Nguy cơ trắng tay vì ham mức lãi gấp 10 lần ngân hàng

(PLO) - Tin tưởng mối quan hệ quen biết, bị hại cho bị cáo mượn tiền. Giờ bị cáo đi tù, bị tuyên buộc phải trả lại tài sản, nhưng tiền bạc đã “tiêu tan”. Bị cáo không có tài sản bồi thường. Nạn nhân xem như mất trắng.
Mượn 300 triệu rồi bỏ trốn, Thảo bị tuyên 4 năm tù

Vay 300, bồi thường 20 triệu

TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) vừa mở phiên tòa xử bị cáo Phan Thị Phương Thảo (35 tuổi, ngụ phường Hương Sơ) về tội “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”. Hồ sơ vụ án thể hiện, trong thời gian từ tháng 6/2014 - 5/2015, Thảo thông qua mối quan hệ quen biết của mình với bị hại để liên hệ vay tiền rồi bỏ trốn, chiếm đoạt 300 triệu.

Lần thứ nhất vào ngày 22/6/2014, Thảo đến gặp bị hại đề nghị cho mình vay 100 triệu. Lúc vay tiền, Thảo nói là đang cần tiền để kinh doanh vận tải. Bị hại tin tưởng, đồng ý. Hai bên thỏa thuận lãi suất 5%/tháng.  

Đến ngày 25/7/2014, Thảo tiếp tục mượn 100 triệu, cũng lấy lý do và lãi suất như cũ. Sau hai lần vay trên, hàng tháng Thảo có trả lãi cho như đã thỏa thuận, nhưng chưa trả khoản nợ gốc nào.

Tháng 5/2015, bị cáo tiếp tục vay 100 triệu. Lần này, Thảo hẹn 10 ngày sẽ trả đủ cho bị hại toàn bộ số tiền 300 triệu đã vay trong 3 đợt. Sau đó Thảo bỏ trốn khỏi địa phương, cắt đứt mọi liên lạc với chủ nợ và cả gia đình. 

Bị hại liền làm đơn gửi đến cơ quan điều tra đề nghị điều tra làm rõ hành vi. Công an khởi tố, truy nã với Phan Thị Phương Thảo về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Đến ngày 11/1/2017, Thảo bị bắt. Một tháng sau, mẹ bị cáo nguyện thay bị cáo bồi thường cho bị hại số tiền 20 triệu đồng. Bị hại tiếp tục yêu cầu bị cáo phải bồi thường số tiền còn lại.

Tại phiên tòa, bị cáo lấy lý do làm ăn thua lỗ, nên không thể hoàn trả số tiền vay mượn. Trong khi đó, lại đến hẹn phải trả tiền, sợ chủ nợ tìm đến nên phải bỏ trốn khỏi địa phương và “dự định sau này làm ăn có tiền sẽ gửi trả lại bị hại”.  

Thảo từ nhỏ sống với gia đình tại phường Phú Bình, TP Huế. Sau khi học hết lớp 12, Thảo vào học ở Học viện Ngân hàng tỉnh Phú Yên. Sau khi ra trường thì vào làm việc ở ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Thừa Thiên - Huế. Đến tháng 5/2015, Thảo nghỉ việc tại Ngân hàng, ở nhà kinh doanh dịch vụ vận tải cùng gia đình cho đến ngày gây án. 

Nạn nhân phân trần

Nạn nhân trong vụ án, vốn dĩ là “chủ nợ” của Thảo, nhưng vì bị Thảo chiếm đoạt tài sản, mà thoáng chốc thân phận thay đổi thành người bị hại. Bị hại có một cửa hàng kinh doanh. Từ năm 2008, chồng của Thảo chở hàng thuê cho bị hại. Thời gian này, Thảo hay đến cửa hàng của bị hại nên hai người quen biết và ngày càng thân thiết.

