Ngày 8/3/2014, chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đột ngột biến mất sau khi cất cánh từ sân bay ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, thực hiện hành trình tới Bắc Kinh, Trung Quốc cùng với 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn. Các điều tra viên sau đó cho rằng chiếc MH370 đã rơi xuống Ấn Độ Dương.
Xác máy bay cho đến nay vẫn chưa được tìm thấy, đồng nghĩa với việc những sự kiện đã xảy ra trên chuyến bay chưa được làm sáng tỏ.
Toàn bộ những người có mặt trên chiếc máy bay xấu số được cho là đã thiệt mạng, đưa đây trở thành vụ tai nạn chết chóc nhất trong lịch sử của hãng hàng không Malaysia Airlines.
Những điểm trùng hợp bất ngờ
Vụ việc này cũng khiến người ta liên tưởng tới sự cố chết người nghiêm trọng nhất của hãng trước đó - là vụ rơi máy bay MH653 xảy ra vào ngày 4/12/1977, cướp đi sinh mạng của tổng cộng 100 người.
Không chỉ cùng là máy bay của một hãng hàng không, không chỉ cùng gặp nạn trên đường đi để lại hậu quả thảm khốc ở hạng nhất ở từng thời kỳ, số phận 2 chiếc máy bay cho đến nay cũng tương đối giống nhau.
Trong khi những việc đã xảy đến trong những giờ phút cuối cùng của chiếc MH370 đến nay vẫn chưa được làm rõ thì những tình tiết liên quan đến MH635 ở 39 năm trước đến giờ cũng vẫn còn là ẩn ức mà người thân của những nạn nhân trên chuyến bay ngày đêm mong muốn được hóa giải.
Người ta chỉ biết được rằng máy bay đã bị cướp khi đang ở trên không trung rồi sau đó đâm xuống một đầm lầy, giết chết toàn bộ những người có mặt…
“Chúc ngủ ngon”
Theo thông tin từ trang Mạng lưới an toàn hàng không, chiếc máy bay MH635 gặp nạn vào năm 1977 là một máy bay Boeing 737-2H6 có số hiệu đăng ký là 9M-MBD.
Máy bay này được bàn giao cho hãng hàng không Malaysia Airlines trong tình trạng mới nguyên vào tháng 9/1972 và bắt đầu thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 12/9 cùng năm.
Lúc 19h21 ngày 4/12/1977, máy bay cất cánh khỏi đường băng số 22 của Sân bay quốc tế Penang ở Penang để thực hiện hành trình nội địa tới Sân bay quốc tế Subang ở Kuala Lumpur. Trên máy bay khi đó có tổng cộng 100 người, bao gồm 7 thành viên phi hành đoàn và 93 hành khách.
Trong số các hành khách trên máy bay có một số quan chức địa phương và nước ngoài, như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Malaysia Ali Haji Ahmad; Người đứng đầu Bộ Lao động công Malaysia Mahfuz Khalid; Đại sứ Cuba tại Nhật Bản kiêm nhiệm Malaysia Mario Garcia và vợ cùng 2 quan chức của Ngân hàng thế giới vừa tới Malaysia là O. D. Hoerr và S. S. Naime. Cơ trưởng trên chuyến bay là ông G.K. Ganjoor.
19h47 phút, phi công trên máy bay liên lạc với Tháp kiểm soát không lưu Subang để báo về việc máy bay sắp hạ cánh và nhận được thông tin đường băng đã được dọn sạch, sẵn sàng cho máy bay tiếp đất.
Khoảng 19h54 phút, khi máy bay đang ở độ cao khoảng 1.200m và đang dần hạ cánh xuống đường băng số 33 ở Sân bay Subang, máy bay đột ngột tăng độ cao trở lại khi chỉ còn khoảng 2 phút nữa là hạ cánh xuống đường băng.
Cơ trưởng G.K. Ganjoor sau đó được cho là đã liên lạc lại với Tháp kiểm soát không lưu Subang, thông báo rằng trên máy bay khi đó đang có một tên không tặc chưa xác định được danh tính. Tiếp theo đó, theo thông tin từ hộp đen ghi âm buồng lái, cơ trưởng Ganjoor nói qua radio: “Chúng tôi đang trên đường tới Singapore. Chúc ngủ ngon”.
Thông tin chấn động này ngay sau đó đã được nhân viên tại trạm kiểm soát không lưu Subang thông báo với giới chức Singapore, đưa đến việc nhà chức trách ở đó đã nhanh chóng có các sự chuẩn bị khẩn cấp ở sân bay. Nhưng, lại một lần nữa máy bay “lỡ” đường băng. Đến 20h15, toàn bộ liên lạc với chuyến bay MH653 đã mất hoàn toàn.
Vụ nổ trong đêm tối
Trong lúc giới chức Malaysia và Singapore vẫn chưa xác định được chính xác chuyện gì đã xảy ra với chiếc máy bay thì khoảng nửa tiếng sau, họ nhận được thông báo cho biết đã xảy ra một vụ rơi máy bay ở bang Johor, phía Nam Malaysia.
