Chỉ nên thu hồi đất cho dự án trực tiếp phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng

(PLVN) - Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn Phạm Trọng Nghĩa kiến nghị, Nhà nước chỉ thu hồi đất đối với những dự án trực tiếp phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, không áp dụng cho trường hợp gián tiếp.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn).

Ngày 14/11, tại hội trường Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã dành một ngày để thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều đại biểu đã kỳ vọng nội dung dự thảo Luật này cần được nghiên cứu thêm, tổng hợp những đánh giá tác động để tiếp tục điều chỉnh và hoàn thiện, nhằm khắc phục triệt để những vướng mắc hiện hữu, trong đó có vướng mắc về thu hồi đất đai.

Tham gia thảo luận về thu hồi đất, Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) nhấn mạnh, theo quy định của Hiến pháp, để thu hồi đất thì các dự án phát triển kinh tế - xã hội phải đáp ứng 3 điều kiện là: trường hợp thật cần thiết; phải do luật định và vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa thể chế hóa được quy định của Hiến pháp là mục đích vì lợi ích quốc gia, công cộng ở đây là trực tiếp hay gián tiếp.

Ông cho rằng Nhà nước chỉ thu hồi đất đối với những dự án trực tiếp phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, không áp dụng cho trường hợp gián tiếp. Theo đó, đề nghị bổ sung quy định làm rõ yếu tố “trực tiếp” trong dự thảo Luật, quy định cụ thể tiêu chí về tính chất, quy mô, giá trị mang lại về nhiều mặt cũng như danh mục từng loại dự án để đáp ứng yêu cầu trực tiếp phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Các quy định này sẽ là cơ sở pháp lý để xác định có thu hồi đất đối với những trường hợp được nhiều đại biểu Quốc hội tranh luận như dự án đô thị; dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở và dự án lấn biển.

Việc thu hồi đất không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của người sử dụng đất, mà hơn nữa, do đất đai là tài nguyên hữu hạn, Nhà nước cần có chính sách sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. Có thể trong giai đoạn hiện nay, thậm chí ở thế hệ này chúng ta chưa có điều kiện để khai thác tốt nhất thì chúng ta tiếp tục quản lý, gìn giữ và bảo vệ để các thế hệ mai sau sử dụng hiệu quả hơn, bền vững hơn nguồn lực đặc biệt quý báu này.

Đồng tình, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho rằng, thu hồi đất đai của người dân phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội công cộng hay an ninh quốc phòng là vấn đề quan trọng. Dù pháp luật thừa nhận là đất đai là sở hữu của toàn dân nhưng được Nhà nước quản lý. Nhà nước giao cho người dân quyền sử dụng, mua bán cao, đổi tặng như là quyền sở hữu nên khi thu hồi đất cần được hiểu là thu hồi quyền sở hữu thì cần phải tính toán làm sao tính đúng, tính đủ và áp dụng cơ chế giá đền bù nào đó cho phù hợp với thực tiễn của địa phương và thời giá hiện tại của thị trường.

Vì thế, ngay trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần phải được quy định đầy đủ, cụ thể và thống nhất một giá thực hiện để cả nhà đầu tư, Nhà nước và người dân dễ dàng đạt tới thỏa thuận như một cách để nhanh chóng triển khai các dự án, tránh cho trường hợp khiếu kiện, khiếu nại kéo dài

Ngoài ra, nếu thu hồi đất phục vụ mục đích an ninh quốc phòng hay phát triển kinh tế - xã hội và công ích thì áp dụng cơ chế thu hồi chung là đúng. Song nếu thu hồi đất của dân để gia tăng quỹ đất, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, khu nhà ở, khu đô thị mới thì phải tính toán đúng giá trị chênh lệch địa tô. Nhà đầu tư phải tính rõ giá trị tăng thêm để trả cho người dân bị thu hồi đất. Có như vậy mới đạt được sự hài hòa về lợi ích của cả người dân, doanh nghiệp và nhà nước.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cùng bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông cho biết, Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai nêu, việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn. Tuy nhiên, Báo cáo chưa có số liệu cụ thể và chưa đánh giá việc thực thi các quy định hiện hành về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số ra sao để làm căn cứ thực tiễn cho việc sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật.

Nghị quyết số 18 của Trung ương yêu cầu tập trung nguồn lực đầu tư, chỉ đạo quyết liệt và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Vì vậy, để bảo đảm quyền tiếp cận đất đai của đồng bào, Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét quy định một chế định riêng (có thể là một mục riêng) trong dự thảo Luật về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đọc thêm