Bí ẩn rợn người khiến lăng mộ Võ Tắc Thiên ngàn năm vẫn bất khả xâm phạm

(PLVN) - Trong số ít những lăng tẩm đế vương Trung Hoa vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay thì nơi an nghỉ của Nữ đế Võ Tắc Thiên là một trong những lăng mộ sở hữu nhiều bí ẩn nhất, với gần 20 lượt xâm lăng trong hơn một thiên niên kỷ qua và không lần nào thành công. Ngày nay, người đời vẫn kể cho nhau nghe những giai thoại về “lời nguyền” của Càn Lăng - nơi an táng Võ Tắc Thiên cùng người chồng là Đường Cao Tông Lý Trị.
Võ Tắc Thiên bước lên ngai vị Nữ hoàng lập ra nhà Chu (ảnh minh họa).
Võ Tắc Thiên bước lên ngai vị Nữ hoàng lập ra nhà Chu (ảnh minh họa).

Lăng tẩm bí ẩn nhất thế giới

Võ Tắc Thiên (624-705), thường được gọi là Vũ Tắc Thiên hay Võ hậu hoặc Thiên hậu. Bà từng là một phi tần trong hậu cung của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, sau đó lại trở thành Hoàng hậu của Cao Tông Lý Trị và cuối cùng quang minh chính đại bước lên ngai vị Nữ đế lập ra nhà Võ Chu. Trong số ít những người phụ nữ nắm quyền của lịch sử Trung Hoa, Võ Tắc Thiên chính là Nữ hoàng đế duy nhất được chính sử công nhận. Tại vị trên ngai vàng trong 15 năm, bà đã thi hành nhiều chính sách có lợi cho quốc gia như mở mang lãnh thổ, khuyến khích phát triển Phật giáo, tăng cường phát triển kinh tế - xã hội...

Tuy nhiên trong xã hội Trung Hoa đặt nặng quan niệm “trọng nam khinh nữ” như thời bấy giờ, việc một người phụ nữ như Võ Tắc Thiên lên ngôi lại trở thành cái gai trong mắt nhiều người. Đây cũng là lý do mà vào năm 705, Tể tướng đương triều cùng các đại thần đã phát động binh biến ép Võ hậu thoái vị và đưa Đường Trung Tông lên ngôi. Giang sơn nhà Lý Đường với sự thống trị của các nam Hoàng đế nhà họ Lý cũng nhờ vậy mà được phục dựng lại, còn Võ Tắc Thiên sau đó bị giam lỏng tại biệt cung cho đến khi qua đời ở tuổi 82.

Theo di nguyện trước lúc lâm chung, di hài của Võ Tắc Thiên được hợp táng vào Càn Lăng cùng Hoàng đế Đường Cao Tông. Nơi an nghỉ của Võ Tắc Thiên và Hoàng đế Đường Cao Tông toạ lạc trên đỉnh núi Lương Sơn, nay trở thành công trình kiến trúc nổi tiếng thuộc huyện Càn, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Càn Lăng được xây dựng từ năm 684 và phải xây ròng rã trong suốt 23 năm sau mới hoàn thành.

Thời điểm xây lăng cũng là lúc đất nước thịnh trị, quốc thái dân an nên quy mô của lăng rất lớn. Mô phỏng theo thành Tràng An (kinh đô nhà Đường), kết cấu của Càn Lăng bao gồm hoàng thành, cung thành và ngoại quách. Đường trục chính của lăng theo hướng Nam - Bắc dài tới 4,9km. Chu vi cung thành là 19km, chu vi ngoại thành khoảng 130km và sân trong của lăng gồm 308 phòng. Quãng đường từ cổng lăng đi vào cửa hầm mộ dài 631m được lát đá lớn. Theo khảo sát khảo cổ, tổng diện tích lăng mộ khoảng 2,3 triệu mét vuông. 

Lăng mộ Võ Tắc Thiên được cho là bất khả xâm phạm.
 Lăng mộ Võ Tắc Thiên được cho là bất khả xâm phạm.

