Nhiều “ông lớn” chuyển sang bất động sản công nghiệp hay năng lượng tái tạo

(PLVN) - Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc NoVa (Novaland) tuyên bố về chiến lược đầu tư bất động sản công nghiệp trong năm 2021 hay Tập đoàn Hà Đô đang từng bước tập trung phát triển mảng năng lượng tái tạo.

Theo VNE, báo cáo của Savills Việt Nam cho biết, dự kiến làn sóng di dời khỏi Trung Quốc vào năm 2021 và 2022 sẽ đòi hỏi nhiều nguồn cung bất động sản công nghiệp hơn để đáp ứng các khoản đầu tư sản xuất có giá trị cao. Diễn biến này sẽ thúc đẩy sự bùng nổ quỹ đất công nghiệp tại khắp các tỉnh thành trên cả nước, kể cả các địa phương xa thủ phủ công nghiệp hiện hữu.

Đồng Nai đang quy hoạch thêm 8 khu công nghiệp. Chủ tịch UBND huyện Long Thành, ông Võ Tấn Đức đã công bố kế hoạch xây dựng bốn khu công nghiệp mới ở Long Thành. Xã Phước Bình sẽ có thêm 2 khu công nghiệp, quy mô 900 ha, mỗi khu cho thuê thêm khoảng 500 ha. Các xã Tân Hiệp và Bình An mỗi xã sẽ phát triển một khu công nghiệp. Trong khi đó, đề nghị của Bộ Kế hoạch & Đầu tư về việc bổ sung 3 khu công nghiệp quy mô 1.300 ha vào quy hoạch của tỉnh Long An cũng được trung ương chấp thuận.

Một tập đoàn đầu tư đa ngành top đầu của Việt Nam có kế hoạch đầu tư hơn 400 triệu USD vào công ty con để phát triển bất động sản công nghiệp tại Hải Phòng, bao gồm Khu công nghiệp Nam Tràng Cát với tổng diện tích 200 ha và Thủy Nguyên có tổng diện tích 319 ha. Dự kiến hai khu công nghiệp này sẽ đi vào hoạt động năm 2021.

Liên quan đến nhiều “ông lớn” chuyển sang bất động sản công nghiệp, Reatimes cho biết, tại Đại hội cổ đông thường niên diễn ra sáng ngày 27/4, lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc NoVa (Novaland) tuyên bố về chiến lược đầu tư bất động sản công nghiệp trong năm 2021.

Theo đó, Novaland sẽ nghiên cứu, đầu tư thêm vào mảng bất động sản công nghiệp tại các địa phương Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An,... với thương hiệu Nova Industrial Park. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng muốn phát triển ngành xây dựng (quản lý dự án, thi công xây dựng) và nguyên vật liệu (vật liệu xây dựng, nhôm kính) và các dự án hạ tầng giao thông.

Không chỉ Novaland, nhiều ông lớn địa ốc cũng công bố sẽ lấn sân sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp. Trước đó, Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt tuyên bố về kế hoạch mở rộng thị trường, tấn công sang mảng bất động sản công nghiệp bằng việc thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt.

Tập đoàn Sunshine Group cũng góp tên vào danh sách doanh nghiệp địa ốc sẽ lấn sân sang mảng bất động sản khu công nghiệp, cầu cảng, đặc biệt là xây dựng dân dụng. Sunshine đã thành lập Công ty cổ phần Xây dựng Smart Construction Group (SCG). Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết thêm, năm 2021 sẽ là năm bùng nổ của Sunshine Group với 3 thế mạnh: Bất động sản - xây dựng - tài chính.

 Nhiều doanh nghiệp địa ốc cũng đã dần chuyển sang lĩnh vực năng lượng tái tạo. (Ảnh từ internet)

Theo báo nhân dân, ngành năng lượng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển liên tục của Việt Nam, việc tiếp cận nguồn năng lượng tin cậy, giảm thiểu chi phí, sẽ là yếu tố quan trọng để tăng trưởng kinh tế bền vững. Việc đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu như đã đặt ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu sẽ phụ thuộc nhiều vào lộ trình phát triển của các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Năng lượng tái tạo là các dạng năng lượng thu được từ môi trường tự nhiên hoặc từ các nguồn có thể được bổ sung một cách tự nhiên. Năng lượng gió và năng lượng mặt trời là một thí dụ về nguồn năng lượng vô tận, không ảnh hưởng đến môi trường khi khai thác hay nói cách khác, đây là hai nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.

Tài nguyên tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời, gió, thác nước, sức nóng của trái đất (địa nhiệt), sinh khối, sóng, dòng hải lưu, chênh lệch nhiệt độ trong đại dương và năng lượng thủy triều. Về cơ bản, quá trình biến đổi nguồn năng lượng tự nhiên thành năng lượng tái tạo là bằng cách sử dụng các thiết bị kỹ thuật chuyển đổi năng lượng. Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, năng lượng mặt trời đang được khai thác tích cực, dẫn đầu xu thế tái tạo năng lượng.

Cũng theo Reatimes, vốn là công ty chuyên về bất động sản, tuy nhiên, từ đầu năm 2020, Tập đoàn Hà Đô đang từng bước tập trung phát triển mảng năng lượng tái tạo. Doanh nghiệp này rót hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng 5 nhà máy điện nói chung (bao gồm từ thuỷ đện đến điện mặt trời). Theo kế hoạch năm 2021, Hà Đô đưa ra chủ trương thành lập Công ty năng lượng Hà Đô và tái cấu trúc mảng năng lượng.

Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) tiếp tục ghi danh vào doanh nghiệp "lấn sân" sang lĩnh vực điện năng, dù xuất thân chuyên về mảng cơ điện lạnh và bất động sản văn phòng cho thuê. REE đặt ra tham vọng trong 5 năm tới trở thành công ty hàng đầu Việt Nam về sản xuất năng lượng tái tạo với mục tiêu vượt mốc 1.000 MW, chiếm khoảng 16% tỷ trọng điện tái tạo toàn quốc.

Tập đoàn Bitexco cũng "nhảy" sang mảng năng lượng tái tạo. Trước đó, doanh nghiệp này đã khánh thành Nhà máy Điện mặt trời Nhị Hà (giai đoạn I) tại huyện Thuận Nam, Ninh Thuận, với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, công suất 50 MWp. Theo thông tin ghi nhận, doanh nghiệp này hiện đang sở hữu và vận hành 18 nhà máy thủy điện tại Việt Nam (tổng công suất phát điện khoảng 1 GW) thông qua công ty thành viên là Công ty cổ phần Năng lượng Bitexco (Bitexco Power).

Nhận định về trào lưu sang ngang của doanh nghiệp địa ốc, chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa từng cho rằng, các doanh nghiệp cần thận trọng cho việc đầu tư vào ngành năng lượng hoặc bất động sản công nghiệp. Lấy ví dụ về lĩnh vực năng lượng, vị chuyên gia này chia sẻ, sau làn sóng đầu tư đầu tiên vào khoảng 3 năm trước, hiện nhiều nhà máy điện mặt trời có khi phải ngưng phát điện vào lưới điện chung của quốc gia khi hệ thống bị quá tải. Điều này sẽ gây ra nhiều rủi ro cho doanh nghiệp địa ốc khi chưa tính toán kỹ lưỡng việc bỏ tiền vào kênh đầu tư mới./.

Đọc thêm