Bát nháo trên thị trường xe điện

(PLO) - Ngoài việc bán xe điện thật giả lẫn lộn, thì thủ đoạn của các chủ cửa hàng là thay đổi kiểu loại ắc quy, trà trộn hàng nhái, hàng nhập lậu… nhằm để bán xe Trung Quốc, Đài Loan chất lượng kém,  “móc túi” của người tiêu dùng. 
Một cửa hàng bán xe máy điện nhưng "kiêm" luôn cả việc "tự chế" thành xe đạp điện
Một cửa hàng bán xe máy điện nhưng "kiêm" luôn cả việc "tự chế" thành xe đạp điện
Trôi nổi các loại nguồn gốc xe điện
Bộ GTVT ban hành thông tư 41 đã nêu rõ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về xe đạp điện. Theo Quy chuẩn này, xe đạp điện là xe đạp hai bánh, có công suất động cơ lớn nhất không quá 250W, vận tốc lớn nhất không quá 25 km/giờ và có khối lượng không lớn hơn 40kg.
Xe máy điện chưa "chế" thành xe đạp điện.
Xe máy điện chưa "chế" thành xe đạp điện. 

Các trường hợp còn lại không đúng với tiêu chí trên thì không được coi là xe đạp điện. Đồng thời, để được phân phối trên thị trường, xe đạp điện phải công khai nguồn gốc xuất xứ, được kiểm định chất lượng và dán tem hợp quy.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, PV đi tìm hiểu thị trường xe đạp, xe máy điện tại Hà Nội thì phần lớn các loại xe hiện đang có mặt trên thị trường vẫn còn lộn xộn, bát nháo về nguồn gốc và chủ yếu các xe có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan... 

Hiện nay, có ba loại xe được bán trên thị trường. Thứ nhất là loại xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước, loại này chỉ ít cửa hàng bán. Loại thứ hai, là loại xe sản xuất trong nước nhưng thực chất là nhập linh kiện từ Trung Quốc rồi về lắp ráp và cung cấp ra thị trường. Loại thứ ba là loại xe “trôi nổi” nhập vào từ nhiều “nguồn” khác nhau, và cũng dán tem, mác của các hãng nổi tiếng. 

Một chủ cửa hàng kinh doanh xe điện cho biết: “Thích mua xe Nhật xịn như Honda, Yamaha…thì sang Nhật mà mua. Chứ nếu mua xe Nhật ở đây thì chỉ có “ăn” hàng Thái Bình, Nam Định thôi. Mua được xe Trung Quốc đã tốt”.

Mặc dù theo quy định, dù xe nhập khẩu nguyên chiếc hay xe sản xuất, lắp ráp trong nước thì phải có dán tem hợp quy TCVN do Cục đăng kiểm Việt Nam kiểm định cấp và được dán cho từng xe tại vị trí trên khung bên phải, nơi dễ thấy và khó bị phá hủy nhưng thực tế qua các cửa hàng bán xe điện trên thị trường hầu như là không thấy chiếc xe nào có tem hợp quy dán theo quy định.

Như vậy, dù khách hàng có hiểu biết về điều này thì cũng không căn cứ vào đâu để phân biệt được đâu là xe nhập khẩu, xe Trung Quốc hay xe sản xuất lắp ráp trong nước. Và tất cả là do người bán xe quảng cáo nói đó là xe loại gì, xuất xứ như thế nào thì người mua chỉ biết “tin tưởng” như vậy.

“Móc túi” và lừa dối khách hàng

Không những trà trộn các xe “xịn” lẫn các xe kém chất lượng, nhằm tạo cho khách hàng như vào “mê cung” của thế giới xe điện, thì một số cửa hàng kinh doanh xe điện còn có thể đánh tráo về kiểu loại pin, ắc-quy để ăn chênh lệch.
Bởi giá trị và giá cả của một chiếc xe cũng khác nhau lên tới cả tiền triệu, tùy theo kiểu loại pin, ắc-quy theo xe. Thậm chí còn quảng cáo là vành và lan hoa làm bằng thép không gỉ, được làm theo tiêu chuẩn của Mỹ, Nhật hay Châu Âu để làm tăng độ giá trị của xe.

Tuổi thọ của pin, ác quy và các linh kiện của xe điện khó có thể kiểm chứng được khi xe còn trong cửa hàng, mà phải qua sử dụng một thời gian. Khi bán hàng, các chủ cửa hàng thường quảng cáo pin, ắc-quy có tuổi thọ từ 3 đến 5 năm, nhưng trên thực tế, đa số chỉ dùng tốt trong khoảng hơn 1 năm đã có hiện tượng hao pin hoặc hỏng ắc quy.

Bà Hoàng Thị Ninh, ở quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Sử dụng xe máy điện được hơn một năm thì pin nhanh hết khi mang đến cửa hàng để bảo hành thì nhân viên ở đây cho là do đi nhiều, xạc không đúng cách và bị nước mưa ngấm vào nên không thể bảo hành được. Đành mua một ác quy mới mất hơn 1 triệu đồng”.

Đọc thêm