Ngài Tony Pang (cựu Điều tra viên của ICAC - Ủy ban độc lập chống tham nhũng của Hong Kong, Trung Quốc) kể lại: “Vào thời điểm đó, chúng tôi nhận được thông tin Johnny “có thể” đã đến Hong Kong, chỉ là “có thể” thôi chứ chưa chắc”. ICAC là một Ủy ban độc lập, tách biệt khỏi cơ quan điều tra và cảnh sát, vậy nhưng Ủy ban này cũng không biết đến sự hiện diện của Johnny tại đây, phía cảnh sát cũng vậy.
Chỉ nhờ một lần tình cờ, trong một cuộc đột kích của cảnh sát vào sào huyện của “Mama-San” (một tú bà điều hành đường dây gái gọi gái gọi), cảnh sát phát hiện tên của Johnny xuất hiện trong danh sách khách hàng của đường dây này. Ngay khi nhận được tin này, đặc vụ Pang đã lập tức tiếp nhận và nhanh chóng tìm đến địa chỉ của vị khách đó.
“Lúc đó tôi đi taxi mất 15 phút để tới địa chỉ theo như trong danh sách, đó là một phòng tập thể hình, đúng lúc đó, tôi nhìn thấy một người đàn ông bước từ trong ra, tôi nhận ra đó chính là Johnny. Tôi tiến đến gần, vỗ vai và hỏi: ‘Anh có phải Johnny không?’. Hắn ta trả lời thản nhiên: ‘Đúng rồi!’. Tôi liền nói: ‘Mời anh tới trụ sở của chúng tôi, ngay lập tức. Anh đã bị bắt!’. Lúc đó, tôi không mang theo còng tay, cũng không trang bị vũ khí, nhưng hắn ta lại tỏ ra bình tĩnh, cũng không chống cự hay phản kháng gì mà ngoan ngoãn theo tôi lên... taxi về trụ sở”.
Theo lời những người theo đuổi vụ án này, trái với những gì đã gây ra tại nước Mỹ, khi Johnny trở về Hong Kong thì hắn ta lại có một cuộc sống hết sức bình dị, không phạm pháp. Hắn ta sống cùng vợ tại một căn hộ chung cư. Vợ của Johnny sở hữu một doanh nghiệp kinh doanh đơn thuần. Chính vì vậy, khi được đặc vụ Pang đề nghị theo về trụ sở ICAC, Johnny đã tự tin rằng mình không làm gì sai tại Hong Kong nên đã sẵn sàng “chui đầu vào rọ”.
Sau khi nghe tin Johnny “súng máy” đã bị bắt giữ và tạm giam, nhiều đặc vụ của DEA không dám tin, họ không nghĩ một ông trùm như Johnny lại phạm phải một sai lầm đơn giản để rồi bị sa lưới một cách lãng xẹt như vậy. Cảnh sát Hoàng gia Hong Kong cảnh sát ngay lập tức thu giữ tài sản của Johnny lên tới khoảng hơn 40 triệu USD. Hắn đã tốn rất nhiều tiền để thuê những luật sư giỏi nhất Hong Kong, chỉ để tránh phải bị dẫn độ trở về Mỹ.
Cũng một phần hắn không muốn bị giam giữ tại New York, cùng với những băng nhóm mafia mà hắn từng đụng độ. Nếu phải ngồi tù, thà hắn ngồi tù tại Hong Kong còn hơn. Catherine Palmer (Trợ lý Tổng chưởng lý Hoa Kỳ trong vụ án của Johnny Eng) kể lại: “Chúng tôi không chắc chắn quá trình dẫn độ có thành công hay không, bởi Johnny là một người có nhiều ảnh hưởng và có quan hệ với các quan chức biến chất tại Hong Kong”.
Nhưng lúc đó, đối với nước Mỹ và phần còn lại của thế giới thì nếu Hong Kong dung túng cho Johnny - kẻ đứng đầu Phi Long bang, kẻ đã dựng nên cả đế chế ma túy thoát án thì đó sẽ là một tiền lệ xấu. Khác gì gửi đi một thông điệp cho giới tội phạm rằng Hong Kong là “thiên đường” cho những kẻ tội phạm trốn chạy.
Quá trình này mất gần 3 năm, đến tháng 10/1991, trùm Phi Long bang đã bị còng tay và dẫn độ lên máy bay và điểm đến là nhà tù tại Manhattan. Tại đây, hắn được giam cùng khu với những tội phạm cộm cán khác, một trong số đó là John Gotti. Đến thời điểm đó, Johnny “súng máy” vẫn nghĩ rằng mình “bất khả xâm phạm”, hắn đã chi rất rất nhiều tiền để thuê luật sư giỏi, cũng chính là luật sư đang bảo vệ cho ông trùm John Gotti, tên là Gerald Shargel. Đây là một luật sư bào chữa hình sự nổi tiếng nhất tại New York, thậm chí là trên cả thế giới.
Khi Gerald được mời biện hộ cho Johnny, đó thực sự đã trở thành một cuộc đấu giữa bên công tố và bên gỡ tội. Johnny Eng bị truy tố về 17 tội danh liên quan đến ma túy và phải đối mặt với án chung thân. Tại phiên tòa, đám huynh đệ của Johnny cũng kéo đến, chúng ăn mặc như những doanh nhân thành đạt, ngồi trong phòng xử án và nhìn chằm chằm vào bồi thẩm đoàn. Điều đó quả thật đã gây áp lực cho bồi thẩm đoàn và các nhân chứng.
Tuy nhiên, bằng chứng quan trọng để phá được vụ án này lại nằm ở những đoạn ghi âm mà cơ quan công tố đưa ra. Theo đó, cơ quan này đã lén đặt máy ghi âm trong các sòng bài và nhà kho của Phi Long bang, từ đó họ vộ tình thu thập được bằng chứng buộc tội một thành viên cấp cao trong Phi Long bang là Micheal Yu và bạn gái của hắn trao đổi về việc bán số ma túy tồn kho để trả nợ. Để được nhẹ tội, cả hai người này đã chấp nhận đứng ra làm chứng chống lại đại ca của mình là Johnny “súng máy”.
Và sau đó, cuộc chiến của cả bên luận tội cũng như bên bào chữa trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Bồi thẩm đoàn đã phải mất nhiều ngày để đánh giá và cân nhắc các tình tiết. Mãi đến ngày thứ hai đầu tuần (14/12/1992), bồi thẩm đoàn mới hội ý xong và tuyên bố Johnny Eng có tội trong 14/17 cáo buộc liên quan đến ma túy. Cuối cùng, hắn bị kết án 24 năm tù giam.
Sau thời gian thụ án, Johnny Eng đã được phóng thích sớm vào ngày 8/11/2010, và từ đó không ai còn nghe thấy nhắc đến cái tên của trùm băng đảng Phi Long nữa. Nhưng 8 tháng sau, Lori Eng (51 tuổi) - vợ cũ của Johnny đã bị sát hại bởi một cựu thành viên Phi Long bang là David Chea. Vào ngày 13/7/2011, Chea đã bắn chết Lori tại nhà của cô, sau đó hắn cũng tự sát tại chỗ.
Dù không có bằng chứng nào cho thấy có sự liên quan đến Johnny “súng máy”, nhưng sự việc này kết hợp với những “ký ức” về ông trùm Phi Long bang thì ai cũng nghi ngờ rằng liệu đây có phải là một sự trùng hợp hay không? Điều này chỉ có thời gian và những người trong cuộc mới trả lời được.