Bệnh nhân tâm thần bị tù oan 17 năm vì... viết thư “dạy” cảnh sát phá án

(PLVN) - Từ giường bệnh tâm thần, một người đàn ông tại Mỹ đã viết nhiều bức thư “chỉ” cho cảnh sát cách để phá được những vụ án nghiêm trọng. Lẽ thường, chẳng mấy ai tin lời của “kẻ điên”. Ấy vậy mà cảnh sát thành phố Detroit, bang Michigan, Mỹ lại đến thẩm vấn bệnh nhân kia 4 lần và thậm chí lấy được lời tự thú đã gây án hãm hiếp, giết người của người này.
Bệnh nhân tâm thần bị tù oan 17 năm vì... viết thư “dạy” cảnh sát phá án

Cái chết của cô nữ sinh 

Rạng sáng ngày 24/1/1984, Michelle Jackson đang đứng tại một điểm dừng xe bus ở Detroit. Cô gái nhỏ co ro trong chiếc áo khoác màu đỏ tiệp với màu của chiếc mũ trên đầu, vai đeo chiếc balo. Khi đó đã là những ngày cuối cùng của năm học tại trường Trung học MurrayWright và trong ngày 24/1, Michelle sẽ phải làm bài kiểm tra cuối năm môn lịch sử.

Tuy nhiên, suốt cả ngày Michelle không đến lớp. Khi con gái không về nhà vào buổi tối, cả gia đình cô vội vã đi tìm. Mẹ và những người họ hàng lần theo con đường mà Michelle vẫn tới trường mỗi ngày, tới điểm xe bus rồi tới trường nhưng vẫn không thấy bóng dáng cô nữ sinh đâu. Trên đường trở về nhà, họ bất chợt nhìn thấy một gara bị bỏ hoang ven đường bèn thử vào kiểm tra. Nào ngờ, ở đó, trên nền nhà lạnh buốt, họ nhìn thấy thi thể Michelle ở gần một bức tường. Cô bé bị lột đồ từ thắt lưng trở xuống. Một chiếc quần dài được tìm thấy cuốn quanh cổ.

Theo kết quả khám nghiệm sau đó, nạn nhân đã bị hãm hiếp trước khi bị sát hại. Lúc này, Michelle mới tròn 16 tuổi và đang là học sinh lớp 10. Vụ việc của Michelle khiến người dân vô cùng hoang mang khi trong vòng vài tháng trước đó đã có gần 50 học sinh ở Detroit bị tấn công tình dục. Thị trưởng thành phố là ông Coleman Young tuyên bố sẽ “tấn công vấn đề nghiêm trọng nhất mà người dân Detroit từng phải đối mặt” đồng thời cam kết sớm đưa hung thủ ra ánh sáng.

Lời thú tội từ trại tâm thần 

9 tháng sau khi Michelle bị sát hại, cảnh sát Detroit bất ngờ thông báo đã bắt giữ được thủ phạm đã hãm hiếp và cướp đi sinh mạng của cô gái trẻ. Nghi phạm là một người đàn ông tên Eddie Joe Lloyd. Cảnh sát nói rằng, họ đã có được lời thú nhận bằng cả văn bản lẫn lời khai miệng của người này, trong đó Lloyd miêu tả rõ ràng cách thức hắn đề nghị cho Michelle đi nhờ đến trường khi cô bé lỡ xe bus, sau đó đưa Michelle tới gara bỏ trống, dùng dao đe dọa để hãm hiếp và cuối cùng là sát hại cô bé hòng thoát tội.

Trong những lời khai của mình, Lloyd đề cập đến nhiều chi tiết mà cảnh sát chưa từng công bố, ví dụ như chiếc hoa tai hình bán nguyệt mà Michelle đeo khi bị sát hại, chiếc quần hiệu Gloria Vanderbilt của cô gái cũng như tình tiết một chiếc lọ nhỏ màu xanh đã bị nhét vào cơ thể nạn nhân cùng một số chi tiết về hiện trường vụ phạm tội. Cảnh sát khi đó cho rằng, Lloyd chắc chắn phải là thủ phạm thì hắn mới có thể biết rõ được những tình tiết này. Họ tiết lộ thêm việc tại thời điểm bị bắt giữ, Lloyd đang được điều trị tâm lý tại bệnh viện Herman Kiefer sau khi phá cửa sổ nhà và tấn công một nhân viên bảo vệ tại văn phòng phúc lợi địa phương. Với những thông tin trên, Lloyd đã bị bắt giữ và bị khởi tố về tội hãm hiếp, giết người.

Eddie Joe Lloyd (bìa phải) tại phiên tòa được minh oan
Eddie Joe Lloyd (bìa phải) tại phiên tòa được minh oan 

Luật sư đầu tiên bào chữa cho bị can là Charles Lusby. Phiên tòa xét xử vụ việc này được ấn định diễn ra vào ngày 22/4/1985. Tuy nhiên, vào ngày diễn ra phiên tòa, luật sư Lusby đã không đến mà một luật sư khác đến thay. Trước diễn biến này, thẩm phán chủ trì phiên tòa đã chỉ định một luật sư khác tên Stanford Rubach - người nổi tiếng hám tiền bào chữa mới cho bị cáo.

