Đầu số "cấp cứu 115" ở Nghệ An: Của Nhà nước đem cấp cho tư nhân

(PLO) - Một nghịch lý là trong khi đầu số 113, 114, 115 được định tuyến cấp cho đơn vị nhà nước thì tại Nghệ An, đầu số 115 lại được cấp cho một bệnh viện tư nhân...
Bệnh viện tư nhân đa khoa 115 nơi được định tuyến cho đầu số 115 của Nhà nước
Bệnh viện tư nhân đa khoa 115 nơi được định tuyến cho đầu số 115 của Nhà nước
Bệnh viện tư nhân định tuyến đầu số nhà nước
Theo phản ánh của bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân, việc đầu số cấp cứu 115 của Nghệ An được cấp cho Bệnh viện tư nhân 115 Nghệ An gây ra nhiều hiểu nhầm, cũng không ít chuyện oái ăm khi gọi đến đầu số này. 
Đơn cử như trường hợp anh Lê Văn Lương, một người nhà bệnh nhân thắc mắc: “Gọi đến 115 để đưa em trai đi cấp cứu, lên xe cứu thương là được đưa thẳng đến Bệnh viện 115 mà tui lại tưởng đến bệnh viện tỉnh. Khi vào chụp, chiếu, xét nghiệm xong xuôi, nhưng vẫn không ra bệnh. Gia đình yêu cầu chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tỉnh, tới đây lại tiếp tục chụp, chiếu, xét nghiệm, thăm khám… mất một khoảng thời gian dài như vậy, nếu là bệnh nặng thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Còn chưa nói đến việc mất một khoản kinh phí cho việc vận chuyển, kinh phí cho các khoản chụp, chiếu, xét nghiệm mà đáng lẽ chỉ phải làm một lần ở bệnh viện tỉnh…”.
Theo một người nhà bệnh nhân khác:“Khi gọi đến 115 thì có xe cứu thương đến, người nhà ngồi trong xe không biết là đi đâu. Cứ nghĩ là về bệnh viện tỉnh, nhưng khi xe dừng thì lại thấy Bệnh viện 115. Nguy kịch cũng vào sơ cứu, chụp chiếu các thứ, rồi cũng xin chuyển đến bệnh viện tỉnh. Mất thêm thời gian chữa bệnh…”. 
Để làm rõ việc đầu số 115 được cấp cho một bệnh viện tư nhân tại Nghệ An, phóng viên đã được anh Trần Minh Phương – Phó phòng Mạng dịch vụ VNPT Nghệ An cho biết, dịch vụ viễn thông khẩn cấp được quy định theo Điều 29 Luật Viễn thông cấp cho 3 đầu số 113, 114 và 115 là dịch vụ viễn thông khẩn cấp. 
“Số 115 tại Nghệ An năm 2001, Sở Y tế Nghệ An có văn bản chuyển Sở Bưu điện Nghệ An (nay là VNPT Nghệ An) đề nghị mở định tuyến các cuộc gọi đến cho đầu số 115 cho gọi đến số máy Công ty TNHH Khám chữa bệnh và vận chuyển cấp cứu. Cty tiền thân là của Bệnh viện 115, sau này thành lập thành Bệnh viện đa khoa 115.  Sau đó, VNPT Nghệ An báo cáo với Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (nay là Tập đoàn VNPT) và Tập đoàn VNPT đồng ý cho VNPT Nghệ An định tuyến cho đầu số đó cho đến bây giờ chưa có văn bản nào của Sở Y tế đề nghị định tuyến thêm cuộc gọi này cho một trung tâm khác. Nếu trong trường hợp Sở Y tế đề nghị cấp định tuyến cho các đầu số các trung tâm khác trên địa bàn thì VNPT sẽ báo cáo Tập đoàn cấp định tuyến thêm - anh Phương cho biết. 
Nên đưa về cho Nhà nước quản lý
Để trả lời những thắc mắc trên của người dân và bệnh nhân, phóng viên đã có cuộc làm việc với ông Bùi Đình Long – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An để làm rõ vấn đề này. Ông Long cho hay: “Việc này thuộc về lịch sử, năm 2012 khi tôi về đảm nhận vị trí Giám đốc Sở Y tế thì đã có việc này. Hiện nay theo chỉ đạo của UBND tỉnh thì lĩnh vực nào tỉnh đầu tư được thì đầu tư, lĩnh vực nào chưa đầu tư được thì ưu tiên kêu gọi xã hội hóa. Tiền thân của 115 Nghệ An là Trạm cấp cứu 05, tuy nhiên thời điểm đó không duy trì được. Sau này có Nghị quyết 05 về kêu gọi đầu tư xã hội hóa thì một cá nhân đứng ra xin được cấp đầu số 115 để hoạt động Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115. Quan điểm cho đến thời điểm này thì lĩnh vực nào tư nhân đầu tư rồi, đang hiệu quả thì Nhà nước ưu tiên đầu tư lĩnh vực khác”. 