Sâu bên trong lăng mộ là tấm bia khổng lồ cao 7,5m, nặng gần 100 tấn, trên đó không ghi chữ nào, được gọi là “Vô tự bia”. Đối với tấm bia này, người đời còn nhiều tranh cãi về nguyên nhân tại sao Võ Tắc Thiên lại lập tấm bia không chữ đó. Song có 3 quan điểm chủ yếu như sau: Quan điểm thứ nhất cho rằng bản thân Võ Tắc Thiên là người công cao đức trọng, công lao của bà không thể nào ghi hết trên một tấm bia.

Bà cho rằng, mặc dù làm thân nữ nhi, nhưng Cao Tông là kẻ tầm thường, còn bà tài năng tuyệt đối hơn hẳn Cao Tông, hơn nữa trong thời gian bà chấp chính, xã hội an bình, nhân dân an cư lạc nghiệp, đây có thể coi là một chính tích to lớn của bà. Nhưng một điều đáng tiếc là, thời đó nhiều người coi Võ đế là kẻ đi ngược lại giang sơn xã tắc nhà Đường, rằng bà là kẻ phản nghịch nên đối với những công lao của bà, họ coi như không có. Chính vì thế, Võ Tắc Thiên lập tấm bia trống là hàm ý những công lao to lớn của bà để người đời sau tự kể ra và ghi chép lại.

Quan điểm thứ hai cho rằng Võ Tắc Thiên biết mình có tội lớn, thay vì để hậu thế cười chê chi bằng không chạm chữ nào lên bia. Có ý kiến cho rằng, sau khi Võ Tắc Thiên lập ra triều đại nhà Chu, trong lòng cảm thấy hổ thẹn bất an, chuyên tâm nghĩ rằng sau khi mình chết đi, giang sơn xã tắc sẽ trả về cho dân nhà Đường. Tuy nhiên, có những chuyện xảy ra trong quãng thời gian bà chấp chính khiến bà không có lòng tin vào điều đó, càng sợ người đời quở trách bà về tội cướp ngôi, thành ra bà để lại một tấm bia không chữ cũng là để tự mình chuộc lỗi. 

Quan điểm thứ ba là Võ Tắc Thiên muốn để hậu thế bình xét cả cuộc đời của bà. Quan điểm này so với quan điểm trước hoàn toàn tương phản. Theo quan điểm này thì Võ Tắc Thiên rất tự hào về bản thân mình. Là người thuộc hàng nữ lưu không thể làm ngơ với việc tranh giành chính trị, hơn nữa bà còn đạt tới đỉnh cao của quyền lực.

61 bức tượng không đầu bên ngoài Càn Lăng.

61 bức tượng không đầu bên ngoài Càn Lăng. 

Bà muốn người đời công bằng mà bình xét tài năng văn trị võ công của bà, và bà muốn công kích sự khẳng định của người con trai thứ ba Lý Hiển về bà là không khách quan, không công bằng. Chính vì xét thấy như vậy nên Võ Tắc Thiên muốn giao hết công tội cả đời mình cho người đời sau phán xét. Quan điểm thứ ba này so với các quan điểm khác đều rất có lý đến nỗi mà cho đến bây giờ vẫn chưa có gì chứng tỏ được quan điểm nào mới là chủ ý ban đầu của Võ Tắc Thiên.

Lăng mộ của Võ Tắc Thiên cũng ẩn chứa một bí ẩn mà đến nay chưa có lời giải đáp thoả đáng. Đó là đường vào lăng mộ có 61 bức tượng người, 32 bức tượng ở phía Tây và 29 bức tượng ở phía Đông. Tuy nhiên, đặc điểm chung của những bức tượng này là đều mất đầu nhưng lý do tại sao bị như vậy thì vẫn chưa rõ. Thông qua ghi chép lịch sử và trang phục của những bức tượng này thì đó được cho là quan chức của Tây Vực cũng như hoàng thân, sứ thần của các nước láng giềng. Vậy phần đầu của những bức tượng này đang ở đâu, lý do tại sao lại bị mất đầu như vậy? 

