Bên lề sân cỏ (Kỳ 1): Lịch sử hình thành và chinh phục cả thế giới của bóng đá

(PLVN) - Bóng đá được cho rằng đã xuất hiện từ thời đại Chiến Quốc và phiên bản cổ xưa nhất với đầy đủ các kỹ thuật là môn xúc cúc (các tên gọi khác: tháp cúc, đạp cúc, túc cúc) của Trung Quốc. Tuy vậy, phải tới thế kỷ 18, bóng đá mới trở nên phổ biến và phát triển rầm rộ, đặc biệt là ở các nước châu Âu.
Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận (927-976 sau CN) chơi xúc cúc cùng các cận thần.

LTS: Bóng đá được mệnh danh là môn thể thao vua bởi nhiều lý do khiến nó trở nên đặc biệt... Bóng đá hấp dẫn người xem không đơn thuần chỉ là những trận cầu “nảy lửa” mà còn đến từ nhiều câu chuyện thú vị bên lề sân cỏ. Những câu chuyện, bí mật đủ khiến người nghe bất ngờ, mỉm cười hay rơi lệ...

Phiên bản cổ xưa nhất của bóng đá

Bóng đá là một trong những môn thể thao đã xuất hiện từ rất lâu với nhiều phiên bản. Mỗi phiên bản đều có hình thức, kỹ thuật và luật chơi khác nhau. Chính vì vậy để nói về nguồn gốc ra đời của môn thể thao này cũng có rất nhiều tranh cãi. Cho đến khi FIFA - Liên đoàn bóng đá thế giới đã chính thức công nhận bóng đá chính là phiên bản bóng đá cổ xưa nhất với đầy đủ các kỹ thuật là môn xúc cúc thì nguồn gốc của môn thể thao này mới được rõ ràng.

Mốc thời gian sớm nhất mà môn xúc cúc được ghi nhận xuất hiệnlà thời đại Chiến Quốc, kéo dài từ khoảng thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 3 TCN. Thông tin này được đề cập đến trong cuốn “Chiến Quốc sách”, phần “Tề thư” (tức chuyện về nước Tề - một nước chư hầu thời Chiến Quốc). Hình thức thi đấu cạnh tranh của Xúc cúc đã đuộc sử dụng như một bài huấn luyện thể dục cho quân đội.

Để ghi bàn, hai đội phải đá quả bóng da vào trong một tấm lưới nhỏ treo giữa hai cọc tre dài bên phần sân của đối thủ. Người chơi không được phép sử dụng tay nhưng có thể dùng đôi chân và các bộ phận khác của cơ thể. Sự khác biệt chính giữa xúc cúc và bóng đá hiện đại là chiều cao cầu môn. Khung thành của trò xúc cúc được treo cách mặt đất khoảng 9m.

Đến thời nhà Hán (năm 206 trước CN - 220 sau CN), xúc cúc đã trở thành môn thể thao phổ biến, lưu truyền trong cả giới thượng lưu và tầng lớp hoàng gia. Đây cũng là thời điểm trò chơi xúc cúc chính thức được chuẩn hóa với các quy tắc chung được quy định. Đây được xem là phiên bản bóng đá đầu tiên với đầy đủ các quy tắc, kỹ thuật.

Sau khi xúc cúc xuất hiện, các trò chơi giống bóng đá đã lan tỏa khắp thế giới. Nhiều nền văn hóa có những trò chơi tập trung vào việc sử dụng đôi chân, chẳng hạn như trò Kemari của người Nhật Bản (vẫn còn tồn tại đến ngày nay), trò Pahsaherman của người Mỹ bản địa, trò Marn Grook của thổ dân Australia và trò Ki-o-rahi của người Moari.

Sheffield.F.C - câu lạc bộ bóng đá lâu đời nhất trên thế giới vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay.

Nước Anh – quê hương của bóng đá

Mặc dù Trung Quốc là quốc gia đầu tiên sản sinh ra môn bóng đá nhưng nước Anh lại được mệnh danh là “Quê hương của môn thể thao vua”. Lý do là bởi phải từ thế kỷ 18 trở đi, khi lan tới các nước châu Âu thì bóng đá mới trở nên phổ biến và phát triển rầm rộ. Trong đó, câu lạc bộ bóng đá đầu tiên được ghi nhận chính thức có tên “The Foot-Ball Club” với trụ sở chính nằm ở Edinburgh, Scotland (thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland) và tồn tại từ năm 1824-1841.

Đến đầu thế kỷ 19, các trường học của Anh chính là nơi đầu tiên xuất hiện các luật bóng đá hiện đại. Cụ thể, năm 1848, tại Đại học Cambridge, đại diện của 5 trường Eton, Harrow, Rugby, Winchester và Shrewsbury đã họp mặt để thống nhất luật chơi cho môn bóng đá gọi là Bộ luật Cambridge. Dù vậy, Bộ luật Cambridge khi đó chưa trở thành chuẩn mực của mọi đội bóng bởi nó chưa đạt tới sự hoàn chỉnh.

