Bí ẩn họa tiết Mạn đà la trong biểu tượng tôn giáo

(PLVN) - Mandala (phiên âm sang tiếng Việt là Mạn đà la, là một hoạ tiết hình tròn mang ý nghĩa rất đặc biệt trong Phật giáo và Ấn Độ giáo. Mandala mang ý nghĩa tượng trưng cho sự trọn vẹn, viên mãn và tròn đầy trong cuộc sống. Ngoài ra, vòng tròn này cũng mang ý nghĩa của sự tuần hoàn, vĩnh cửu và trường kỳ trong nhân gian.
(Ảnh minh họa).

Mandala là gì?

Mandala là một trong những họa tiết phổ biến nhất trong mỹ thuật với các mẫu hình tròn. Cái tên này xuất phát từ việc từ Mandala bắt nguồn từ tiếng Phạn – một ngôn ngữ của người Ấn Độ cổ xưa, có nghĩa là vòng tròn.

Tuy nhiên, xét theo Phật giáo và Ấn Độ giáo, vòng tròn là một biểu tượng rất tuyệt diệu, nó không có điểm bắt đầu cũng như không hề có điểm kết thúc. Vì vậy, Mandala là biểu tượng cho hình ảnh của vũ trụ với thế giới bên ngoài và bên trong. Theo đó, vòng tròn Mandala tượng trưng cho sự hoàn hảo, tròn đầy và viên mãn trong cuộc sống. Cùng với đó, Mandala cũng mang ý nghĩa sự tuần hoàn, trường kỳ và vĩnh cửu trong nhân gian.

Theo một ghi chép, Manlada xuất hiện ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên và du nhập vào Tây Tạng 2 thế kỷ sau đó. Mandala được lấy ý tưởng từ ngọn núi Meru của Ấn Độ. Theo đó, Mandala bao gồm một ngọn núi linh thiêng được gọi là trung tâm và bao bọc bởi 7 ngọn núi nhỏ trong một vòng tròn đồng tâm. Có 3 cõi bên trong mandala là Arupyadhatu – có nghĩa là vô sắc giới, Rapudhatu – sắc giới và Kamadhatu, tức dục giới.

Trong đạo Phật, Mandala thể hiện những khía cạnh khác nhau của giáo dục và truyền thống Phật giáo. Mandala thường tượng trưng cho một cung điện được đặt ở vị trí trung tâm, có 4 cổng theo 4 hướng và nằm trong vài vòng tròn tạo thành hàng rào bảo vệ xung quanh nó. Bên ngoài cung điện có nhiều vòng tròn đồng tâm.

Vòng ngoài cùng thường được trang trí bằng cách làm cong cách điệu giống như một vòng lửa. Mỗi lớp vòng tròn tượng trưng cho tâm linh, quá trình biến đổi phải trải qua các bước trước khi có thể tiến vào lãnh thổ thiêng liêng ở trung tâm. Vòng tròn tiếp theo bên trong là các hình tượng Phật giáo như sấm sét, kim cương, bánh xe – biểu tượng của Bát Chánh đạo, thể hiện sự mạnh mẽ, trí tuệ và bất diệt. Tiếp theo là một vòng tròn gồm tám nghĩa địa, đại diện cho 8 khía cạnh ràng buộc một con người vào chu kỳ tái sinh. Cuối cùng, vòng trong cùng được lấy ý tưởng từ cây hoa sẻ, biểu hiện sự tái sinh tôn giáo.

Tài liệu tham khảo đầu tiên về mandala được cho là tài liệu được làm từ cát trong cuốn Biên niên sử xanh, một cuốn sách cổ xưa của Phật giáo Tây Tạng còn được gọi là Kho báu của cuộc sống.

Vòng tròn Mandala với nhiều hình vẽ phức tạp thể hiện vũ trụ dưới cái nhìn của một người giác ngộ, biểu đồ sự kế thừa các sự kiện bắt đầu từ Đức Phật lịch sử 2.500 năm trước cho tới ngày nay. Ngày nay, Mandala có nhiều biến thể khá đa dạng. Các họa tiết như hoa văn hình học, bông hoa, các vị đức Phật… là những biến thể thường thấy của Mandala.

Biểu tượng của quá trình tu luyện để đạt giới hạn cao về trí tuệ, giác ngộ

Khi nhìn vào Mandala, người xem dễ dàng cảm thấy thư giãn, sảng khoái và tràn đầy năng lượng bởi khi nhìn những họa tiết này, họ sẽ chuyển toàn bộ sự chú ý của mình từ thế giới bên ngoài để tập trung vào “một thế giới khác” thể hiện trên những họa tiết ấy.

Các họa tiết Mandala còn cho thấy sự hòa hợp, yêu thương. Mandala sẽ đánh thức bản năng bên trong mỗi con người, giúp bạn thoải mái hơn trong việc thể hiện bản thân cũng như trong giao tiếp.

Từ lâu, Mandala đã có kết nối tâm linh với Phật giáo và Ấn Độ giáo. Những họa tiết này đại diện cho hành trình khám phá thế giới bên ngoài cũng như bên trong của chúng ta. Về bản chất, các lớp họa tiết đó là chi tiết ẩn dụ cho những phẩm chất mà chúng ta cần tu luyện để đạt được giới hạn cao về trí tuệ và giác ngộ vạn vật.

