Ngày 3/11 tới, cử tri Mỹ sẽ bầu chọn Tổng thống mới. Họ có thể không đi bỏ phiếu vì lý do nào đấy. Nhưng những cử tri đi bỏ phiếu hoặc bầu cử theo hình thức gửi phiếu bầu qua bưu điện sẽ phải lựa chọn giữa đương nhiệm Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Mike Pence thuộc Đảng Cộng hòa, với cặp đôi ứng cử viên Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris thuộc Đảng Dân chủ.
Kết quả mọi cuộc thăm dò dư luận ở Mỹ cho đến thời điểm hiện tại đều theo hướng là ông Biden sẽ đắc cử. Tuy nhiên, thực tế cách đây 4 năm khiến tất cả đều phải rất thận trọng với kết quả thăm dò dư luận. Khi ấy, kết quả thăm dò dư luận dự đoán bà Hillary Clinton sẽ đắc cử, nhưng rồi cuối cùng ông Trump trở thành tổng thống Mỹ nhờ giành được đa số đại cử tri.
Mỹ là đối tác quan trọng của tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Vì thế, cả thế giới đều không thể không rất quan tâm tới cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ. Liên minh châu Âu (EU) cũng vậy, sự lưu tâm của EU thậm chí còn rất đặc biệt bởi trong nhiệm kỳ trị vì nước Mỹ đầu tiên sắp kết thúc, ông Trump đã gây khó cho EU hơn hẳn tất cả những người tiền nhiệm.
Người này phát động cuộc xung khắc thương mại ở quy mô lớn và mức độ quyết liệt chưa từng thấy. Người này đẩy EU đến trước không ít thách thức lớn về đối ngoại và an ninh. Người này có những quyết sách làm cho nội bộ EU bị phân rẽ thêm sâu sắc.
|
EU được cho là có nhiều "tâm tư" trước kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ. |
Vì thế, EU và đa số thành viên mong muốn thực sự là ông Trump không còn tiếp tục cầm quyền nữa ở Mỹ. Những khẩu hiệu cầm quyền trở thành triết lý cầm quyền và là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt hành động của ông Trump như “Nước Mỹ trên hết”, coi trọng chủ nghĩa đơn phương, bài xích các tổ chức và thể chế quốc tế đa phương, sử dụng xung khắc thương mại và trừng phạt làm những công cụ và phương pháp chính trong xử lý quan hệ với các đối tác... đều trái ngược với những lý tưởng mà EU theo đuổi.
Điều khiến EU không thể không lo ngại là nếu ông Trump tái đắc cử thì sẽ có nhiệm kỳ cầm quyền cuối cùng và khi đó có thể còn mạnh tay và cứng rắn hơn nữa với EU vì không còn cần phải để ý gì đến vận động tranh cử. Cho tới thời điểm hiện tại, ông Trump làm găng và gây khó cho EU chưa tới mức độ quyết liệt và gay gắt như đã làm với Trung Quốc. Mọi dấu hiệu đều cho thấy nếu ông Trump tái đắc cử thì mối quan hệ giữa Mỹ và EU sẽ còn thêm phức tạp và trắc trở.
Ông Biden vốn là người quen cũ mà EU rất hiểu. Chẳng gì thì người này cũng đã từng có 8 năm làm Phó Tổng thống Mỹ. Trong vận động tranh cử, ông Biden bộc lộ quan điểm trái ngược hoàn toàn so với ông Trump về EU và Nato. Ông Biden cam kết củng cố Nato và cải thiện quan hệ với EU. Người này coi trọng chủ nghĩa đa phương và các tổ chức, thể chế đa phương quốc tế chứ không như ông Trump.
Người này cũng sẽ xử lý quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại, trong đó có vấn đề thâm hụt của Mỹ trong cán cân trao đổi thương mại giữa Mỹ và EU, không theo cách thông qua xung khắc, bảo hộ và thậm chí chiến tranh thương mại như ông Trump đã làm trong thời gian qua. Vì thế, EU trong thâm tâm kỳ vọng và mong đợi ông Biden đắc cử chứ không phải ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ.
Bởi không thể loại trừ được khả năng ông Trump vẫn có thể tái đắc cử nên EU không dám công khai ủng hộ ông Biden. Đương nhiên, ông Trump thừa hiểu là không thể trông mong EU công khai ủng hộ mình. EU hiện phải chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất trong khi mong muốn kịch bản ấy không xảy ra.