Có người cho rằng trong cuộc nổi dậy của An Thạch, đạo quân nghĩ rằng những bức tượng đá này là một sự sỉ nhục với họ nên đã phá hủy chúng. Cũng có người tin rằng một dịch bệnh đã xảy ra vào thời nhà Minh, người dân cho rằng chính những bức tượng này đã gây ra nên mới phá hủy chúng. Mãi sau đó, một người dân sống trên núi Lương Sơn đang đi cuốc đất mới phát hiện một vật cứng, đào lên thì thấy một đầu người điêu khắc bằng đá, sau đó chính quyền kết luận đây chính là phần đầu trong số 61 bức tượng trong Càn Lăng. 

Các nhà địa chất cho biết vào năm thứ 35 của triều đại nhà Minh (1556) từng có một trận động đất dữ dội, mạnh từ 8-11 độ richter xảy ra tại tỉnh Thiểm Tây. Chính vì thế, Càn Lăng cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Do cấu trúc không vững chắc, phần đầu của những bức tượng trên mới vỡ ra và lăn xuống dưới, bị chôn vùi trong đất cát. Cho đến nay, đây là lời giải thích hợp lý nhất về 61 bức tượng không đầu bên ngoài lăng mộ Võ Tắc Thiên.

Mảnh đất ứng hợp với âm dương nhị nghi

Theo ghi chép trong sử sách thì sau khi Đường Cao Tông mất ở Lạc Dương, con cháu Đường thất chủ trương xây lăng mộ ở Lạc Dương. Nhưng Võ Tắc Thiên vì muốn tôn trọng di nguyện của Cao Tông nên quyết định đã chọn mảnh cát địa trên cao nguyên Vị Bắc. Ngay lập tức triều đình đã tuyển chọn được 2 phương sĩ nổi tiếng nhất là Viên Thiên Cương - nhà tinh tướng học nổi tiếng Tứ Xuyên và Lý Thuần Phong thái sử lệnh, đồng thời chuyên phụ trách âm dương và thiên văn lịch pháp của hoàng cung.

Viên Thiên Cương sau khi tiếp chỉ vội vã tìm dọc hai bên bờ Hoàng Hà đều không tìm được mảnh đất nào như ý. Sau khi đến bình nguyên Quan Trung (bình nguyên Vị Hà), một hôm vào giờ Tý nửa đêm quan sát thiên tướng bỗng thấy một dãy núi có mây tím ngút trời liền vội vàng chạy đến tìm phương hướng. Nhưng trong suốt một canh giờ không tìm thấy vật gì có thể đánh dấu bèn lấy ra được một đồng tiền, xới đất phủ lên làm dấu rồi xuống núi quay về triều phục mệnh. 

Lý Thuần Phong sau khi tiếp chỉ cũng men theo hướng Bắc dòng Vị Thủy để tìm bảo địa. Một hôm giữa trưa, khi ánh mặt trời đang chiếu rực rỡ, ông ta nhìn thấy 5 ngọn núi đá nhô lên vô cùng kì lạ trên bình nguyên Tần Xuyên. Nếu nhìn từ Nam đến Bắc trông giống như một thiếu nữ đang ngủ trên mây trắng lưng trời. Người thiếu nữ đó ngũ quan đầy đặn.

Đôi bồng đào săn chắc đối xứng, ngay đến nhũ hoa và rốn cũng rất rõ. Điều khiến cho ông ta cảm thấy kinh ngạc hơn đó là đôi chân của thiếu phụ cũng hiện lên rất rõ ràng, ở giữa còn có một dòng suối xanh thẫm nước chảy không ngừng. Lý Thuần Phong cảm thấy vô cùng kinh ngạc liền gieo quẻ bát quái, biết đây chính là mảnh phong thủy bảo địa nên rút trâm cài tóc đánh dấu rồi vội vàng hồi kinh.

Hàng ngàn năm qua, xung quanh lăng mộ Võ Tắc Thiên là những câu chuyện bí ẩn rợn người.
Hàng ngàn năm qua, xung quanh lăng mộ Võ Tắc Thiên là những câu chuyện bí ẩn rợn người.   

