Vượt tuyến vì chỉ tin bệnh viện tuyến trên
Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những “điểm nóng” của tình trạng quá tải.
Từ sáng sớm, số lượng bệnh nhân chờ khám đã đông nghịt. Tại khu vực chờ khám, trước các phòng khám, bệnh viện phải bố trí thêm nhiều ghế nhựa nhưng vẫn không tránh khỏi tình cảnh bệnh nhân ngồi bệt, lê la dưới đất, tràn ra hết cả lối đi.
Khi Bộ trưởng hỏi thăm hoàn cảnh của bệnh nhân đang chờ khám thì đa phần đều vượt tuyến. Điều đáng nói là, mặc dù đây là bệnh viện tuyến cuối của cả phía Nam, nơi điều trị các ca nguy kịch, bệnh hiểm nghèo thế nhưng, hơn qua nửa số bệnh nhân được Bộ trưởng hỏi cho biết đến khám vì các triệu chứng… nhức đầu, cảm cúm.
Trong đó, có một bệnh nhân từ sáng sớm đã lặn lội đón xe từ Tây Ninh lên tận Bệnh viện Chợ Rẫy khám vì… nhức đầu. Bệnh nhân cho biết cũng chưa hề khám ở địa phương mà lên thẳng Bệnh viện Chợ Rẫy luôn vì thích và tin tưởng bệnh viện này hơn.
Trong khi đó, bệnh nhân Nguyễn Văn Hoàng (53 tuổi, ngụ Đắk Lắk) cho biết mình bị bệnh gan, đã khám và điều trị nhiều tháng ở bệnh viện địa phương nhưng không thuyên giảm. Vì vậy, bệnh nhân đã khăn gói lên Bệnh viện Chợ Rẫy để kiểm tra. “Chẳng biết ở tỉnh Đắk Lắk trình độ chuyên môn của các bác sĩ thế nào mà bệnh của tôi họ không trị được”, ông Hoàng lo lắng.
Tin tưởng bệnh viện tuyến trên với các bác sĩ tốt hơn, cho nhiều thuốc tốt hơn… cũng là lý do chung mà các bệnh nhân vượt tuyến giải thích với Bộ trưởng.
“Trên thực tế, tình trạng bệnh mà bệnh nhân thực sự cần phải đi khám tận Bệnh viện Chợ Rẫy không đông tới thế. Cứ một bệnh nhân vượt tuyến lại kèm theo một thân nhân. Chính tình trạng vượt tuyến đã gây ra quá tải mà không cách nào giải quyết nổi!”, Bộ trưởng Tiến đánh giá.
Bệnh viện tuyến cuối gồng mình gánh bệnh nhân
Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận hơn 4.000 bệnh nhân đến khám, điều trị nội trú cho gần 2.500 bệnh nhân.
Trong khi đó, Bệnh viện Chợ Rẫy hiện có 55 buồng khám bệnh, với 93 bàn khám bệnh (đã tăng thêm 15 bàn so với năm 2013). Nhờ vậy mà thời gian chờ đợi của bệnh nhân cũng đã giảm xuống 1/3 so với trước.
Còn các khoa điều trị của bệnh viện đều phải kê thêm giường, băng ca để giảm thiểu tình trạng bệnh nhân nằm ghép.
Các bệnh nhân nặng chịu cảnh nằm hành lang điều trị nội trú tại Bệnh viện Chợ Rẫy |
Để giải quyết tình trạng quá tải cả khâu khám bệnh lẫn điều trị nội trú, Bệnh viện Chợ Rẫy đang kiến nghị Bộ Y tế cho phép xây dựng thêm cơ sở hạ tầng trong khuôn viên hiện có để tăng bàn khám bệnh và tăng giường bệnh.
Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cũng đang đối mặt với hiện trạng quá tải không kém. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận gần 5.000 bệnh nhân đến khám. Phần lớn bệnh nhân cũng đều vượt tuyến từ các tỉnh thuộc khu vực miền Tây và Đông Nam bộ. Để đáp ứng nhu cầu khám, bệnh viện phải tổ chức tiếp nhận bệnh nhân, làm thủ tục từ 4 giờ sáng.
Bệnh viện đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, bệnh án điện tử sử dụng thẻ khám bệnh có mã vạch, tăng cường đội ngũ điều dưỡng, thư ký y khoa để hỗ trợ bác sĩ trong khám chữa bệnh.
Đồng thời, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cũng kiến nghị được xây dựng thêm cơ sở hạ tầng trong khuôn viên bệnh viện để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Khương, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tăng thêm giường bệnh cho các bệnh viện hiện quá tải chỉ là phương án tạm thời. Bệnh nhân vượt tuyến đang gây ra những lãng phí chi phí cho người bệnh và chi phí xã hội. Muốn giải quyết được quá tải cần có chiến lược để giữ chân người bệnh ở tuyến dưới.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Khương, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tăng thêm giường bệnh cho các bệnh viện hiện quá tải chỉ là phương án tạm thời. Bệnh nhân vượt tuyến đang gây ra những lãng phí chi phí cho người bệnh và chi phí xã hội. Muốn giải quyết được quá tải cần có chiến lược để giữ chân người bệnh ở tuyến dưới.