Mục tiêu khủng bố
Đọc Thông điệp Liên bang là một sự kiện thường niên quan trọng của Tổng thống Mỹ. Đây là dịp để Tổng thống điểm lại những thành tựu năm qua và trình bày phương hướng, chính sách đối nội, đối ngoại trong năm tới.
Bởi lẽ đó nên trong buổi Tổng thống trình bày Thông điệp Liên bang, tất cả Bộ trưởng trong nội các đều đến lắng nghe. Tuy nhiên, có một người muốn hay không cũng buộc phải vắng mặt. Đó chính là người được chỉ định làm "người sống sót".
Ngồi ngay sau bục phát biểu của ông là Phó tổng thống và Chủ tịch Hạ viện, người đầu tiên và thứ hai trong danh sách kế nhiệm tổng thống nếu ông đột ngột bị mất năng lực thực thi chức vụ (bị bệnh nặng, qua đời hoặc từ chức).
Cùng tham dự buổi đọc Thông điệp Liên bang là phần lớn thành viên nội các, gồm Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Tư pháp được xem là 4 quan chức cao cấp nhất trong chính phủ; cùng hàng trăm nghị sĩ và thượng nghị sĩ; các thẩm phán cao cấp nhất của đất nước cùng nhiều lãnh đạo cơ quan liên bang.
Do vậy, Thông điệp Liên bang được xem là cơ hội hàng đầu để tấn công khủng bố, khi chỉ cần nhắm vào một địa điểm duy nhất mà có thể “quét sạch” được toàn bộ chính quyền.
Để ngăn ngừa nguy cơ, vào trước buổi đọc Thông điệp Liên bang, một quan chức trong nội các sẽ được chỉ định là “người sống sót” để sẵn sàng trở thành người kế nhiệm của Tổng thống và dẫn dắt đất nước nếu một vụ khủng bố quy mô lớn khiến toàn bộ lãnh đạo thiệt mạng thực sự xảy ra. CNN cho biết cách làm này được thiết lập từ thập niên 1960 trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh vốn tràn ngập nỗi lo về một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Do “người sống sót” được chỉ định sẽ kế thừa chức Tổng thống, nên ông cũng phải đáp ứng những tiêu chuẩn để trở thành tổng thống theo hiến pháp Mỹ, như trên 35 tuổi và phải sinh ra tại Mỹ.
|
Người đầu tiên được lựa chọn là “người sống sót chỉ định” là ông Samuel R. Pierce Jr., cựu Bộ trưởng Nhà ở và Phát triển đô thị dưới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan vào năm 1984. |
Trước khi buổi đọc Thông điệp Liên bang diễn ra, “người sống xót chỉ định” đã được đưa tới một địa điểm bí mật an toàn ở ngoài thủ đô Washington D.C. cùng với một đội ngũ nhân viên Sở Mật vụ cho đến khi buổi lễ kết thúc.
Chỉ khi nào Tổng thống cùng các thành viên Nội các an toàn rời khỏi phòng họp Hạ viện, “người sống xót chỉ định” mới được phép trở về nhà.
Theo văn phòng lưu trữ lịch sử của Thượng viện, chính phủ Mỹ bắt đầu chỉ định "người sống sót" kể từ đầu những năm 1960 của thế kỷ trước hoặc "có lẽ còn sớm hơn thế". Đây là một sự kiện chính trị lẫn một trách nhiệm pháp lý truyền thống từ thời lập quốc của nước Mỹ.
Cho đến tận thập niên 80, Nhà Trắng không công bố danh tính của người được lựa chọn. 16 "người sống sót được chỉ định" gần đây nhất đều là đàn ông, chỉ có hai người phụ nữ từng nắm giữ trọng trách này trong suốt 24 năm qua. Lưỡng đảng, Dân chủ và Cộng hòa, đều có tiếng nói trong việc lựa chọn "người sống sót" để dẫn dắt một chính quyền giả định nếu xảy ra thảm kịch.
Từ khi xảy ra sự kiện khủng bố 11/9, vị trí “người sống sót chỉ định” đã bắt đầu được Mỹ chú ý hơn. Các nhân vật được chọn sẽ được đưa đến một nơi bí ẩn và không được phép trả lời truyền thông về trải nghiệm của họ.
Năm 1986, Bộ trưởng Nông nghiệp John Block thay vì đến tham gia bài phát biểu thông điệp liên bang của ông Reagan ở nghị viện, đã đến nhà bạn ở vịnh Montego, Jamaica dưới cương vị “người sống sót chỉ định”.
Năm 1990, cựu Bộ trưởng Cựu chiến binh Ed Derwinski được lựa chọn là người thay thế cho cựu Tổng thống George H. W. Bush. Ông đã gọi món bánh Pizza về nhà ăn trong khi được canh gác nghiêm ngặt bởi lực lượng an ninh xung quanh.
