Bí ẩn sau những món quà của các nguyên thủ (Bài 4): Ý nghĩa phía sau chiếc bút đậm chất dân gian ông Putin tặng ông Biden

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Như đã nói, tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên diễn ra hồi tháng 6 vừa qua, Joe Biden đã tặng Vladimir Putin một cặp kính phi công và tượng bò rừng Mỹ. Đáp lại, một bộ văn phòng phẩm được trang trí theo phong cách Khokhloma truyền thống của Nga đã được ông Putin gửi tới Tổng thống Binden.
Bí ẩn sau những món quà của các nguyên thủ (Bài 4): Ý nghĩa phía sau chiếc bút đậm chất dân gian ông Putin tặng ông Biden

LTS: Tặng quà được xem là thông lệ trong tất cả các nền văn minh và ở mọi thời đại. Việc tặng quà cho quốc khách là một trong những nghi thức ngoại giao quan trọng không thể thiếu của mọi đất nước. Quà tặng là thông điệp cuối cùng mà khách sẽ mang về đất nước họ, ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công trong mọi hoạt động. Chính vì vậy mà bên cạnh các hoạt động chính thức, món quà được các nguyên thủ quốc gia đem ra tặng nhau là thứ mà dư luận luôn rất quan tâm.

Quy trình phức tạp

Khokhloma là tên gọi của một phong cách trang trí và thủ công mỹ nghệ bằng gỗ nổi tiếng của Nga. Những sản phẩm Khokhloma như thìa gỗ, bát gỗ... lâu nay cuốn hút mọi người bởi cách sơn màu độc đáo và nước sơn bền chắc theo thời gian. Phong cách nghệ thuật dân gian này được đặt theo tên của ngôi làng Khokhloma ở Koverninsky, Nizhny Novgorod Oblast nằm ở tả ngạn sông Volga, miền trung nước Nga. Ðất đai ở đây nghèo nàn nên ngành nghề thủ công trở thành nguồn thu nhập bổ sung quan trọng của người dân trong vùng.

Không thể nói chính xác những sản phẩm theo phong cách Khokhloma xuất hiện từ khi nào, nhưng đa số các tài liệu ghi chép cho rằng đó là vào nửa sau của thế kỷ 17. Khi đó, những món đồ sơn mài được mang đến tập trung bán tại làng Khokhloma. Việc sản xuất bát đĩa sơn ở Khokhloma lần đầu tiên được đề cập đến vào năm 1659, trong lá thư của một người có tên Morozov gửi cho những người thừa kế của mình. Bức thư có đoạn: “Một trăm bát đĩa sơn được đánh bóng bằng bột thiếc, cả cỡ lớn và vừa, giống hệt loại đã được chúng ta sở hữu trước đó. Nhớ không được quên 20 cái bát lớn, 20 cái vừa và 20 cái nhỏ hơn một chút”.

Kỹ thuật sơn gỗ màu giống như vàng mà không sử dụng vàng thật là đặc trưng của Khokhloma. Đây là sản phẩm của một quy trình phức tạp, liên quan tới việc xử lý nóng các sản phẩm và đòi hỏi nhiều kinh nghiệm cũng như nghệ thuật. Công việc này tốn rất nhiều công sức. Các loại đồ vật như những tách trà, bình đựng muối, những chiếc đĩa lòng sâu trắng – được gọi là “belio” – ban đầu sẽ được sấy khô, sau đó được sơn lót bằng vữa đất sét, dầu lanh thô và bột thiếc để lấp các kẽ hở của đồ vật, giúp bề mặt của đồ vật không thấm lớp sơn sẽ được phủ lên sau đó.

Kỹ thuật sơn gỗ màu giống như vàng mà không sử dụng vàng thật là đặc trưng của Khokhloma

Kỹ thuật sơn gỗ màu giống như vàng mà không sử dụng vàng thật là đặc trưng của Khokhloma

Những đồ vật sau khi sấy khô được phủ một lớp sơn lanh và nung trong lò ở nhiệt độ 120-130 suốt đêm khiến bề mặt đồ vật trở nên cứng hơn. Sau đó chúng được quét một lớp dầu gai thật kỹ rồi lại được phơi khô.

Quá trình này lặp đi lặp lại 3-4 lần. Sau khi quét dầu gai kỹ, những sản phẩm Khokhloma sẽ được tráng một lớp thiếc mỏng lên bề mặt để sản phẩm bằng gỗ sáng bóng lên như bạc. Trải qua những công đoạn chuẩn bị như vậy, đồ vật mới được mang ra trang trí bằng những họa tiết đặc trưng của phong cách Khokhloma.

Theo đó, người ta dùng một chiếc bút nhỏ vẽ lên trên bề mặt vật cần trang trí những họa tiết bằng sơn đen và đỏ. Đồ vật đã được trang trí một lần nữa được phủ thiếc và nung trong lò. Dưới tác dụng của nhiệt độ, sơn trở nên tối màu hơn, có màu nâu hơi vàng, nhờ đó lớp thiếc dưới sơn có ánh vàng.

Cách phối màu điêu luyện, cách sơn màu độc đáo, nước sơn đẹp cùng những hình ảnh, hoa văn dân dã mà sống động đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật Khokhloma đầy quyến rũ. Vì tất cả các bộ đồ ăn được làm theo phong cách Khokloma đều được chạm khắc và sơn 100% bằng tay nên các đồ vật đều được xem là “độc nhất vô nhị”, không có món nào giống nhau.

Những sắc màu của hạnh phúc

Theo các nhà nghệ thuật học, nghệ thuật điêu khắc trên gỗ ở Nga được nảy sinh trong những tu viện, trong đó tu viện Troitse – Sergiev được cho là đóng vai trò rất quan trọng. Chính trong môi trường của những thầy tu ở Troitse đã sản sinh ra một nghệ nhân khắc gỗ tài hoa của nghệ thuật trang trí thế kỷ XV, là người thợ chạm gỗ Amvrosy. Vào thế kỷ XVI, tu viện này trở thành trung tâm hoạt động nghệ thuật.

Sang thế kỷ XVII, những bộ đồ gỗ trang trí bằng vàng và sơn màu đỏ son của tu viện Troitse nổi tiếng khắp nước Nga. Ở làng quanh tu viện có những người thợ làm tranh thánh, nghệ nhân các nghề trang trí khác như người làm thìa gỗ, làm gáo, thợ tiện, thợ bạc làm việc. Trong bảng kiểm kê của tu viện năm 1641 có hàng trăm chiếc bình, đĩa được làm từ các loại gỗ khác nhau. Những bộ đồ bằng gỗ của tu viện với các hình dáng và cách trang trí vô cùng độc đáo, tinh tế đã được tặng cho những vị khách nước ngoài như món quà kỷ niệm mang tính nghệ thuật của dân tộc.

Màu đặc trưng trên các sản phẩm Khokhloma là màu vàng kim loại, màu đỏ của lửa, nền màu đen. Những sắc màu này mang đến chiều sâu cho mỗi sản phẩm. Trong đó, màu vàng là sản phẩm của quá trình chế tác đầy phức tạp. Màu đỏ trong phong cách trang trí Khokhloma tượng trưng cho sự ấm áp và vẻ đẹp của vàng nhân tạo, màu đen nhấn mạnh sự rực rỡ, tỏa sáng của sản phẩm.

Màu đặc trưng trên các sản phẩm Khokhloma là màu vàng kim loại, màu đỏ của lửa, nền màu đen

Màu đặc trưng trên các sản phẩm Khokhloma là màu vàng kim loại, màu đỏ của lửa, nền màu đen

Những hoa văn họa tiết trên mỗi sản phẩm được các nghệ nhân hướng tới việc miêu tả thực vật. Với hoa văn cây cỏ uốn lượn trên khắp bề mặt đồ dùng, Khokhloma mang đến cho người nhìn vẻ đẹp mềm mại, giản dị. Nguồn gốc trang trí của Khokhloma với cách kết hợp màu đặc biệt chịu ảnh hưởng của nghệ thuật trang trí thế kỷ XV, XVI bao gồm màu đỏ tươi, màu đen và màu vàng; những cành cây với chùm quả dại.

Vào thế kỷ XV, XVI có thể bắt gặp sự kết hợp màu sắc tương tự trong những bức tranh và tượng thánh, trong họa tiết bìa những cuốn sách hay trong các đồ dùng, bát đĩa và cả nơi ở của còn người. Ví dụ, cây cỏ, hoa và lá vàng được vẽ trên tường đỏ Prestolnaya trong cung điện Teremnyi của Điện Kremlin (1635 – 1636). Tại Bảo tàng các nghề thủ công truyền thống ở Semenov cũng lưu giữ bức tranh thánh cuối thế kỷ XVII, trong đó hoa văn cây cỏ mạ thiếc. Họa tiết này xuất hiện trong tất cả những loại hoa văn trang trí của làng Khokhloma.

Trong những họa tiết của Khokhloma hầu như không có thể loại tả cảnh, nghệ thuật của những người họa sĩ hướng vào việc miêu tả hình dáng thực vật hay còn được gọi là “những họa tiết cây cỏ”. Điều này thực ra có liên quan tới hội họa truyền thống của nước Nga cổ. Những thân cỏ mềm mại chạy khắp mặt vật dụng tạo nên một vẻ ngoài đặc biệt lộng lẫy cho đồ vật.

Phát triển rực rỡ

Ban đầu, loại hình nghệ thuật tuyệt đẹp nói trên chỉ dành cho giới quý tộc Nga bao gồm cả Hoàng gia. Đến giữa thế kỷ XIX, những sản phẩm theo phong cách Khokhloma đã trở nên khá phổ biến trong giới thương nhân Nga. Sau triển lãm Elite diễn ra tại Paris (Pháp) vào năm 1889, sự chú ý tới những bộ đồ ăn và đồ trang trí theo phong cách Khokhloma đã tăng lên đáng kể trên khắp thế giới. Đầu thế kỷ XX, nghệ thuật thủ công Khokhloma tưởng như sẽ lụi tàn nhưng cuối cùng đã được hồi sinh dưới thời Liên Xô bởi những nghệ sỹ đầy tâm huyết.

Những sản phẩm theo phong cách Khokhloma đã trở thành món quà lưu niệm mang phong cách nước Nga

Những sản phẩm theo phong cách Khokhloma đã trở thành món quà lưu niệm mang phong cách nước Nga

Nhờ đó, những họa tiết Khokhloma không những được lưu giữ mà còn ngày càng phát triển. Ngày nay, các mặt hàng Khokloma bao gồm bộ đồ ăn, đồng hồ, đồ nội thất và đồ trang trí nhà cửa vẫn rất phổ biến ở Nga và trên thế giới. Thế hệ nghệ sĩ trẻ của nước này không ngừng làm việc cùng nhau để mang đến nhiều thiết kế mới với sự kết hợp độc đáo giữa cách tiếp cận nghệ thuật mới mẻ và vẻ đẹp cổ điển của phong cách, truyền thống thế giới cũ.

Những sản phẩm Khokhloma hiện không chỉ còn giới hạn ở chất liệu gỗ mà được mở rộng trên nhiều chất liệu khác nhau như sổ tay, ốp bảo vệ điện thoại, sách điện tử hay thiết bị di động… Với giá trị truyền thống, độc đáo như vậy, không khó hiểu khi Khokhloma trở thành món quà phổ biến của nước Nga được nhiều người trân quý tặng cho bạn bè, người thân, đối tác.

Đọc thêm