Bê bối ép rượu và quấy rối tình dục nhân viên nữ gây rúng động ở Alibaba

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2021, vụ việc một nữ nhân viên tập đoàn công nghệ Alibaba tố cáo bị quản lý cưỡng hiếp sau khi phải uống rượu say để tiếp khách đã gây chấn động dư luận ở Trung Quốc.
Bê bối ép rượu và quấy rối tình dục nhân viên nữ gây rúng động ở Alibaba

Phong trào #MeToo (chống lại nạn tấn công tình dục phụ nữ) khởi xướng từ Hàn Quốc đã lan rộng ra toàn thế giới vào những năm gần đây. Tại Trung Quốc, phong trào đã khiến Ngô Diệc Phàm - một trong những ngôi sao lớn nhất làng giải trí bị bắt giữ sau bê bối cưỡng hiếp và tấn công tình dục trẻ vị thành niên. Và giờ, phong trào ấy đang hé lộ khóc khuất đáng sợ trong văn hóa làm việc của Alibaba - tập đoàn gần như được xem là biểu tượng công nghệ tại Trung Quốc.

Bê bối rúng động

Theo đó, nữ nhân viên của Alibaba đã đăng tâm thư dài lên mạng xã hội, nói rằng cô bị một khách hàng không rõ danh tính quấy rối và bị quản lý cưỡng hiếp trong một sự kiện khách hàng ở Tế Nam, cách trụ sở của Alibaba ở Hàng Châu khoảng 900 km, vào ngày 27/7/2021.

Theo lời kể của nạn nhân, vị khách này đã hôn cô. Sau khi uống rượu, cô thức dậy trong phòng khách sạn vào ngày hôm sau trong tình trạng khoả thân và không còn nhớ những gì đã xảy ra vào buổi tối hôm trước.

Cụ thể, cô cho biết cảnh sát đã thu được đoạn camera giám sát của khách sạn cho thấy sếp quản lý của cô là ông Wang đã vào phòng khách sạn của cô 4 lần. Cô cho biết cô thức dậy trong phòng khách sạn vào sáng ngày 28/7 và thấy quần áo của mình trên sàn nhà cùng một hộp bao cao su đã mở trên tủ đầu giường.

Vụ bê bối xảy ra tại tập đoàn Alibaba xứ Trung Hoa.

Vụ bê bối xảy ra tại tập đoàn Alibaba xứ Trung Hoa.

Sau đó, cô đã báo cáo sự việc với các quản lý cấp cao của Alibaba yêu cầu đuổi việc người sếp nói trên phải bị sa thải. Nạn nhân cho hay ban đầu phòng nhân sự đã đồng ý nhưng đến phút cuối họ lại đổi ý.

Ngay khi không được công ty xem xét đơn khiếu nại một cách nghiêm túc, cô tự giải quyết vấn đề bằng cách đến nhà ăn của công ty có trụ sở tại Hàng Châu, dùng loa để tố cáo vụ tấn công tình dục mình trải qua. Tuy nhiên, cô bị lực lượng an ninh của công ty ngăn chặn công khai sự việc.

Nhận thấy mọi việc vẫn không có gì thay đổi, cô quyết định đăng bức tâm thư dài 11 trang lên mạng xã hội. Ngay lập tức bức tâm thư được lan truyền rộng rãi trên mạng, đã gây ra làn sóng chỉ trích trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.

Sau đó, người bị tố cáo đã thú nhận có hành vi thân mật với nữ nhân viên và các quan chức thực thi pháp luật sẽ xác định xem liệu người này có vi phạm pháp luật hay không. Nhiều người bình luận chỉ trích việc Alibaba không hành động cho đến khi các cáo buộc được công khai.

Hành động quá muộn từ Alibaba

Ngày 9/8, Giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang đã ban hành một bản ghi nhớ nội bộ cho nhân viên, nhằm lên án vụ tấn công và việc xử lý đơn kiện ban đầu của chính công ty ông. Ông cho biết các cuộc điều tra nội bộ cho thấy bị cáo đã thú nhận “hành vi thân mật” với người phụ nữ trong lúc say rượu, vi phạm chính sách của công ty.