Năm 1996, cựu Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Donna Shalala đã chọn Nhà Trắng là nơi bà ở lại và theo dõi bài phát biểu của Tổng thống Bill Clinton.
Cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Dan Glickman năm 1997 đã đi thăm con gái ở Manhattan, New York khi ông Bill Clinton đang phát biểu tại nghị viện.
Năm 2010, Mỹ lựa chọn tới 2 “người sống sót chỉ định”, gồm cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đang công du ở London (Anh) và cựu Bộ trưởng Nhà ở và Phát triển Đô thị Shaun Donovan. Trong trường hợp Tổng thống Barack Obama xảy ra vấn đề và không thể tiếp tục điều hành nước Mỹ, bà Clinton sẽ là người được thay thế. Tuy nhiên, do địa điểm của bà đã bị lộ nên ông Donovan đã được lựa chọn làm người thay thế thứ 2.
Bộ trưởng Perdue được chỉ là “người được chọn” trong lần đọc Thông điệp Liên bang 2018 của Tổng thống Trump, nếu xét về mức độ “kế vị” Tổng thống, ông Perdue xếp thứ hạng khá thấp, 9/17 người.
Việc lựa chọn một thành viên Nội các không mấy tiếng tăm để trở thành “Người sống sót chỉ định” cũng không phải là điều bất thường vì trong các buổi đọc Thông điệp Liên bang, Tổng thống thường nêu danh các vị quan chức cấp cao.
Nỗi niềm “người sống sót”
Công việc của “người sống sót” mang đến nhiều những cảm xúc cho người được lựa chọn. Họ được mật vụ bảo vệ và đưa đến những nơi ít ngờ. Là "người sống sót được chỉ định" tại Thông điệp Liên bang vào năm 1996, cựu Bộ trưởng y tế Donna Shalala dưới thời Bill Clinton cho biết, bà theo dõi bài diễn văn của Tổng thống trước Thượng viện và Hạ viện từ chính Phòng Roosevelt tại Nhà Trắng.
Trong khi đó, “người sống sót” Dan Glickman, cựu Bộ trưởng Nông nghiệp, rời khỏi Thủ đô Washington D.C. và đến thăm con gái ở New York khi Tổng thống Bill Clinton đọc Thông điệp Liên bang năm 1997. Ông Glickman kể rằng sau bài diễn văn, ông đã đi bộ qua 10 dãy nhà trong mưa và tuyết lạnh để quay trở về căn hộ của con gái.
"Tôi vẫn không thể tưởng tượng được mới chỉ ba tiếng trước đó thôi tôi là người đàn ông quyền lực nhất thế giới còn sau khi Thông điệp Liên bang kết thúc, thậm chí tôi còn chẳng thể gọi nổi một chiếc taxi. Kỷ niệm đó nhắc nhở tôi một điều rằng, quyền lực có thể dễ dàng trôi qua tay ta như thế nào", cựu Bộ trưởng Nông nghiệp nhớ lại.
|
Cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Dan Glickman năm 1997 đã đi thăm con gái ở Manhattan, New York khi ông Bill Clinton đang phát biểu tại nghị viện. (Ảnh: AP) |
Còn với ông Bill Richardson, Bộ trưởng Năng lượng trong chính quyền Tổng thống Bill Clinton, từng là “người sống sót” kể lại, ông cùng gia đình đã chuyển đến vùng Oxford, bang Maryland trong vài ngày, sinh hoạt trong một phạm vi được Cơ quan Mật vụ bảo vệ trong thời gian diễn ra thông điệp liên bang.
Sau khi Tổng thống Clinton đã trở về Nhà Trắng an toàn, đội mật vụ mới đến gặp ông để thông báo kết thúc nhiệm vụ; sau đó họ trở về Washington. “Thú thật tôi cũng rất cảnh giác trong khoảng thời gian Tổng thống phát biểu”, ông Richardson nhớ lại.
Theo lý giải của các chuyên gia luật pháp Mỹ, từ khi thông lệ ra đời, “người chỉ định sống sót” chỉ là những quan chức phụ trách các bộ được đánh giá ít quan trọng trong chính quyền Mỹ như Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Phát triển nhà ở và Đô thị…
Được bảo vệ nghiêm ngặt, được sống “như Tổng thống” trong quãng thời gian khoảng 120 phút trong những thời khắc quan trọng, nhưng những “người sống sót được chỉ định” chỉ là những “nhân vật phụ”.
Họ chỉ có “vai chính” khi thảm họa, sự cố nghiêm trọng xảy ra, đặc biệt xấu cùng lúc với toàn bộ Nội các đang hiện diện ở nơi có mức độ an ninh cao nhất. Nhưng điều này chưa từng thấy trong suốt 6 thập kỷ qua trong lòng nước Mỹ.