt phía gia đình anh. Anh Tư là con trưởng, lại phải gánh vác công việc của dòng họ, gia đình dứt khoát không cho anh lấy vợ xa, bắt anh phải cưới cô gái đã được “chấm” gần nhà. Anh Tư bảo, mỗi lần anh về quê thuyết phục gia đình để được cưới Phương là một lần “đấu trí” căng thẳng. Anh phải rủ người bạn thân về cùng, vì sợ Phương về một mình sẽ nản lòng trước sự “bảo thủ” của gia đình anh.
“Những ngày ấy thực sự như một cuộc chiến. Vừa nói lý, nói tình với bố mẹ, vừa phải giữ vững ý chí, tình cảm của Phương bởi chỉ cần tự ái một chút thôi, Phương sẽ rời xa tôi mãi mãi. Tôi biết cô ấy thiệt thòi, phải bản lĩnh thế nào mới dám gắn bó với anh thương binh hạng 1/4 suốt đời ngồi xe lăn như tôi. Khi biết gia đình tôi phản đối, cô ấy sẽ tổn thương thế nào… Tôi cứ phải liên tục chuyện trò, khẳng định không rời xa Thuận Thành, không rời xa Phương” - anh Tư bồi hồi kể lại.
Đám cưới thiếu nhà trai…
5 lần đi lại về nhà thuyết phục gia đình cho anh cưới Phương không được, anh Tư quyết định nhờ Trung tâm đứng ra tổ chức cưới và nhờ cán bộ Trung tâm làm đại diện nhà trai. Thế nhưng, thấy thế bố mẹ Phương “nghĩ lại”. Ông bà cho rằng gả con cho một anh thương binh chỉ sống bằng lương trợ cấp đã quá mạo hiểm, vậy mà ngày cưới lại vắng nhà trai thì thiệt thòi cho con mình quá. Gia đình nhà gái tự ái, kiên quyết không cho cưới nữa. Chị Phương cũng phải đấu tranh với bản thân khi một bên là anh thương binh không được gia đình đồng ý cho cưới và một bên là một thanh niên đẹp trai người địa phương đang “trồng cây si”, bất chấp chị đã yêu anh Tư…
“Hồi đó tôi nhát lắm nên mọi sự đều do anh Tư quyết. Ngày nào anh cũng qua khu bếp chuyện trò, động viên tôi và khẳng định tình cảm trước sau như một. Được anh tiếp thêm sức mạnh, tôi kiên quyết thuyết phục bố mẹ phải đồng ý cho tôi cưới. Tôi còn “dọa” không cho thì chúng tôi sẽ tự cưới. Nghe con gái nói vậy, bố mẹ tôi đành xuống nước để chúng tôi thành hôn với nhau” - chị Phương hồi tưởng.
Còn anh cười, nói vui: May ngày ấy đã… phong tỏa mọi nẻo đường đến chỗ chị Phương, nếu không thì cũng mệt bởi sự tấn công của anh chàng đồng hương với chị, người có thể khiến bất cứ cô gái nào cũng siêu lòng. “Tôi cũng không hiểu nhờ sức mạnh nào mà tôi đã vượt qua được thời điểm quá khó khăn ấy – anh Tư chia sẻ - Có lẽ tôi là một người luôn hài hước, lạc quan. Ngày bị thương, người khác có thể khổ sở, vật vã tinh thần lắm nhưng tôi nghĩ đó là một chuyện đã xảy ra, không làm khác được thì chấp nhận. Và tôi luôn tâm niệm sống sao cho vui, yêu đời”.
Ngày cưới đến, Khu điều dưỡng thương binh Thuận Thành nhộn nhịp hẳn, bởi lần đầu nhân viên của Khu điều dưỡng tổ chức đám cưới cho một anh thương binh nặng, cán bộ Trung tâm lại đóng vai trò nhà trai. Chú rể hạnh phúc đan xen nhiều suy nghĩ, bởi anh hiểu chị Phương đã phải hy sinh những gì, phải vượt qua khó khăn thế nào để đến được với anh. Không nói ra nhưng chàng trai hóm hỉnh Phạm Hồng Tư luôn để ý trạng thái của cô dâu. Chỉ cần Phương đưa ánh mắt nhìn xa xăm đâu đó là anh đã lại rong xe đến bên cạnh, nở một nụ cười giòn tan... Sau 2 năm cưới nhau, anh Tư mới dám đưa chị Phương về quê mình ra mắt bố mẹ, họ hàng.
Anh chị sinh được một con trai. Lấy một thương binh nặng, chị Phương phải “xoay như chong chóng”, ngoài việc ở Khu điều dưỡng, chị nuôi thêm lợn, gà mà kinh tế gia đình cũng không cải thiện được bao nhiêu. Thương vợ, anh Tư thực hành lại nghề sửa ắc quy học được trong quân ngũ. Anh trích tiền trợ cấp mua linh kiện ắc quy về sửa, lắp lại rồi bán. Vừa làm vừa mày mò học thêm, anh có một lượng khách khá đều đặn, có tháng thu nhập từ nghề này còn nhiều hơn một tháng lương thương binh. Thấy việc sửa ắc quy của anh tiến triển tốt, chị Phương phụ giúp chồng. Mỗi chiều đi làm về, chị lại đạp xe cả chục cây số đi mua vỏ ắc quy, axít, cực kẽm... mang về để chồng lắp ráp thành các sản phẩm hoàn chỉnh hoặc để có đồ nghề cho chồng sửa chữa.
Có hàng là anh Tư miệt mài ngồi sửa để kịp giao cho khách. Nhiều đêm tỉnh giấc, chị Phương thấy chồng vẫn ngồi bên đống linh kiện: đài, quạt, máy bơm, máy biến thế… Vật dụng hỏng hóc nào vào tay anh cũng trở nên lành lặn. Anh còn dạy nghề cho nhiều đồng đội tại Khu điều dưỡng, nhiều ông bố, bà mẹ còn gửi con học nghề ở gian hàng nhỏ bé bày bên cửa sổ nhà anh.
Nhìn vợ chồng anh Tư ríu rít dưới bếp chuẩn bị cơm chiều mà người viết mừng lây với hạnh phúc của anh chị. Ông trời đã không phụ tấm chân tình của một anh thương binh luôn đón nhận những gian khổ của cuộc đời bằng nụ cười tươi tắn và thái độ lạc quan… /.