Ngoài ra, các nhà sư Phật giáo còn sử dụng Mandala cát tượng trưng cho sự vô thường và xem nhẹ vật chất. Còn trong Ấn Độ giáo, Mandala chính là biểu tượng kết nối giữa sự vô hình và hữu hình.

Họa tiết Mandala là một loại họa tiết được lấy ý tưởng từ Mandala nên cũng chứa nhiều ý nghĩa. Ví dụ, bánh xe 8 nan Mandala. Bánh xe từ lâu được xem là biểu tượng của sự hoạt động, vận động không ngừng nghỉ nếu như không có sự tác động từ bên ngoài.

Do đó, bánh xe 8 nan trên họa tiết Mandala cũng biểu trưng cho sự vận động, tuần hoàn nhịp nhàng trong cả vũ trụ rộng lớn. 8 nan của bánh xe Mandala tượng trưng cho Bát đạo trong Phật giáo với ý nghĩa dù theo Đạo phái nào thì chân ái của cuộc đời vẫn là giải thoát và tái sinh.

Trong khi đó, chiếc chuông tượng trưng cho sự cao quý, thông tuệ, và tinh anh nên biểu tượng chuông trên vòng tròn Mandala tượng trưng cho ý nghĩa cao đẹp hướng con người theo những âm thanh trong trẻo từ chuông vàng nguyên chất, chính là những giá trị chân thiện mỹ của cuộc sống. Tam giác là họa tiết biểu tượng cho sự cân bằng và chắc chắn trong cuộc sống và tam giác trong vòng tròn Mandala bao gồm cả tam giacsc hướng lên úp xuống trưng cho nguồn năng lượng vĩnh cửu trong cuộc sống còn các tam giác ngược tượng trưng cho những điều mới mẻ, phá cách, sáng tạo vượt ra khỏi các khuôn mẫu tự nhiên.

Hoa sen Mandala mang ý nghĩa về sự giác ngộ và thức tỉnh sâu thẳm trong tâm hồn mỗi con người. Mặt trời trong vòng tròn Mandala thì lại biểu trưng cho nguồn năng lượng vĩnh cửu và tích cực trong cuộc sống. Mặt trời Mandala cũng biểu trưng cho những giá trị cao đẹp mà con người khao khát hướng đến.

Mandala là thuật ngữ của Phật giáo Kim Cương thừa, nghĩa là sự hợp nhất của từ bi và trí tuệ. Theo nghĩa đen, Mandala chính là vũ trụ, bao gồm vòng bên ngoài và phần trung tâm tinh túy. Mandala như thể là toàn bộ vũ trụ tràn ngập tình thương yêu với tâm điểm là trí tuệ.

Nếu giải nghĩa của từ Mandala trong tiếng Phạn thì chữ Man biểu trưng cho tâm còn chữ dou (hay dala) biểu trưng cho các hành động công hạnh. Điều này mang hàm ý rằng tâm từ bi cần phải được hiện thực hóa qua các hành động chứa tình yêu thương đích thực. Phật giáo Kim Cương thừa sử dụng Mandala để hợp nhất toàn bộ vũ trụ trong sự thực hành với mục đích chính để khai triển tâm từ bi và trí tuệ. Khi từ bi - trí tuệ viên mãn đủ đầy và được hợp nhất trong tâm, lúc đó hành giả sẽ chứng đạt giác ngộ.

Ngày nay, hoạ tiết Mandala xuất hiện rất nhiều trong cuộc sống của chúng ta, phổ biến nhất là ở những tấm thảm tập yoga, rèm cửa, thậm chí là xuất hiện trong những bộ ga gối, ga giường hay thảm trải ghế sofa… Mỗi họa tiết, màu sắc được thể hiện đều mang tính biểu tượng và ý nghĩa riêng biệt.

Trong đó, màu đỏ biểu tượng cho sức mạnh, niềm đam mê và năng lượng; màu hồng là biểu tượng cho trực giác, sự nữ tính và tình yêu; màu cam biểu tượng cho sự sáng tạo, trực giác, biến đổi và tự nhận thức; màu xanh lá là biểu tượng của khả năng ngoại cảm, tình yêu thiên nhiên…

Ngoài ra, các biểu tượng trên Mandala cũng có ý nghĩa riêng biệt. Ví dụ, cây cối – vốn thường là biểu tượng của con người, bao gồm phần gốc rễ tượng trưng cho quá khứ, thân cây như cột sống còn các nhánh cây thể hiện sự tiếp tục phát triển và vươn lên…

Trên Mandala cũng thường xuất hiện hình ảnh các loài động vật, trong đó phổ biến nhất là con voi. Mê cung cũng là họa tiết thường xuất hiện trên mandala, đại diện cho con đường hoặc hành trình mà đỉnh điểm là cảm giác trọn vẹn và được giác ngộ. Hình tượng mặt trời có thể đại diện cho vũ trụ và thường mang những ý nghĩa liên quan đến sự sống, năng lượng bởi mặt trời hỗ trợ sự phát triển và duy trì sự sống trên hành tinh.

Đọc thêm