Phiên tòa xét xử được hoãn lại 6 ngày. Những luật sư kỳ cựu theo dõi vụ việc tỏ ra rất bất bình với việc thẩm phán chỉ cho Stanford 1 tuần để chuẩn bị cũng như việc vị luật sư chấp nhận đề nghị này. “Không một luật sư có lương tâm nào lại chấp nhận bào chữa một vụ việc giết người khi chỉ có 6 ngày để nghiên cứu toàn bộ vụ việc”, luật sư Barry Scheck nhận định.

Kết quả là, tại phiên tòa diễn ra sau đó, Stanford đã gần như không làm gì để bảo vệ thân chủ của mình. Toàn bộ các lập luận của ông ta gói gọn trong khoảng 6 phút. Ông ta cũng không mời ra tòa bất cứ nhân chứng nào có lời khai có lợi cho bị cáo hay tìm cách để chỉ ra những tình tiết có lợi cho Lloyd. Vì vậy, không khó hiểu khi bồi thẩm đoàn sau đó chỉ mất chưa đầy nửa giờ để buộc tội hiếp dâm và giết người đối với Lloyd. Với các tội danh trên, thẩm phán sau đó đã tuyên bản án tù chung thân đối với bị cáo.

Minh oan 

Trong suốt những năm sau khi bị kết án, Lloyd đã không ngừng kháng án nhưng đều bị bác bỏ. Đến năm 1995, sau khi đã ngồi tù được 10 năm, anh ta liên lạc được với Dự án Người vô tội - tổ chức đã minh oan được cho nhiều tù nhân bằng cách dùng các xét nghiệm ADN.

Tại thời điểm phiên tòa xét xử Lloyd diễn ra, việc phân tích ADN từ tóc, máu, tinh dịch hay các vật liệu khác được thu giữ tại hiện trường phạm tội vẫn chưa được sử dụng nhưng đến năm 1995, mọi chuyện đã khác. May mắn đã mỉm cười với Lloyd khi mẫu tinh dịch từ cơ thể Michelle Jackson và chiếc lọ bị nhét bên trong cơ thể nạn nhân đã được bảo quản ở phòng lưu trữ của cảnh sát và phòng giám định của thành phố.

Mùa hè năm 2002, những mẫu phẩm đó cuối cùng cũng được đưa đi xét nghiệm và chứng minh đó không phải là tinh dịch của Lloyd, đồng nghĩa với việc chứng minh anh ta không hề hãm hiếp Michelle. Đến lúc này, những ấm ức trong lòng Lloyd bấy lâu nay mới được làm sáng tỏ, dù trước đó anh ta cũng đã nói ra rất nhiều lần nhưng không ai tin.

Theo đó, Lloyd cho biết, thực ra, khi xảy ra vụ việc của Michelle, anh ta đang được điều trị trong bệnh viện tâm thần. Trong quá trình này, anh ta đã viết rất nhiều thư cho cảnh sát, có những ngày lên đến 3 lần, để “chỉ cho họ cách thức giải quyết những vụ án mạng nghiêm trọng”. Trong những bức này, Lloyd cũng đề cập nhiều đến vụ việc của Michelle do được nghe thông tin về vụ việc qua truyền thông và những người đến bệnh viện rỉ tai nhau.

Sau khi nhận được những bức thư của Lloyd, cảnh sát đã đến bệnh viện gặp anh ta 4 lần. Lloyd nói rằng chính thám tử Thomas DeGalan đã cung cấp cho anh ta những thông tin chi tiết về vụ án của Michelle, trong đó bao gồm cả các thông tin về hung khí gây án, về mô tả hiện trường...

Vẫn theo lời đối tượng này, thám tử Thomas đã đề nghị anh ta thú nhận là kẻ gây án với lý do “việc này sẽ giúp họ sớm tìm ra được kẻ giết người thực sự”!

Tin lời vị thám tử, Lloyd đã đồng ý làm theo, tự thú nhận gây trọng án mà không thể ngờ được rằng chính việc làm này sẽ khiến anh phải trả một cái giá quá đắt. Cũng theo hồ sơ bệnh án, tại thời điểm đưa ra lời tự thú nói trên, Lloyd đang mắc chứng trầm cảm và được điều trị bằng thuốc chống loạn thần Navane. Theo các bác sỹ, thuốc này có tác dụng an thần nhưng cũng có thể gây ra các triệu chứng như cảm giác bồn chồn, mất phương hướng và mê sảng ở một số bệnh nhân.

Như vậy là, 17 năm sau khi bị tống giam, tháng 8/2002, Lloyd cuối cùng cũng đã rửa sạch được những oan khuất của anh ta, được xin lỗi và được thả ra. “Tất cả bằng chứng trong vụ án này đều đến từ những lời luyên thuyên của một người đàn ông bị tâm thần. Nhưng cảnh sát lại thẩm vấn và tìm cách mớm lời để đẩy anh ta vào vòng lao lý”, ông Steven Drizin, một giáo sư luật tại trường Đại học luật Northwestern, tổng kết vụ việc.

Đọc thêm