Bí ẩn lời nguyền trên đảo chứa tiền nổi tiếng Canada

(PLVN) - Những người tìm vận may thi lũ lượt kéo đến đảo Oak của Can-ada. Cuộc săn tìm kho báu trên đảo này kéo dài và đắt đỏ nhất thế giới đến nay vẫn là bí ẩn nổi tiếng, những người may mắn thì nhặt được vài đồng tiền cổ, còn kẻ bạc phận thì có khi phải bỏ mạng vì lời nguyền chết chóc... 
Đảo Oak (Canada)
Đảo Oak (Canada)

Phát hiện tình cờ của những cậu bé

Nằm ngoài khơi bờ biển của Canada, đảo Oak là một trong số khoảng 360 đảo thuộc Vịnh Mahone, tĩnh lặng và xinh đẹp. Tuy nhiên, đằng sau sự tĩnh lặng đó lại là một câu chuyện dài, bao gồm cả sự bí hiểm và cả những bi kịch. Từ các học giả cho tới những nhà thám hiểm, nhiều người đã tìm đến đây với hy vọng có thể giải mã được bí ẩn về sự tồn tại của một Hố Tiền trên đảo. 

Câu chuyện của Hố Tiền trên đảo Oak bắt đầu vào năm 1795, khi một thiếu niên tên Daniel McGinnis từ ngôi nhà ven biển của mình nhìn thấy những luồng ánh sáng kỳ lạ phát ra từ đảo Oak. Khi tới đảo để tìm hiểu vào ngày hôm sau, Daniel phát hiện một hố đặc biệt có đường kính khoảng hơn 3m trong khu rừng trên đảo. Nhìn xung quanh, cậu bé phát hiện một số cây sồi xung quanh hố cũng biến mất và một hố nông ở gần đó. Trở về nhà, Daniel rủ thêm 2 người bạn là John Smith và Anthony Vaughan tiếp tục tới đảo để tìm kiếm. 

Sở dĩ nhóm thiếu niên tỏ ra vô cùng háo hức với việc tìm kiếm như vậy là do khoảng thời gian từ năm 1690 đến 1730 được cho là “Kỷ nguyên vàng của cướp biển”. Ở thời kỳ đó, những tên cướp biển được cho là thường xuyên đến những khu vực ở gần đảo Oak. Với địa hình nhiều cây cối lại không có người ở, hòn đảo này được xem là nơi lý tưởng để những tên cướp biển giấu những kho báu khổng lồ mà chúng cướp được.

Một góc thành phố Oak hiện đại của đất nước Canada
Một góc thành phố Oak hiện đại của đất nước Canada 

Trên thực tế, thuyền trưởng William Kidd - một trong những tên cướp biển khét tiếng từng thừa nhận đã chôn kho báu của hắn ở đảo này trước khi bị bắt giữ vào năm 1699. Hầu hết các ý kiến cho rằng, trên đảo Oak có chôn kho báu của tên cướp biển nổi tiếng này. 

Trở lại cuộc tìm kiếm, đào sâu xuống khoảng 1m từ mặt đất ở khu vực khả nghi, Daniel và các bạn phát hiện một phiến đá che giấu một đường hầm ở phía dưới. Càng luồn sâu vào lòng đất, đường kính của đường hầm càng bé đi. Đến độ sâu khoảng 3m, những cậu bé phát hiện đường hầm đã bị chắn lại bằng những thanh gỗ. Không từ bỏ, chúng tiếp tục đào sâu thêm. Nhưng khi đào sâu xuống khoảng 7m, nhóm thiếu niên lại vấp phải một lớp gỗ khác. Trở lại vài tuần tiếp tục đào xới nhưng không phát hiện điều gì khả quan sau đó, những cậu bé đã quyết định bỏ cuộc. 

Những cuộc tìm kiếm liên tiếp 

Cuộc tìm kiếm trên đảo Oak tiếp tục vào năm 1803, khi một người họ hàng của Anthony là ông Simeon Lynds cùng Đại tá Robert Archibald, thuyền trưởng David Archibald và Cảnh sát trưởng Thomas Harris lập Công ty Onslow với mục đích duy nhất là tìm kiếm kho báu trên đảo Oak. Nỗ lực đào bới của Công ty Onslow bắt đầu vào năm 1804. Họ phát hiện một lớp sợi dừa trên những mảnh gỗ ở sâu trong lòng đất trong đường hầm trên đảo. Đây được đánh giá là một phát hiện quan trọng bởi xơ dừa đó không phải là từ Canada. Thêm vào đó, xơ dừa thường được dùng để bảo quản những kho hàng có giá trị trên những thuyền buôn hoạt động ở Ca¬ribbe. Vì vậy, việc phát hiện lớp xơ dừa được cho là chỉ dấu cho thấy sự tồn tại của những món đồ có giá trị ở sâu dưới lớp gỗ trong đường hầm. 

Đào đến độ sâu gần 30m, nhóm thợ phát hiện một phiến đá lớn. Trên bề mặt phiến đá là những biểu tượng lạ lùng, trong đó mỗi chữ viết đều là sự kết hợp đặc biệt của những đường kẻ, mũi tên và dấu chấm. Trong suốt nhiều thập kỷ sau, chính phiến đá này là vật thu hút sự chú ý của những thợ săn kho báu, trở thành động lực để họ tìm đến đảo Oak tìm kho báu bí ẩn. Thông điệp được mã hóa trên phiến đá trở thành một ẩn số quan trọng trong cuộc tìm kiếm này. 