Tại phiên tòa, bị hại bảo, do biết bị cáo lúc đó đang làm cán bộ ở ngân hàng, nên mới tin tưởng cho bị cáo mượn tiền. Chị cho biết, lần thứ nhất, bị cáo nói cần mượn tiền để đáo hạn ngân hàng. Lần thứ hai bị cáo nói mượn tiền để mua xe. Lần thứ 3, Thảo nói cần 100 triệu để đáo hạn ngân hàng, sau khi đáo hạn xong, sẽ trả hết số tiền nợ. Nghĩ cũng đến lúc muốn thu lại khoản tiền đã cho mượn, nên bị hại mới không chần chừ.

Chị bảo, mình quen biết Thảo đã lâu, nên cũng tin tưởng. Hơn nữa, nếu 100 triệu đem gửi ngân hàng, một năm lãi cũng chỉ hơn 5 triệu một chút. Mà cho Thảo mượn, mỗi tháng cũng kiếm được 5 triệu đồng. Thấy kiếm tiền cũng “dễ”, nên chị mới không cảnh giác, đến nỗi bao nhiêu tiền chắt chiu, ki cóp được lâu nay, trong phút chốc mà mất trắng. Cứ nghĩ cho Thảo vay, mỗi tháng kiếm thêm tiền để chợ búa, chu toàn cho gia đình, chứ đâu ngờ lại mất cả chì lẫn chài.

Trong phiên tòa trước,hai con của bị cáo (đứa 11 tuổi, đứa 9 tuổi) được gia đình dẫn đến tòa để bị cáo được gặp. Nhưng phiên tòa bị hoãn. Bị cáo chẳng có cơ hội nói chuyện với con, chỉ biết ngoái đầu nhìn các con lẽo đẽo chạy theo khi bị cáo bị dẫn giải lên xe tù. Lần này, phiên tòa được mở lại, hai con bị cáo không đến dự khán, chỉ có người mẹ già nua ngồi chơ vơ nơi góc phòng. Khuôn mặt bà ủ dột, mái tóc gần nửa đã bạc trắng. Người mẹ cứ ngồi lặng thinh một góc, đưa đôi mắt chan chứa nhìn bóng lưng con gái nơi vành móng ngựa.

Tòa hỏi mẹ bị cáo vì sao biết để bồi thường giúp bị cáo? Số tiền đó, bà có yêu cầu bị cáo trả lại không? Mẹ bị cáo dong dỏng cao, dáng gầy yếu, ủ rũ. Bà bảo, do qua làm việc với công an, nên mới biết con gái nợ người ta. Số tiền con gái bà nợ nần rất nhiều, nhưng bà không có để thay con gái trả hết. Bà chỉ dành dụm được 20 triệu đồng để khắc phục thay con. Số tiền đó, bà thay con bồi thường, không yêu cầu phải trả lại. Bà chỉ mong tòa khoan hồng, cho Thảo mức án nhẹ, để sớm về bên gia đình, làm lụng nuôi con. Hai đứa con của Thảo còn nhỏ, vẫn rất cần có mẹ ở bên quan tâm chăm sóc.

Thảo đứng nơi vành móng ngựa, đôi vai run run khi nghe từng lời mẹ nói. Bị cáo cũng líu ríu nói với HĐXX, xin được hưởng mức án nhẹ nhất. Sau khi xem xét các tình tiết có trong hồ sơ vụ án và được thẩm tra tại tòa, cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, tòa tuyên phạt bị cáo Thảo 4 năm tù.

Luật gia Hoàng Minh Tâm, công ty luật Thiên Hà cho biết, theo quy định của BLHS, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là hành vi mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó, hoặc sử dụng tài sản đó vào mục địch bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản…

Theo luật sư Tâm, cũng như tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là loại tội phạm thường xuyên xảy ra trong đời sống xã hội. Hai tội này có những đặc điểm tương đối giống nhau, nhất là về hành vi khách quan biểu hiện ra bên ngoài; còn khác nhau cơ bản về ý thức chủ quan của tội phạm, động cơ – mục đích – cái bên trong con người phạm tội – thường khó xác định. Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung, cơ quan điều tra nói riêng, bằng kiến thức pháp lý, khoa học hình sự…sẽ làm rõ được từng loại tội phạm. 

Đọc thêm