Ví như trong thời kỳ đó, ở hệ thống trường học tư nhân, khi chơi bóng đá các cầu thủ được phép dùng bàn tay kiểm soát bóng, dùng chân đá và rê bóng, hay có thể vật lộn với nhau. Luật chơi giống như sự kết hợp của cả hai môn bóng bầu dục và bóng đá. Thời kỳ này cũng đã có thủ môn trấn giữ khung thành, lỗi xoạc bóng vào chân của cầu thủ khác bị cấm.

Tới thập niên 1850, tại mỗi trường học đã có nhiều đội bóng nghiệp dư được thành lập, dù vậy, mỗi đội vẫn thường xây dựng cho mình những luật chơi mới riêng biệt. Trải qua nhiều năm, các trường bắt đầu tạo ra các cuộc thi đấu với nhau. Trong số đó đáng chú ý nhất là Sheffield.F.C - câu lạc bộ bóng đá lâu đời nhất trên thế giới vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay.

Trong thời gian này, người chơi vẫn điều khiển bóng bằng cả bàn tay, nhưng chỉ được phép chuyền bóng về phía sau giống như môn bóng bầu dục. Người chơi thường xuyên ngáng chân nhau hoặc đá vào cẳng chân đối thủ để giành bóng. Do mỗi đội bóng có luật chơi khác nhau khiến việc điều hành các trận đấu giữa họ diễn ra rất khó khăn.

óng đá tại Trung Quốc thời nhà Hán.

Từ thực tế đó, ngày 26/10/1863, Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) được thành lập với 12 câu lạc bộ minh chứng cho nỗ lực lớn trong việc chuẩn hóa luật chơi môn bóng đá. Ngay khi đi vào hoạt động, FA đã cố gắng tập hợp các luật chơi trên khắp nước Anh để tạo thành một tập hợp quy tắc bóng đá được chấp nhận rộng rãi. Một trong số đó là việc FA đã quy định hành động ôm quả bóng, ngáng chân, đá vào cẳng chân cầu thủ khác bị cấm. Điều này dẫn đến sự tan rã của câu lạc bộ Blackheath - đội bóng thích lối chơi bạo lực theo kiểu bóng bầu dục và chỉ còn lại 11 câu lạc bộ khác tiếp tục hoạt động.

Giải thi đấu bóng đá đầu tiên năm 1872 - FA Cup, được tổ chức lần đầu cho các câu lạc bộ bóng đá Anh. Nước Anh cũng là quê hương của giải đấu liên đoàn đầu tiên, Football League. Giải đấu này bao gồm 12 câu lạc bộ thuộc miền Trung và miền Bắc nước Anh.

Tuy nhiên, khi môn bóng đá ngày càng trở nên phổ biến, nhiều quy định ban đầu của FA cũng đã phải thay đổi để phù hợp với thực tế phát triển. Theo quy định ban đầu của FA, người chơi bóng phải duy trì tính nghiệp dư và không được nhận lương. Điều này đã trở thành một vấn đề trong thập niên 1870 khi nhiều câu lạc bộ tính phí đến xem trận đấu của khán giả.

Các cầu thủ cảm thấy không hài lòng, yêu cầu trả tiền cho thời gian tập luyện và chơi bóng của họ. Vì sự phổ biến của môn thể thao này tăng lên, khán giả và doanh thu cũng vậy. Cuối cùng các câu lạc bộ quyết định bắt đầu trả lương cho cầu thủ và bóng đá trở thành môn thể thao chuyên nghiệp.

Khi trở thành môn thể thao được yêu thích ở Anh thì không mất quá nhiều thời gian để các quốc gia khác ở châu Âu đón nhận và phổ biến luật chơi bóng đá. Cơ quan quản lý bóng đá thế giới, FIFA được thành lập vào năm 1904 tại Paris (Pháp) với chủ tịch đầu tiên là ông Robert Guérin, một người Pháp. Ngay từ khi thành lập FIFA đã tuyên bố sử dụng và tôn trọng bộ luật bóng đá do FA đưa ra.

Từ năm 1913, cơ quan theo dõi luật bóng đá IFAB bắt đầu bổ sung các thành viên là đại diện của FIFA. Hiện nay ban điều hành của IFAB bao gồm 4 đại diện của FIFA và 4 đại diện đến từ các liên đoàn khai sinh luật bóng đá là Anh, Scotland, Ireland và xứ Wales.

Tính cho đến năm 2008, FIFA có 208 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có đại diện là thành viên, nhiều hơn Ủy ban Olympic Quốc tế 3 thành viên và nhiều hơn Liên Hợp Quốc 16 thành viên. Ngày nay, bóng đá đã được chơi ở cấp độ chuyên nghiệp trên khắp thế giới với hàng triệu người đến sân theo dõi các trận đấu cũng như hàng tỷ người theo dõi qua truyền hình.

Đọc thêm