Các nguồn tin từ những người quan tâm đến kho báu trên đảo Oak cho rằng, vào năm 1860, giáo sư về ngôn ngữ James Leitchi của trường Đại học Dal¬housie đã thành công trong việc giải mã thông điệp trên phiến đá. Theo đó, trên phiến đá là dòng chữ: “40 thước phía dưới, 2 triệu bảng đang được chôn”. Với việc nhóm tìm kiếm đã đào xuống độ sâu 90 thước, nhóm tìm kiếm quyết định sẽ đào tiếp xuống độ sâu 130 thước. Tuy nhiên, khi đào sâu thêm, họ phát hiện đường hầm đã ngập nước và không thể làm hết nước để tìm kiếm. Dù đã huy động máy bơm vừa hút nước vừa đào nhưng đến năm 1805, công ty Onslow đã phải từ bỏ do hết nguồn lực tài chính. 

Hơn 40 năm sau đó, năm 1849, cậu bé Anthony Vaughan năm nào quyết định thành lập công ty Truro với mục đích tìm kiếm kho báu. Cậu ta cũng viện đến sự giúp đỡ của những chuyên gia của công ty Onslow nhưng rồi cũng buộc phải từ bỏ tham vọng của mình do nước càng ngày càng ngập sâu vào đường hầm trên đảo Oak dù đã phát hiện được 3 mắt xích của một sợi dây chuyền vàng trong quá trình tìm kiếm. 

Những bi kịch liên tiếp 

Nỗ lực tìm kiếm kho báu trên đảo Oak tiếp theo đến từ Công ty Hiệp hội đảo Oak, bắt đầu vào mùa xuân năm 1861. Mùa xuân cùng năm, khi công ty tìm cách hút khô đường hầm, một nồi hơi đã phát nổ, khiến 1 người thiệt mạng và vài người khác bị thương, đánh dấu trường hợp tử vong đầu tiên trong cuộc tìm kiếm Hố Tiền trên đảo. Dù vậy nhưng phải đến năm 1866, Hiệp hội đảo Oak mới chịu chấm dứt chiến dịch tốn kém và chết chóc ở đảo Oak. 

Bi kịch thứ 2 trong cuộc săn lùng kho báu trên đảo Oak xảy ra vào ngày 26/3/1897, khi một người đàn ông tên Maynard Kaiser bị rơi khỏi ròng rọc trong quá trình khoan trong lòng hầm và tử vong. Tai nạn này khiến một số người tìm kiếm tin rằng kho báu đang được những hồn ma bảo vệ và từ chối tiếp tục tìm kiếm. Dù vậy nhưng dòng người tìm đến đảo Oak với hy vọng tìm được kho báu vẫn lũ lượt tiếp diễn. Đáng chú ý, năm 1909, ở tuổi 27, ông Franklin Delano Roosevelt – người sau này trở thành tổng thống Mỹ - cũng đã đến đây với giấc mộng tìm được Hố Tiền. 

Kể từ khi được phát hiện vào năm 1795, đã có nhiều câu chuyện kỳ bí liên quan đến bí ẩn của đảo Oak, trong đó có lời nguyền cho rằng kho báu trên đảo sẽ chỉ được phát hiện sau khi có 7 người chết trong cuộc tìm kiếm. Trong số những bi kịch nổi tiếng nhất liên quan đến lời nguyền này có số phận của gia đình Robert Restall - một người đàn ông nổi tiếng vì ưa thích mạo hiểm. 

Năm 1959, Restall cùng con trai bắt đầu đến hòn đảo nhỏ để tìm Hố Tiền. Bi kịch của gia đình ông xảy đến vào ngày 17/8/1965 - ngày Robert dự định sẽ đi thăm vợ con ở đất liền. Song, trước khi đi, ông đã đến đường hầm để thị sát việc đào xới. Không may cho Robert, ông đã bị ngộ độc khí vào rơi xuống hầm. Trong nỗ lực để cứu cha, con trai cả của Robert cũng chịu chung số phận. Ngoài ra, 2 công nhân khác làm việc ở hiện trường cũng bị ngộ độc khí, số người thiệt mạng trong ngày hôm đó là 4 người và tổng số người thiệt mạng vì Hố Tiền đã lên đến con số 6. 

Dù liên tiếp có những thảm kịch xảy ra nhưng đảo Oak vẫn hiếm khi vắng bóng những thợ săn kho báu. Những vấn đề xảy ra trong quá trình này chính là tiền để năm 1954 chính phủ Canada ban hành Đạo luật săn tìm kho báu nhằm điều chỉnh các hoạt động tìm kiếm kho báu diễn ra ở nước này. Những quy định về tài chính sau đó đã khiến số lượng các cuộc tìm kiếm kho báu ở đảo Oak sau đó giảm dần.

Thay vào đó, ngành công nghiệp du lịch đến đảo lại vô cùng phát triển. Cho đến nay, trên đảo Oak, người ta đã tìm được những đồng tiền cổ và một số cổ vật như những chiếc rìu từ những năm 1710-1730, trâm cài đầu hình Nữ hoàng Victoria... Tuy nhiên, kho báu được cho là đang được chôn giấu dưới Hố Tiền vẫn là bí ẩn chưa có lời giải đáp.

Đọc thêm