Dịch bệnh kỳ quái
Nhắc tới cụm từ đại dịch, hẳn chúng ta sẽ nghĩ tới những căn bệnh đáng sợ cướp đi sinh mạng của rất nhiều người trong lịch sử. Tuy nhiên, có những dịch bệnh không chỉ đáng sợ mà còn vô cùng bí ẩn cho tới nay chưa thể lý giải được nguyên nhân. Thảm kịch xảy ra vào tháng 7/1518 tại Strasbourg là một trong những câu chuyện điển hình như vậy.
Vào mùa hè tháng 7/1518, cư dân tại thành phố Strasbourg, thuộc vùng Alsace (khi đó là một phần của Đế chế La Mã) đã vô cùng kinh ngạc và kỳ lạ khi thấy một người phụ nữ có tên Frau Troffea trên tay bế đứa con còn bú ẵm, cô đi từ nhà đến tận cây cầu Corbeau rồi ném đứa nhỏ xuống sông. Cô không còn sữa, không thể cho con bú được, không còn đủ khả năng để nuôi đứa bé.
Sau khi trở về nhà, cô bắt đầu bước ra đường rồi liên tục nhảy múa không ngừng nghỉ. Không hề có tiếng nhạc, cũng không lấy một cảm xúc trên khuôn mặt nhưng cô ấy cứ vô tư nhảy như thể có cả dàn nhạc vây quanh. Đặc biệt hơn, Troffea nhảy liên tục cả ngày lẫn đêm mà không hề tỏ ra mệt mỏi. Cho tới ngày thứ 6, điệu nhảy đã dừng lại khi cô gái kiệt sức mà chết.
Ban đầu, mọi người nghĩ rằng cô có vấn đề về thần kinh hay do bị quỷ ám nên mới có những hành động bất thường như vậy. Các vị trưởng lão trong làng cũng chắn kết luận Troffea bị điên hoặc quỷ ám. Thế nhưng ngay sau khi Troffea chết, người hàng xóm của cô cũng có những biểu hiện tương tự.
Cứ thế trong vòng 1 tuần, đã có hơn 30 người nhảy nhót không cần biết ngày đêm, sớm tối tại khắp các con đường của thành phố. Theo Historic Mysteries, thầy thuốc và quan chức chỉ được mời đến khi một số “vũ công” chết vì đau tim, kiệt sức hay đột quỵ.
Ban đầu không ai biết tại sao xảy ra sự việc này, lúc này phía tầng lớp lãnh đạo tin rằng phương thức chữa căn bệnh nhảy múa là nhảy nhiều hơn nữa. Do đó, họ cho dựng những sân khấu bằng gỗ để dân chúng lên biểu diễn. Họ còn mở rộng thêm không gian cho những người tham gia nhảy múa và mời thêm hàng chục nhạc công chuyên nghiệp để cổ vũ họ cả ngày lẫn đêm.
(Hình minh họa). |
Thế nhưng dường như họ đã sai lầm. Kết quả là, họ không những không dập tắt được “dịch bệnh”, mà ngược lại còn khiến hàng chục người nhảy múa không ngừng và chết vì nhồi máu cơ tim. Theo một báo cáo chỉ ra rằng dịch bệnh đã giết chết khoảng 15 người mỗi ngày.
Thậm chí có ngày lên tới đỉnh điểm là 30 người. Sự việc càng ngày càng trở nên kì lạ khi chỉ sau một thời gian ngắn, ít nhất 400 công dân Strasbourg bao gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em bị cuốn vào hiện tượng này.
Và giống như những trường hợp trước, họ nhảy múa điên cuồng cho tới chết. Theo các ghi chép của cơ quan y tế thời đó, các nạn nhân tử vong do đau tim và kiệt sức. Sau đó, những bệnh nhân chưa chết được đưa đến ngôi đền trên núi Vosges để cầu nguyện.
Tại đó, họ phải đi xung quanh ban thờ, chân mang giày đỏ. Vài tuần sau, dịch bệnh dần suy giảm. Một số bệnh nhân đã lấy lại được ý thức và quay về cuộc sống bình thường. Đến khoảng tháng 9/1518, dịch bệnh nhảy múa gần như chấm dứt. Dịch bệnh kỳ lạ tưởng như chỉ là truyền thuyết này hoàn toàn là có thật, thậm chí còn được ghi chép trong lịch sử của thế kỷ 16.
Thành phố Strasbourg không phải nơi duy nhất xảy ra dịch bệnh này. Một số thông tin cho rằng hiện tượng tương tự cũng đã xảy ra tại Thụy Sĩ, Đức và Hà Lan. Nhà sử học John Waller, tác giả của cuốn sách “A Time to Dance, A Time to Die: The Extraordinary Story of the Dancing Plague of 1518” (tạm dịch: Thời gian để nhảy, thời gian để chết: Câu chuyện dị thường về bệnh dịch năm 1518), đã nghiên cứu về dịch bệnh này suốt nhiều năm.
