Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hợp Lực được đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, mới khai thác được 50% công suất. |
Lãnh đạo một BV ngoài công lập (đề nghị giấu tên) giãi bày: Sỡ dĩ tồn tại nghịch lý các BV tư phải hoạt động cầm chừng, hoạt động không hết công suất là do những bất cập trong việc phân thẻ BHYT, thanh toán BHYT, chuyển tuyến, mua thuốc, vật tư y tế tập trung… chưa được xóa bỏ.
Nhiều người đóng bảo hiểm thừa nhận nhiều lúc muốn lựa chọn BV tư để khám, điều trị nhưng do cơ quan bảo hiểm không đáp ứng mà cố tình chuyển họ đến cơ sở khác (thường là các BV công lập).
“Việc phân thẻ BHYT đang theo cơ chế “xin cho, ban phát”. Trong hoàn cảnh đó, để tồn tại, để được “xí phần” thẻ BHYT thì buộc chúng tôi phải “chạy chọt” cơ quan bảo hiểm” - giám đốc một BV tư nhân tiết lộ.
Bất cập trong chuyển tuyến, phân loại BV, cấp mã điều trị cũng khiến các hoạt động của khối BV ngoài công lập rơi vào tình trạng lãng phí công suất. Thực tế, bệnh nhân muốn chuyển từ BV công sang BV tư điều trị thì buộc phải “bôi trơn” mới được cấp giấy chuyển tuyến. Nếu không có giấy chuyển tuyến, khi thanh toán viện phí bệnh nhân phải bỏ tiền túi ra trả một nửa vì chỉ được hưởng 50% khi thanh toán BHYT.
“Sinh ra giấy chuyển tuyến là để áp đặt bệnh nhân muốn đi đâu là quyền của BV công lập chứ không phải quyền lựa chọn của bệnh nhân. Giấy chuyển tuyến là vật cản để bệnh nhân không tìm tới BV tư. Ví dụ, tôi đang bị bệnh tim nặng, muốn tới một BV tư nhân để mổ. Một ca mổ chi phí hết 60 triệu đồng, nếu tôi không có giấy chuyển tuyến thì khi thanh toán chỉ được Nhà nước trả cho 35 triệu đồng, một nửa còn lại tôi phải chịu. Để được hưởng trọn chế độ thì tôi phải có chi phí “bôi trơn” để nhận được giấy chuyển tuyến này” - giám đốc một BV tư bức xúc cho biết.
“Cắn răng nuôi” nhà thầu thuốc
Để mua được thuốc, thiết bị y tế tập trung phục vụ cho việc khám chữa bệnh, các BV tư nhiều phen “lên bờ, xuống ruộng”. Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch HĐQT BV Đa khoa Hợp Lực không ngần ngại cho biết: Theo quy định của Bộ Y tế, Bộ Tài chính tại Thông tư số 01 ban hành ngày 19/1/2012, hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế, các cơ sở y tế đều bắt buộc phải mua thuốc, vật tư y tế tập trung tại “các cơ sở đấu thầu”.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện việc mua thuốc qua các đơn vị trúng thầu lại nảy sinh nhiều khó khăn ảnh hưởng lớn tới hoạt động của BV tư nhân và ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng, thời gian phục vụ bệnh nhân. “Đấu thầu nào mà chẳng có ăn chia phần trăm trong đó, quy định này đang khiến cho BV tư nhân vốn đã cơ khổ rồi nay lại phải “oằn lưng” đi nuôi mấy ông nhà thầu hoạnh họe này” - ông Đệ nói.
Trước hàng loạt bức xúc, nhiều BV ngoài công lập đã làm đơn kêu cứu nhiều lần tới Bộ Tài chính, Bộ Y tế để có biện pháp tháo gỡ khó khăn nhưng họ không nhận được hồi âm.