“Ông ta sẽ bị sa thải và không bao giờ được tái tuyển dụng”, chủ tịch tập đoàn lớn nhất Trung Quốc cho biết và cho biết thêm vấn đề bây giờ là của cảnh sát. Ngoài ra, 2 quản lý cấp cao của công ty cũng đã từ chức, trong khi giám đốc nhân sự bị cảnh cáo vì đã không phản ứng kịp thời. “Tập đoàn Alibaba có chính sách không khoan nhượng đối với các hành vi tấn công tình dục. Môi trường làm việc an toàn cho nhân viên tại Alibaba được đặt lên hàng đầu”, người phát ngôn của công ty cho biết. Dẫu vậy, cảnh sát vẫn đang tiến hành điều tra.

Sau vụ việc, Giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang thông báo trên mạng nội bộ công ty: “Không chỉ bộ phận nhân sự phải xin lỗi. Các quản lý bộ phận kinh doanh liên quan cũng phải chịu trách nhiệm và nên xin lỗi vì im lặng và không phản hồi kịp thời”. Ông Zhang cam kết sẽ tăng cường bảo vệ nhân viên nữ trong toàn công ty và cho rằng vụ việc là sự xấu hổ của cả công ty, đồng thời kêu gọi xây dựng lại văn hoá nơi công sở.

Trong bức thư ngỏ được phổ biến trước khi CEO Zhang tung ra bản thông báo của mình, khoảng 6.000 nhân viên Alibaba đã yêu cầu công ty thành lập một đội chuyên xem xét các báo cáo về tấn công tình dục. Ông Zhang sau đó đã cam kết sẽ lập ra kênh dành cho nhân viên để họ cảm thấy mình có quyền được báo cáo khi bị xâm phạm, đồng thời sẽ training lại cho toàn công ty về quyền lợi của mình. Ngoài ra, CEO Alibaba cho biết sẽ "chống lại văn hóa ép uống" cực kỳ độc hại, và khẳng định các nhân viên có quyền từ chối uống nếu không muốn.

Tuy nhiên, cam kết "tạo ra môi trường an toàn cho nhân viên và không khoan nhượng với quấy rối tình dục" của ông Zhang được nhiều người đánh giá là "quá chậm trễ". Alibaba cũng không phản hồi ngay trước các câu hỏi về chính sách hiện hành của công ty. “Tôi đã khá ngạc nhiên khi công ty này không có chính sách chống quấy rối tình dục, trong khi đó đáng ra là quy định cơ bản”, Zhang Yiyu, một chuyên gia tâm lý học cho biết. “Tôi mong rằng sự vụ này sẽ thúc đẩy nhiều công ty tạo ra chính sách rõ ràng hơn, nhằm bảo vệ nhân viên trước cạm bẫy tấn công tình dục”.

Trong một tuyên bố, Alibaba cho biết, các sự thật của vụ việc đã được làm rõ và quá trình xét xử đã kết thúc. Tuyên bố cho biết rằng sự cố nói trên đã ảnh hưởng sâu sắc đến Alibaba và các nhân viên của tập đoàn. “Chúng tôi sẽ lấy đây là bài học để không ngừng cải thiện cũng như hoàn thiện bản thân. Sự phát triển của công ty sẽ không phải lúc nào cũng thuận lợi. Chỉ bằng cách tôn trọng lý tưởng, có niềm tin và vượt qua những trở ngại, chúng ta mới có thể có được tương lai tốt hơn. Chúng tôi luôn tin tưởng vào sức mạnh của công lý”.

Bê bối cưỡng hiếp tại Alibaba đã dần hé lộ phần chìm của một tảng băng khổng lồ trong các tập đoàn công nghệ Trung Quốc. Gã khổng lồ ngành thương mại điện tử Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng phản đối dữ dội sau vụ việc nữ nhân viên tố cáo bị lãnh đạo công ty cưỡng hiếp.

Theo Sina, mấu chốt của vấn đề nằm ở cách xử lý của Alibaba. 10 ngày kể từ khi nữ nhân viên gửi phản ánh đến nhiều cấp quản lý, sự việc vẫn không được giải quyết thỏa đáng. Đến khi câu chuyện gây xôn xao trên Internet, Xiaoyaozi, Giám đốc điều hành của Alibaba, mới lên tiếng xác nhận thông tin và tuyên bố sẽ hợp tác với cảnh sát để điều tra.

Dù lãnh đạo cấp cao của Alibaba nói ông bị "sốc, tức giận và xấu hổ", nhiều người vẫn tẩy chay công ty. Không ít người đặt câu hỏi tại sao một công ty Internet lớn như vậy phải mất đến 10 ngày mới tìm cách giải quyết một vấn đề nội bộ. "Mối nguy hại không chỉ nằm ở những tác động từ bên ngoài mà sự sụp đổ còn đến từ bên trong tổ chức", Sina bình luận.

Vụ bê bối đã gây chú ý lớn trên mạng xã hội Trung Quốc. Thời điểm đó, 6 trong số 50 chủ đề thịnh hành nhất trên nền tảng Weibo có liên quan đến vụ việc. Hashtag “nữ nhân viên Alibaba bị tấn công tình dục” đã được xem hơn 800 triệu lần.

Sự việc cũng nhanh chóng nhấn chìm Alibaba vào cuộc khủng hoảng danh tiếng khi cư dân mạng chế giễu văn hóa doanh nghiệp giữa các công ty công nghệ của Trung Quốc áp đặt văn hóa làm việc thường được gọi là 996 - làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần. Cổ phiếu của công ty giảm tới 4,3% trong bối cảnh thị trường tăng giá xuống mức thấp nhất trong ngày là 185,10 USD tại Hồng Kông. Cổ phiếu của các đơn vị Alibaba Pictures và Alibaba Health Information Technology đã tăng cao…

Ngay sau đó, cảnh sát cũng đã vào cuộc, Alibaba cam kết hợp tác điều tra. Tuy nhiên đến ngày 6/9/2021, Viện kiểm sát nhân dân quận Hoài Lâm ở thành phố Tế Nam cho biết rằng, sau khi xem xét vụ án, họ đã quyết định không phê chuẩn vụ bắt giữ. Cuộc điều tra cho biết người đàn ông có hành động khiếm nhã nhưng không cấu thành tội và chính vì thế, việc điều tra được chấm dứt. Người giám đốc đã bị tạm giam 15 ngày. Vào sáng 07/09/2021, vợ của ông đã thông báo trên trang mạng xã hội Weibo rằng ông ta đã được thả vào lúc bình minh.

Trong bối cảnh bên ngoài có nhiều biến động, những khủng hoảng tiềm ẩn bên trong có thể đẩy Alibaba đến bờ vực suy tàn. Bê bối tình dục lần này mà minh chứng cho sự khủng hoảng nội bộ công ty. Những cuộc thảo luận về sự tồn vong của Alibaba vẫn là chủ đề nóng được bàn luận khắp mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người thậm chí kêu gọi Jack Ma quay lại dẫn dắt tổ chức nếu không, việc lụi tàn của đế chế chỉ là chuyện sớm muộn.

Sự việc xảy ra tại Alibaba là như đổ thêm dầu vào ngọn lửa phong trào #MeToo đang rực cháy tại Trung Quốc. Các cáo buộc họ hứng chịu đã làm dấy lên tranh cãi về nạn phân biệt giới tính tại những công ty hàng đầu của Trung Quốc, và đồng thời hé lộ một mặt trái đen tối về cái gọi là "tình dục hóa phụ nữ" trong môi trường làm việc của Alibaba.

Đọc thêm