Đống đổ nát giữa một đầm lầy ở bang Johor nhanh chóng được xác định chính là máy bay MH653. Mảnh vỡ của máy bay, thi thể của các nạn nhân và quần áo, vật dụng của họ bị bắn ra cả một khu vực rộng đến gần 3km2 xung quanh địa điểm máy bay rơi.
Một nhân chứng có mặt gần hiện trường máy bay rơi kể lại rằng anh đã nhìn thấy máy bay lắc lư rất mạnh sau đó tăng nhẹ độ cao trước khi lao xuống đầm lầy và nổ tung. Trong khi đó, một số nhân chứng lại nói rằng họ đã nhìn thấy máy bay nổ tung trên bầu trời ở khu vực Kampong Ladang, Tanjong Kupang thuộc Johor vào lúc 20h36 phút nhưng các điều tra viên về sau không tìm được bằng chứng chứng minh các thông tin này.
Từ việc phân tích hiện trường, các điều tra viên người Malaysia xác định máy bay đã lao xuống đầm lầy ở góc gần như thẳng đứng và với vận tốc rất cao. Cú đâm khủng khiếp đó đã khiến máy bay vỡ tan thành những mảnh nhỏ. 100 người có mặt trên đó, bao gồm cả cách hành khách và phi hành đoàn đều đã thiệt mạng.
Cú đâm quá mạnh đã khiến các thi thể bị tác động đến mức không thể nhận dạng được. Trước chiếc máy bay MH370, vụ rơi máy bay MH653 là vụ rơi máy bay đầu tiên của hãng hàng không Malaysia Airlines và cũng là sự cố chết chóc nhất trong lịch sử hàng không Malaysia tính đến thời điểm đó.
Bí ẩn chưa có lời giải
Ngay sau khi phát hiện xác chiếc máy bay, các điều tra viên đã được cử đến hiện trường để thu thập chứng cứ hòng xác định nguyên nhân của thảm kịch. Theo kết quả kiểm tra sau đó, không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy nguyên nhân máy bay rơi là do lỗi động cơ hay các thiết bị trên máy bay. Cũng không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy máy bay đã bị tác động trước chuyến bay.
Những thông tin này khiến các nhà điều tra cho rằng việc máy bay đã bị tấn công được cơ trưởng G.K. Ganjoor đưa ra khi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay ở Malaysia là chính xác. Họ cho rằng, chính kẻ/những kẻ tấn công khi đó đã buộc cơ trưởng Ganjoor phải điểu khiển máy bay tới Singapore thay vì tới Kuala Lumpur như lộ trình ban đầu.
Diễn tiến vụ cướp máy bay cũng như quá trình máy bay lao xuống đầm lầy cũng chưa được làm sáng tỏ dù các thiết bị ghi âm buồng lái đã ghi được khá nhiều chi tiết. Trong hộp đen ghi âm buồng lái, các nhà điều tra nghe thấy hàng loạt tiếng súng nổ vang lên trong vài phút, khiến họ nghĩ rằng cả cơ trưởng và cơ phó trên chuyến bay đã bị kẻ cướp máy bay bắn chết trước khi máy bay rơi.
Tiếp sau đó, những tiếng chửi rủa và la hét vang lên ở bên ngoài buồng lái. Việc này diễn ra chỉ ít phút trước khi máy bay rơi dấy lên giả thuyết có thể đã có người vào được bên trong buồng lái và tìm cách lấy lại quyền điều khiển máy bay nhưng vì không biết cách nên đã vô tình khiến máy bay bổ chửng và đâm sầm xuống đất.
Tuy nhiên, tất cả đều chỉ là những đồn đoán chưa được kết luận. Cho đến nay, chi tiết về vụ cướp máy bay chết chóc vẫn không được làm rõ. Người ta vẫn không biết được chính xác ai là thủ phạm, mục đích của hắn/chúng khi cướp máy bay là gì.
Để phục vụ cho việc điều tra, tất cả thi thể được thu hồi của các nạn nhân đã được chụp X-quang với hy vọng có thể phát hiện được bằng chứng nào đó về viên đạn hay vũ khí đã được sử dụng trong vụ tấn công để phục vụ cho cuộc điều tra nhưng nỗ lực này đã không thành công.
Vì thi thể của các nạn nhân đều đã bị tác động đến mức không thể nhận dạng được nên những người xấu số này sau đó đã được chôn chung trong một ngôi mộ tập thể ở khu tưởng niệm Tanjung Kupang.
Vụ rơi máy bay chấn động nói trên đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng an ninh tại các sân bay ở Malaysia. Sau vụ việc, giới chức nước này đã quyết định thành lập Đơn vị an ninh hàng không trực thuộc bộ phận Tiêu chuẩn sân bay của Bộ hàng không dân dụng Malaysia nhằm thực thi các biện pháp tăng cường an ninh tại các sân bay, tăng cường kiểm tra đối với các hành khách trước khi lên máy bay nhằm đảm bảo an toàn cho các chuyến bay được thực hiện ở nước này./.