Sau khi nghe hai người nói cùng một chỗ mà chọn được mảnh cát địa, Võ Tắc Thiên bèn phái người đi kiểm tra. Khi đại thần đến Lương Sơn thì kinh ngạc tột độ vì hóa ra cây trâm cài tóc mà Lý Thuần Phong đánh dấu cũng chính là nơi mà Viên Thiên Cương đặt đồng tiền. Võ Tắc Thiên liền ra lệnh lập tức khởi công xây dựng Càn Lăng, an táng Đường Cao Tông. Sau này Võ Tắc Thiên cũng hợp táng cùng chồng tại đây.

Địa hình địa mạo của Càn Lăng hoàn toàn ứng hợp với Âm Đương nhị nghi. Trời đất dung hòa, và sự kết hợp hoàn mĩ đạt đến độ tuyệt diệu. Càn chính là Thiên thuộc Dương, Khôn là Đất thuộc Âm. Âm Dương giao hợp sẽ sinh vạn vật.

Càn Lăng tuy đã trải qua ngàn năm bể dâu nhưng vẫn hiện hữu. Mộ đạo đã nhiều lần đào bới nhưng cũng đành bó tay. Thậm chí, ngay đến cửa lăng, mộ đạo cũng không thể tìm thấy vì thế mảnh sơn thủy bảo địa này đã thực sự bảo vệ được sự bình yên cho giấc ngủ thiên thu của long thể. Nhưng có cổ nhân chỉ ra rằng, tuy phong thủy của Lương Sơn rất đẹp nhưng nó lợi Dương chứ không lợi Âm. Võ Tắc Thiên chọn nơi đây làm lăng mộ của mình và chồng là vì muốn đời đời con cháu Võ gia sau này được hưng thịnh.

Vì Càn Lăng là nơi hợp táng đến 2 vị Hoàng đế nên ước tính về báu vật trong đây được xem là con số cực kỳ lớn. Do vậy, việc Càn Lăng luôn là con mồi hấp dẫn đối với các đạo chích không phải là chuyện bất ngờ. Theo sử sách ghi chép, Càn Lăng đã tồn tại được hơn 1.300 năm, trải qua hơn 17 lần xâm chiếm nhưng tất cả đều phải đầu hàng trước một lời nguyền rùng rợn mà đến ngày nay vẫn chưa có lời giải đáp. Trong số đó, có 3 vụ trộm mộ nghiêm trọng xảy ra vào 3 thời kỳ khác nhau.

Lời nguyền rùng rợn

Lần đầu tiên, vụ trộm Càn Lăng xảy ra vào cuối thời nhà Đường khi nghĩa quân của Hoàng Sào dấy binh tạo phản. Theo sử sách ghi chép, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa này đã đem 40 vạn binh đến tấn công Lương Sơn, thậm chí còn vạt hơn một nửa quả đồi. Tuy nhiên, điều kỳ lạ rằng, dù có đào xới tứ tung tới đâu thì cũng không thể tìm được phương hướng để tiếp cận mộ của Võ Tắc Thiên. Âm mưu trộm mộ cũng vì vậy mà bị phá hỏng từ trong trứng nước.

Lần thứ hai, vụ trộm Càn Lăng xảy ra dưới thời Ngũ Đại thập quốc, do Tiết độ sứ Diệu Châu là Ôn Thao cầm đầu. Người này đã từng đào trộm 17 ngôi mộ hoàng gia nhà Đường, vì vậy mộ tặc họ Ôn tin rằng với tài năng của mình, việc xâm chiếm Càn Lăng chỉ nằm trong lòng bàn tay. Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính, khi binh lính của Ôn Thao đào bới Càn Lăng thì trời đang trong xanh bất ngờ trở nên mù mịt âm u, gió thổi như lốc tưởng chừng như muốn cuốn phăng mọi thứ.

Cũng chính vì vậy mà nhóm mộ tặc đã buộc phải dừng tay nửa chừng. Thế nhưng điều kỳ lạ là khi bọn chúng dừng tay thì trời lại trong xanh và ngược lại khi dự định tiếp tục hành động của mình thì tiết trời lại mịt mù như sắp có bão. Thậm chí, có những mộ tắc bất chấp đào mộ thì nhóm người của Ôn Thao hết kẻ này đến kẻ khác bỏ mạng vì gặp tai nạn hoặc bệnh tật. Sau đó vì quá sợ hãi, những kẻ này đã  sớm “bỏ của chạy lấy người” và không dám có ý định xâm phạm Càn Lăng thêm lần nữa.

Nghiêm trọng nhất chính là lần thứ ba, vụ trộm Càn Lăng xảy ra vào thời kỳ Dân quốc do tướng quân Tôn Liên Trọng cầm đầu. Để xâm chiếm Càn Lăng, tướng quân họ Tôn này đã lấy danh nghĩa diễn tập quân sự để huy động binh đoàn, dùng thuốc nổ để phá 3 tầng nham thạch vào trong núi. Thế nhưng, cũng giống như Ôn Thao, Tôn Liên Trọng và đội quân của mình đã phải đối diện với những hiện tượng hết sức rùng rợn. Tương truyền rằng, trong đợt nã pháo thứ nhất, bên trong lăng mộ Võ Tắc Thiên bỗng tỏa ra làn khói trắng rồi vần vũ xung quanh đám người ở đó rồi bay lên trời hóa thành gió bão khiến trời đất tối tăm, mịt mù. 

Ngoài ra, có giai thoại còn truyền lại rằng, vào ngày hôm đó trong lúc dùng thuốc nổ để phá lăng, đoàn binh tham gia đào mộ của Tôn Liên Trọng có 7 người hộc máu ra chết tại chỗ. Các hiện tượng kỳ lạ cùng những giai thoại rùng rợn từng được lưu truyền về nơi an nghỉ của Võ Tắc Thiên đã khiến đám binh lính ấy bỏ cả mũ giáp tháo chạy khỏi Càn Lăng. Sau này cũng chẳng có ai dám bán mạng cho Tôn Liên Trọng để đào trộm ngôi mộ này.

Cũng giống như cuộc đời có nhiều ẩn tình của Võ Tắc Thiên, bí mật phía trong nơi an nghỉ của Nữ đế Võ Tắc Thiên cho tới ngày nay vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp trong lịch sử Trung Quốc. Vì những câu chuyện bí ẩn này mà nhiều người cho rằng, bên trong Càn Lăng không chỉ có ngọc ngà châu báu mà còn có cả lời nguyền ghê rợn cho những kẻ dám đến phá giấc ngủ ngàn thu của hai vị hoàng đế.

Tính đến thời điểm hiện tại, Càn Lăng chưa được khai quật, vẫn sừng sững toạ lạc trên đỉnh núi Lương Sơn. Trải qua hơn 1.300 năm lịch sử với vô vàn lời đồn đoán về nó, nhiều nhà khảo cổ tin rằng, bên trong Càn Lăng là cả một gia tài kho báu không thể ước tính được giá trị thực sự. Theo đó, nhiều giả thuyết cho rằng vị Hoàng đế Đường Cao Tông có thể được chôn cùng với 1/3 số tài sản quốc gia lúc bấy giờ. 20 năm sau, Võ Tắc Thiên qua đời cũng được chôn với 1/3 số tài sản khi đó, ước tính châu báu trong lăng mộ lên đến 500 tấn.

Châu báu ngọc ngà là thế nhưng các chuyên gia và nhà khảo cổ học vẫn chưa có ý định thực hiện khai quật khảo cổ tại khu lăng mộ bề thế này. Các nhà khảo cổ học cho rằng, nếu mạo hiểm khai quật lăng mộ, những cổ vật hơn 1.300 năm trong lăng mộ này sẽ có thể bị phân hủy ngay lập tức một khi chúng được đưa ra bên ngoài và tiếp xúc với không khí. Nói cách khác, những nhà khảo cổ học phải được trang bị đầy đủ cả về kiến thức cũng như công nghệ để bảo tồn cổ vật trước khi tiến hành công tác khai quật.

Đọc thêm