Ông Long cho biết thêm, việc gọi 115, khi xe cứu thương đến thì việc vận chuyển đi đâu không phải quyền của lái xe mà thỏa thuận của người nhà và nhân viên y tế. Tuy nhiên, thông thường vẫn chạy về 115 và xử lý ở đó, đặc biệt là trên địa bàn thành phố Vinh. Cũng theo ông Long, hiện nay trong đề án xây dựng bệnh viện chấn thương chỉnh hình, cho phép bệnh viện có thể thành lập một trung tâm vận chuyển cấp cứu. Đa số các bệnh viện đều có 1 đến 2 xe vận chuyển cấp cứu, hiện tại tỉnh cũng đã cấp phép cho Trung tâm vận chuyển cấp cứu Trường An ở thị trấn Diễn Châu hoạt động vận chuyển cấp cứu. 
Khi nói về việc này, ông Nguyễn Danh Linh – Giám đốc Bệnh viện Ba Lan Nghệ An cho biết, đầu số 115 là đầu số của Nhà nước cấp cho lĩnh vực y tế. Trước đây, 115 là Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 05 thuộc Sở Y tế Nghệ An, sau này thành Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 và được hưởng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong thời gian dài không có ngân sách để hoạt động, không có xe, dần dần Trung tâm giải thể vì không có kinh phí và bị lãng quên. Nhận thấy việc hoạt động của 115 vừa có thể phục vụ bệnh nhân nên bác sĩ Phạm Văn Diễn đề nghị được thành lập trạm vận chuyển và được đồng ý, số 115 được đồng ý từ đó đến nay. Sau này, bác sỹ Diễn cũng đứng ra thành lập Bệnh viện 115 và được đồng ý cho hoạt động. 
Xoay quanh câu chuyện về đầu số nhà nước được cấp định tuyến cho bệnh viện tư nhân, còn có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau của dư luận. Có ý kiến còn cho rằng, đầu số 115 được cấp cho tư nhân, nếu 113, 114 cũng có tư nhân xin cấp cho hoạt động thì liệu có được không? Việc cho xã hội hóa lĩnh vực y tế là điều tốt, tuy nhiên việc cho một đơn vị tư nhân sử dụng đầu số của Nhà nước gây nhiều hiểu nhầm cho người dân nói chung và người bệnh nói riêng. 
Thiết nghĩ, đã đến lúc cần phải có giải pháp thích hợp cho việc đưa đầu số 115 trở về với sự quản lý của Nhà nước độc lập như vai trò và nhiệm vụ vốn có của nó, đảm bảo lợi ích tốt nhất cho việc cấp cứu, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân. 
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.
Đảm bảo phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân
Ông Nguyễn Danh Linh – Giám đốc Bệnh viện Ba Lan chia sẻ: “Quan điểm của tôi, khi Nhà nước chưa làm được mà tư nhân làm được thì nên cho để đảm bảo vấn đề an sinh xã hội. Nhưng hoạt động chỉ để vận chuyển và vận chuyển đúng địa chỉ cấp cứu, đến những nơi có chuyên môn phù hợp để cấp cứu, chứ không nhất nhất về một địa chỉ nào đó bắt buộc, để đảm bảo phục vụ cho bệnh nhân kịp thời và tốt nhất”.
Cần được đưa về cho Nhà nước quản lý
Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Nghệ An - ông Phạm Văn Diệu cho biết: “Hệ thống đầu số 115 nằm trong hệ quản lý nhà nước chứ không phải của tư nhân. Hiện nay, đầu số 115 hoàn toàn thuộc về Bệnh viện 115 tư nhân. Tư nhân thì hoạt động theo mô hình tư nhân và cần có lợi nhuận.  Tuy nhiên, các nhu cầu về cấp cứu khi gọi đến 115 thì đều được đáp ứng bất cứ nơi nào. Quan điểm của Bệnh viện Nhi cũng như cá nhân tôi thì việc cần thiết là đầu số 115 được quản lý bởi một đơn vị nhà nước, do Nhà nước quản lý và chỉ đơn thuần là vận chuyển bệnh nhân cấp cứu như hoạt động của các trung tâm cấp cứu của 115 các tỉnh khác trên cả nước. Dù là tư nhân hay Nhà nước thì việc đầu tiên là phải hướng đến lợi ích của nhân dân, phục vụ cho nhân dân, đặc biệt là với những lĩnh vực có tính nghiệp vụ cao như ngành y”.

Đọc thêm