TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế |
PV: Thưa ông, thực tế vụ việc cho thấy còn có những “lỗ hổng” trong việc cấp phép và quản lý các cơ sở hành nghề y tư nhân. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ có những chỉ đạo như thế nào để chấn chỉnh hoạt động này?
- Đúng như vậy, thực tế còn có chuyện không có giấy phép hoạt động nhưng vẫn hoạt động; khám chữa bệnh vượt quá phạm vi hành nghề cho phép. Tuy nhiên, việc làm này có thể chấp nhận được trong trường hợp những bác sỹ về hưu sinh hoạt ở thôn xóm nhưng mọi người dân vẫn tín nhiệm và nhờ khám chữa bệnh khi cần thiết.
Còn trong trường hợp bác sỹ đã không có giấy phép hành nghề lại hành nghề vượt quá khả năng cho phép, thậm chí còn làm chết bệnh nhân và vứt xác nạn nhân xuống sông để phi tang là hành vi không thể chấp nhận được. Đây quả thực là một vi phạm lớn, sai lầm lớn và gây ra hậu quả rất lớn cho bệnh nhân.
Thực tế, trong vụ việc này, việc hành nghề không phép đã là sai, nhưng hành nghề không phép, lại còn vượt quá phạm vi cho phép thì càng không thể chấp nhận được. Càng đáng nguy hiểm hơn khi việc hút mỡ bụng rồi bơm lên ngực đã được thế giới khuyến cáo và không áp dụng từ lâu lắm rồi, vì những biến chứng và hậu quả của việc làm này gây ra. Tại sao bác sỹ đó vẫn thực hiện, gây những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.
Thực tế này cũng cho thấy, rõ ràng khâu cấp phép và quản lý các cơ sở hành nghề y tư nhân của chúng ta vẫn còn nhiều lơi lỏng. Chính vì lẽ đó, cùng với việc chia sẻ những nỗi đau với gia đình nạn nhân, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các Sở Y tế phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra tổng thể các cơ sở hành nghề y tế tư nhân, đặc biệt là các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn, trên cơ sở đó chấn chỉnh hoạt động này.
Bởi theo quan điểm của Bộ Y tế, đây là một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng; hành vi của bác sĩ này phi nhân tính, nhẫn tâm, không thể chấp nhận được, cần phải xử lý nghiêm để làm gương cho người khác.
Thiết nghĩ, Bệnh viện Bạch Mai – nơi Bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường làm việc cũng không thể vô can trong vụ việc này. Theo ông, bên cạnh việc quản lý chặt cán bộ, nhân viên của mình, chúng ta cần quan tâm và giải quyết những vấn đề nào khác?
-Thực tế, việc quản lý cán bộ, viên chức làm việc ngoài giờ vẫn chưa chặt chẽ lắm. Cũng có những cơ sở y tế quản lý rất chắc cán bộ của mình, kể cả khi hành nghề ngoài giờ (Bệnh viện Chợ Rẫy), nhưng rất nhiều cán bộ, nhân viên y tế phản ứng.
Tuy nhiên, vấn đề này vẫn cần phải đặt ra để quản lý chặt chẽ hơn lĩnh vực này. Bởi lẽ, trong thực tế, lãnh đạo bệnh viện vẫn nên biết nhân viên của mình làm việc ngoài giờ như thế nào, vì thời gian làm việc hành chính trong bệnh viện đã quá tải, ngoài giờ lại hành nghề tiếp thì không thể tỉnh táo được.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải đặt ra rất nhiều vấn đề. Chuyên môn, khả năng của người bác sỹ là chuyện đương nhiên nhưng người bệnh cũng không nên “đặt cược” sức khỏe, tính mạng của mình cho những cơ sở không đáng tin cậy.
Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng khác là các Sở Y tế và cơ quan quản lý cũng nên công khai những cơ sở tin cậy, đầy đủ chức năng, điều kiện; cũng như các cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật, đã bị xử lý để người dân biết và có sự lựa chọn đúng đắn.
Đặc biệt, bản thân người làm công tác chuyên môn cũng phải biết rằng, việc vi phạm pháp luật sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thanh danh cũng như uy tín và gia đình họ, từ đó nâng cao ý thức pháp luật và cố gắng hành nghề trong phạm vi cho phép.
Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi!