Trong số đó, 23 tên bị bắt, 6 kẻ bị bắn chết, 2 người chết đuối, 5 người khác mất tích. Tuy nhiên, hai anh em John và Clarence Anglin cùng với Frank Morris là 3 người duy nhất trốn khỏi nhà tù này và số phận đến nay vẫn là ẩn số.
Nhà tù không lối thoát
Nằm biệt lập trên một hòn đảo trong vịnh San Francisco, bang California, Mỹ, bao quanh là vùng nước biển lạnh, nhiệt độ không bao giờ vượt quá 160C vào mùa hè cùng những dòng hải lưu chảy xiết, Alcatraz bắt đầu khởi công xây dựng năm 1910 và hoàn thành năm 1012 trên nền một nhà tù cũ. Đến năm 1934, nó được đặt dưới quyền kiểm soát của Văn phòng Trại giam Liên bang, là nơi giam giữ những tù nhân nguy hiểm nhất nước Mỹ, đồng thời được coi là nơi “không thể vượt ngục” bởi cách thiết kế khép kín và hệ thống canh phòng cực kỳ nghiêm ngặt.
Ấy vậy mà đêm 11/6/1962, 3 tù nhân cộm cán gồm Frank Lee Morris, John Anglin và Clarence Anglin (là hai anh em ruột) đã trốn thoát. Đến tận bây giờ, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vẫn chưa tìm thấy họ và lệnh truy nã họ vẫn còn hiệu lực.
Frank Lee Morris sinh ngày 21/1/1926 tại Washington D.C. Năm 13 tuổi, Morris bị bắt vì tàng trữ chất ma túy và cướp có vũ trang. 18 tuổi, vài ngày sau khi ra khỏi trường giáo dưỡng, Morris lại tham gia một vụ cướp ngân hàng tại TP.Miami Beach, bang Florida. Bị kết án 15 năm và bị giam ở nhà tù tiểu bang Lousiana nhưng ở tù được 10 năm, Morris trốn thoát.
Một năm sau khi trốn thoát, Morris đột nhập nhà riêng của một tỉ phú ngành kinh doanh xe hơi ở San Francisco để trộm cắp tài sản. Bị bắt và lần này, Morris được đưa vào nhà tù Alcatraz với số tù AZ 1441.
Bức ảnh được chương trình nhận dạng khuôn mặt cho ra kết quả giống anh em nhà Anglin đến 99,7%. |
Cũng như Frank Lee Morris, anh em John Anglin (sinh ngày 2/5/1930) và Clarence Anglin (sinh ngày 11/5/1931) đều có quá khứ bất hảo. Lúc mới 14 tuổi, John rủ Clarence tham gia cướp ngân hàng nhưng không bị truy tố vì ngoài việc chẳng lấy được đồng nào do ngân hàng đã đến giờ đóng cửa, tất cả tiền đã chuyển xuống két sắt dưới hầm thì khẩu súng mà họ dùng trong vụ cướp là súng đồ chơi trẻ con.
Năm 28 tuổi, một lần nữa John lại rù Clarence cướp ngân hàng Columbia, bang Alabama. Bị bắt, John lĩnh án 15 năm tù còn Clarence lĩnh án 20 năm vì trên tay Clarence có khẩu tiều liên Thompson! Sau một thời gian thụ hình tại nhà tù tiểu bang Lavenworth, Florida, cả hai được chuyển đến nhà tù liên bang Alcatraz với số tù lần lượt là AZ 1476 và AZ 1485.
Trong vụ vượt ngục Alcatraz, cũng cần phải nhắc đến một nhân vật nữa, đó là Allen Clayton West. Sinh ngày 25/3/1929, West đi tù vì tội trộm ô tô, xảy ra vào năm 1955. Tại nhà tù tiểu bang Florida, West âm mưu đào thoát nhưng bị phát giác rồi bị chuyển sang Alcatraz với số tù AZ 1335. Khi Morris và anh em Anglin tổ chức trốn, West tham gia nhưng đến phút cuối cùng, anh ta ở lại. Mãn án, West lại bị bắt và đi tù thêm 20 lần nữa cũng vì hành vi trộm cắp.
“Ý tưởng lớn gặp nhau”
Dù chuyển đến Alcatraz vào các thời điểm khác nhau, nhưng số phận ngẫu nhiên đã khiến Morris, anh em Anglin và West lại ở trong những phòng giam liền kề. Ý định vượt ngục xuất hiện vào đầu tháng 12/1961, khi Morris tình cờ nhặt được vài lưỡi cưa sắt đã gãy trong một lần ra sân tắm nắng. Lúc vụ vượt ngục xảy ra, qua điều tra FBI biết rằng những lưỡi cưa ấy do các thợ sắt sữa chữa hàng rào an ninh ở khu vực giam giữ những tù nhân đặc biệt nguy hiểm, đã vô tình vứt bỏ không đúng nơi quy định.
Sau gần 3 tháng quan sát địa hình địa vật trong những lần ra sân tắm nắng, tập thể dục, giữa tháng 2/1962, lúc đến giờ ăn, Morris tìm cách ngồi chung bàn với anh em Anglin vì anh ta hiểu rằng vụ vượt ngục không thể thành công nếu không có đồng phạm bởi lẽ con đường duy nhất để thoát khỏi Alcatraz là đào một đường hầm ngay tại đầu giường ngủ, đi vào lỗ thông gió lên sân thượng rồi từ đó vượt qua hàng rào thép gai, xuống một vỉa đá lởm chởm, nơi đặt bồn nước ngọt để cung cấp cho sinh hoạt của nhà tù. Sát cạnh bồn nước là biển, đồng nghĩa với tự do. Nếu anh em Anglin không tham gia, những tiếng động gây ra từ việc đào hầm sẽ bị họ tố giác.
Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, lúc nghe Morris nói về kế hoạch đào thoát, anh em Anglin hưởng ứng ngay. Không những thế, họ còn đề nghị rủ thêm West vì buồng giam của West nằm cạnh buồng giam Clarence. Và cũng như anh em Anglin, West đồng ý. Một may mắn nữa đến với nhóm vượt ngục là trong một lần được cử đi dọn dẹp khu vườn hoa của nhà tù, John Anglin tìm thấy một thanh thép, hình dáng tựa như mũi khoan trong động cơ của một máy hút bụi đã bị hỏng.
Suốt 6 tháng sau đó, mỗi khi đêm xuống, lúc các buồng giam đã đóng cửa và các quản giáo đã trở về khu vực trực gác của mình, Morris lại kéo chiếc giường dịch ra ngoài, mở tấm vỉ thép che lỗ thông gió ở ngay đầu giường rồi dùng mũi khoan và lưỡi cưa gãy, đục, khoét vào lớp gạch cho rộng nó ra để có thể chui lọt. Ở buồng bên cạnh, John Anglin chơi đàn Acordion nhằm che dấu tiếng động. Nếu quản giáo đi kiểm tra đột xuất, John báo hiệu bằng cách ngừng chơi còn Morris lắp tấm vỉ sắt vào lỗ thông gió rồi lên giường nằm như đang say ngủ.
Và bởi vì hệ thống thông gió ở Alcatraz gồm nhiều ống chính, đường kính 1,6m, chia thành từng ống phụ đường kính 0,8m dẫn đến các buồng giam nên chỉ cần đục thông bức tường nằm giữa đường ống phụ và tấm lưới sắt là tù nhân có thể luồn theo ống phụ, chui vào đường ống chính. Tất cả gạch, vữa bể vỡ trong quá trình đục khoét được nhóm vượt ngục dấu vào khoảng trống giữa bức tường và đường ống. Đến gần sáng, khi việc điểm danh sắp bắt đầu, họ ngụy trang chỗ đục bằng những mảnh bìa các tông rồi lắp tấm vỉ sắt lại, kéo giường ngủ vào vị trí cũ.
Giải quyết được con đường đào thoát, Morris và anh em Anglin nghĩ đến chuyện đánh lừa quản giáo nếu họ tiến hành kiểm tra đột xuất vào ban đêm. Bằng những mớ tóc lấy được từ phòng hớt tóc cho tù nhân, bìa các tông nghiền nát, hồ dán từ bánh mì ngâm nước, giấy vệ sinh, kem đánh răng và xà phòng, họ tạo ra 4 cái đầu người với kích thước y như thật. Theo kế hoạch, vào đêm vượt ngục, mỗi người sẽ đặt cái đầu lên giường, dưới là quần áo cùng những vật dụng linh tinh khác rồi kéo mền đắp ngang mặt. Quản giáo nếu có đi kiểm tra, dưới ánh đèn điện hắt từ hành lang, họ sẽ không thể biết người tù đang nằm ngủ trên giường chỉ là hình nộm.
Trở ngại cuối cùng của nhóm vượt ngục là quãng đường biển từ Alcatraz vào đến bờ gần nhất là 16km. Trong 3 tháng cuối, họ tìm được 50 chiếc áo mưa bằng cách xin, mua hoặc đánh cắp của những tù nhân khác. Những chiếc áo mưa ấy được Morris và anh em Anglin dán lại thành một chiếc bè ngang 1,8m, dài 4,3m. Đường ống dẫn hơi nóng để sưởi vào mùa đông nằm gần bên ống thông gió và những tuýp keo đánh cắp từ xưởng làm găng tay trong nhà tù đã giúp họ dán chiếc bè này...
Vượt ngục trong đêm
Cuối cùng, trong khoảng thời gian từ đêm 11/6 đến sáng 12/6/1962, chúng bắt đầu triển khai kế hoạch tẩu thoát. Chúng dùng gối, quần áo và một chiếc đầu giả để xếp làm hình người đang ngủ quay mặt vào tường để qua mặt lính canh. Mất khoảng 15 phút, cả nhóm vượt ngục vào được ống thông gió chính. Trong lòng ống có một cầu thang dẫn lên sân thượng, nơi đặt cửa hút gió. Tuy nhiên, khi chuẩn bị leo lên cầu thang thì Allen Clayton West bỗng nhiên đổi ý và không muốn trốn nữa. Sau này West kể: “Nhìn mặt Morris, tôi biết anh ta có ý giết tôi để bịt đầu mối. Vì thế, tôi phải đem sinh mạng của cha mẹ tôi ra thề rằng tôi sẽ im lặng khi quay lại buồng giam”.
Mất thêm nửa tiếng nữa, Morris và anh em Anglin mới từ sân thượng xuống được mái nhà của các buồng giam bằng cách bám theo đường ống dẫn nước cao 30m. Sau đó, vẫn theo đường ống dẫn nước cao 15m, họ tụt xuống mặt đất rồi vượt qua 2 lớp hàng rào thép gai cao 3,7m. Cuối cùng, họ đến chiếc tháp đặt bồn chứa nước nằm cạnh bờ biển. Tại đây, họ giở chiếc bè ra rồi dùng bầu hơi của cây đàn Acordion mà John Anglin đã tháo ra từ trước, bơm căng chiếc bè.
Theo kế hoạch, nhóm vượt ngục dùng bè đến đảo Angel, cách nhà tù Alcatraz 16km. Để tránh dòng hải lưu chảy rất mạnh, họ vòng lại vịnh ở phía đối diện Alcatraz rồi vượt qua eo biển Raccon để cập bờ thuộc quận Marin. Khi đã lên bờ, họ sẽ tìm cách ăn cắp một chiếc xe hơi, đột nhập một cửa hàng quần áo để lấy trang phục rồi chia tay, ai đi đường nấy.
Truy tìm tung tích
7h15 sáng 12/6/1962, vụ vượt ngục bị phát hiện khi các quản giáo tiến hành điểm danh từ nhân như mọi ngày. Lệnh báo động đỏ lập tức được ban hành và việc mở cửa cho tù nhân ra lao động ở các xưởng làm găng tay, xưởng đồ gỗ, xưởng cơ khí bị hủy bỏ. Ngay cả bộ phận tù nhân làm bếp, giặt quần áo cũng phải ngồi im trong buồng giam. Trong quá trình khám xét, chẳng khó khăn gì để tìm ra kẻ đồng lõa là West vì anh ta không thể nào làm cho cái lỗ đã đào ở phía sau tấm lưới sắt che cửa thông gió trở lại hình dạng như cũ. Theo lời khai của West, FBI nắm được con đường đào thoát, kế hoạch trộm xe, trộm quần áo của Morris và anh em Anglin.
8 giờ sáng, 12 tàu tuần duyên của cảnh sát biển California và 3 trực thăng tiến hành tìm kiếm trên vùng nước xung quanh nhà tù Alcatraz, kéo dài cho đến vịnh San Francisco. Mặt khác, FBI vừa phát hành lệnh truy nã đỏ, vừa bí mật giám sát nơi ở các thân nhân của Morris, John và Clarence. Đến ngày 14/6, trực thăng phát hiện một tấm gỗ có xuất xứ từ những kiện hàng vật tư của công ty sản xuất găng tay gửi đến nhà tù để gia công. Theo suy luận của FBI, nhóm vượt ngục dùng tấm gỗ ấy làm chỗ ngồi trên bè. Cũng trong ngày này, các thủy thủ trên một tàu đánh cá vớt được 1 chiếc ví, bên trong có hình ảnh, tên và địa chỉ một số người thân của John Anglin.
Ngày 21/6, FBI thu được những mảnh áo mưa, dạt vào bờ biển không xa cầu Cổng Vàng (Golden Gate Bridge). Đến chiều, 1 chiếc thuyền của nhà tù Alcatraz tìm thấy một phao nhỏ làm từ áo mưa cách Alcatraz 46m nhưng những kẻ vượt ngục thì vẫn bặt vô âm tín. Theo FBI, rất có thể Morris và anh em Anglin đã chết bởi nhiệt độ nước biển lúc đó rất lạnh, chỉ 7 độ. Các thực nghiệm tại hiện trường cho thấy với các thiết bị tương tự như của nhóm vượt ngục, những người tham gia thực nghiệm đều bị dòng hải lưu cuốn ra Thái Bình Dương rồi kiệt sức vì ướt và lạnh.
Luận cứ này càng được củng cố vì ngày 17/7/1962, một tàu chở hàng của Na Uy là chiếc SS Norefjell trên đường đi Canada đã nhìn thấy một thi thể nổi trên mặt nước cách cầu Cổng Vàng 32km về phía tây bắc. Theo các thủy thủ, thi thể mặc chiếc quần dài bằng vải Denim - là loại vải thường dùng để may y phục cho tù nhân nhưng khi tiến hành vớt xác rồi nhận dạng thì đó là xác của Cecil Phillip Herman, một thợ làm bánh 34 tuổi, thất nghiệp, đã nhảy cầu Cổng Vàng tự tử. Bên cạnh đó, suốt một tháng sau vụ vượt ngục, không có bất kỳ một chiếc ô tô và tiệm quần áo nào ở San Francisco và các vùng phụ cận xảy ra trộm cắp nhưng vẫn có ý kiến cho rằng nhóm vượt ngục đã dựng hiện trường giả là bị chết đuối nhằm đánh lạc hướng điều tra.
Dấu vết đáng ngờ
Tháng 1/1965, một thông tin gửi đến FBI cho biết Clarence Anglin hiện đang sống ở Brazil nhưng theo các đặc vụ, họ không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của anh ta ở đất nước này. Năm 1967, một tay đua ngựa ở bang Maryland nói với FBI rằng suốt 5 năm qua, ông ta là hàng xóm của Morris nhưng đó cũng chỉ là tin vịt. Chi tiết đáng lưu ý nhất là từ năm 1964, lễ Giáng sinh năm nào gia đình Anglin cũng nhận được một bưu thiếp, khi thì ký tên “Jerry”, khi thì ký “Jerry và Joe” - là tên thường gọi của John Anglin và Clarence Anglin lúc còn bé. Năm 1989, khi cha của anh em nhà Anglin qua đời, trong đám tang có sự xuất hiện của 2 người lạ mặt, để râu, đứng trước quan tài vài phút rồi bỏ đi mất.
Ngày 12/1/2018, nghĩa là 56 năm kể từ khi xảy ra vụ vượt ngục Alcatraz, sở cảnh sát TP.San Francisco, bang California bất ngờ công bố một lá thư viết tay của John Anglin, gửi đến đồn cảnh sát TP.Richmont năm 2013. Nội dung bức thư nói rằng kể từ khi trốn thoát, John sống nhiều năm ở TP.Seattle, bang Oregon và 8 năm ở bang North Dakota. Tại thời điểm viết thư, căn cứ trên dấu bưu điện, John được cho là đang sống ở miền Nam Califorina.
Cũng theo bức thư, cả Morris lẫn Clarence đều đã chết vào các năm 2005, 2008: “Tôi là John Anglin, người đã cùng Clarence Anglin và Frank Lee Morris trốn thoát khỏi nhà tù Alcatraz hồi tháng 6/1962. Tôi đã 83 tuổi, thân xác tiều tụy vì mắc phải bệnh ung thư. Nếu quý vị (ý nói cảnh sát) thông báo công khai trên truyền hình rằng tôi sẽ không phải vào tù trở lại và được chăm sóc y tế thì tôi sẽ cho quý vị biết chỗ ở chính xác của tôi. Đây không phải là chuyện để đùa”.
Theo cảnh sát San Francisco, sau khi nhận được bức thư, cả lực lượng cảnh sát bang California lẫn FBI đã bỏ ra suốt 5 năm để truy lùng dấu vết của John Anglin nhưng không kết quả. David Widner, cháu của anh em Anglin xác nhận rằng bà ngoại ông (mẹ của John Anglin và Clarence Anglin) đã từng “nhận được những bưu thiếp Giáng sinh của bác John và hoa hồng của bác Clarence nhân ngày sinh nhật.
Gần đây, một chương trình nhận dạng khuôn mặt của một công ty ở Ireland sau khi xử lý loạt dữ liệu phát hiện hình ảnh được cho là anh em Anglin trong một bức ảnh được chụp tại Brazil 13 năm sau khi 2 tên này trốn thoát khỏi nhà tù Alcatraz. Sau khi kiểm tra bức ảnh chụp vào năm 1975 với sự xuất hiện của 2 người đàn ông tóc dài đeo kính râm, hệ thống xác nhận họ là John và Clarence Anglin với xác suất 99,7%. Tuy nhiên ngoài công bố trên thì chưa có bất kỳ thông tin hay bằng chứng xác thực nào khác về sự xuất hiện của anh em nhà Anglin tại Brazil sau khi trốn khỏi nhà tù.
Rất nhiều manh mối, rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra nhưng phải nói rằng cho đến nay, sự khét tiếng của nhà tù Alcatraz đã làm cho vụ vượt ngục của 3 kẻ trên càng trở nên huyền bí và tò mò. Bất kể thế nào, những tù nhân này đã khiến cho cả cảnh sát và dư luận phải nhức đầu tìm kiếm thông tin và đoán già đoán non. Họ đã chết đuối hay trốn thoát thành công vẫn là câu hỏi mà đến nay chưa có đáp án.
T17a,b: Những chiếc đầu hình nộm được dùng để ngụy tranh đánh lừa lính canh