Ông khẳng định dịch bệnh trên là có thật chứ không phải truyền thuyết do người ta kể lại. John Waller đã ghi chép lịch sử về những cái chết do dịch bệnh nhảy múa, chẳng hạn như ghi chú của bác sĩ, bài giảng tại nhà thờ, biên niên sử tại địa phương và khu vực hay ghi chú của hội đồng thành phố Strasbourg. Trong tác phẩm, ông đã mô tả lại những cảnh tượng hãi hùng.
Theo đó, nhiều phụ nữ, đàn ông và trẻ nhỏ vừa nhảy múa điên cuồng, vừa kêu gào, cầu xin trợ giúp vì không thể nào ngừng nhảy lại được. Ông viết: “Ánh mắt của họ khờ dại, mặt ngước lên trời, tay và chân của họ cử động theo từng cơn co giật và mệt mỏi. Quần áo, váy... ướt đẫm mồ hôi, dán chặt vào thân hình gầy còm, yết ướt không còn chút sức sống”.
Còn trong một chương trình phát thanh của đài France Culture, nhà văn Jean Teulé, khi sưu tầm các tài liệu cho cuốn tiểu thuyết Entrez dans la danse (tạm dịch ‘Hãy vào nhảy đi’), xuất bản tháng 3/2018, cho biết hiện tượng này kỳ lạ đến mức đại văn hào người Anh, William Shakespeare gọi đó “Dịch nhảy múa”.
Có nhiều giả thuyết
Tất cả những điều này nghe như câu chuyện dân gian cổ xưa, nhưng dịch bệnh “nhảy múa” năm 1518 được ghi chép rõ ràng trong các văn bản y học, dân sự và cả tôn giáo. Không chỉ thế, nó còn xuất hiện ở Thụy Sĩ, Đức, Hà Lan. Điều gì có thể lý giải hành động nhảy đến chết?
Có rất nhiều giả thuyết được đặt ra. Thoạt nghe, thảm kịch trên có vẻ giống những câu chuyện dân gian để dọa trẻ em. Bởi trên lý thuyết, Frau Troffea và những người nhảy múa điên cuồng đúng ra đã chết vì mất nước sau khi liên tục vận động như vậy.
Theo các bác sĩ, họ chỉ sống tối đa được 3 ngày. Thế nhưng các tài liệu cổ lại khẳng định họ vẫn tiếp tục nhảy múa trong nhiều ngày liền mà không hề ăn uống. Ngay cả những vận động viên điền kinh, marathon giỏi nhất hiện nay có lẽ cũng không thể làm được điều đó. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng đã đặt ra rất nhiều giả thuyết nhằm giải đáp nghi vấn về dịch bệnh kì lạ trên.
Phần đông mọi người đều cho rằng, rất có thể Troffea và các nạn nhân đều đã mắc một chứng bệnh thần kinh vì stress nặng và gây ảnh hưởng tới cả cộng đồng. Tuy nhiên, nguyên nhân của chứng bệnh này được lý giải với nhiều căn cứ khác nhau. Giả thuyết đầu tiên cho rằng sở dĩ Troffea và những người khác mắc chứng nhảy múa điên loạn tới chết là bởi quá đói nghèo.
Vào thời điểm xảy ra câu chuyện, Strasbourg đang chật vật trong nạn đói khủng khiếp. Do đó, nhiều người có thể đã bị stress nặng và mắc bệnh. Tuy nhiên, lập luận này cũng có nhiều điểm sai sót, bởi mô tả từ các tài liệu cổ đều khẳng định, nạn nhân rất khỏe mạnh chứ không hề có biểu hiện co giật, vận động yếu ớt như bị đói.
Giả thuyết thứ hai lại hướng tới khả năng các nạn nhân đã bị trúng độc. Cụ thể, Troffea và những người khác đã ăn phải lúa mạch đen bị mọc nấm cựa gà. Khi ăn lúa mạch đen bị mốc sẽ khiến cơ thể co giật như nhảy múa. Song nếu đây là sự thật thì lẽ ra các nạn nhân đã qua đời ngay lập tức bởi nấm cựa gà cực độc, có thể gây chết người khi ăn. Giả thuyết thứ ba do Giáo sư John Waller (Đại học bang Michigan) đưa ra. Ông cho rằng căn bệnh rối loạn tâm lý quần chúng này bắt nguồn tự sự mê tín dị đoan.
Nạn nhân của chúng phần lớn đều là những người đang chết đói, họ chẳng còn gì, không biết nương tựa vào đâu ngoài tín ngưỡng, sự sợ hãi tràn ngập trong tâm trí họ. Vì vậy, có thể họ đã nhảy múa với mong muốn được Đấng Tối cao giúp đỡ cho tới khi qua đời. Đến tận bây giờ, đã hơn 5 thế kỷ trôi qua, vẫn chưa có lời giải nào chính xác cho dịch bệnh nhảy múa năm 1518. Nó vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất của thế lỷ 16.