Bí ẩn về tà thuật nuôi cổ trùng của người Trung Hoa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ở Trung Hoa, trong quá khứ từng lưu truyền rất nhiều các truyền thuyết đáng sợ về vu thuật. Đặc biệt, ở Tương Tây, người Miêu từ xưa vẫn nổi tiếng với nuôi cổ trùng. Cổ thuật này được đồn đại là thần thông quảng đại, chỉ một con sâu nhỏ cũng có thể khiến người ta phát điên, hoặc tệ hơn nữa là toàn thân thối rữa. Theo ghi chép, có nhiều loại cổ trùng và cách dùng khác nhau.
Nuôi cổ trùng là một tà thuật trong lịch sử cổ đại của Trung Quốc.
Nuôi cổ trùng là một tà thuật trong lịch sử cổ đại của Trung Quốc.

Nuôi cổ trùng để cải mệnh

Tương truyền rằng, từ nhiều thế kỷ trước ở vùng đất nọ có người tên Vương Hán là thương nhân buôn bán vải vóc, vì không gặp thời mà thua lỗ liên miên, nợ nần chồng chất. Đang lúc Vương túng quẫn thì có Lưu tiên sinh, vốn là bằng hữu của cha Vương hồi còn sinh thời, tới thăm. Biết Lưu tiên sinh giỏi về phong thủy bùa chú, Vương Hán xin ông giúp mình nuôi cổ trùng để cải mệnh, nhưng bị từ chối. Hắn nài nỉ mãi không được liền nhắc: “Năm xưa tiên sinh từng được cha tôi cứu mạng, tới nay vẫn chưa báo đáp, chẳng lẽ đã quên ơn rồi?”.

Lưu tiên sinh không cách gì từ chối, đành phải giúp Vương Hán. Suốt mấy ngày tiên sinh bắt về rất nhiều trùng độc, cùng bỏ vào một hũ sành để chúng cắn xé lẫn nhau. Trải qua nhiều trận chiến, con trùng độc trụ lại cuối cùng là con hung hãn nhất, độc địa nhất. Lưu tiên sinh lại nuôi con trùng ấy bằng các loại cỏ độc, đồng thời mỗi ngày còn kêu Vương Hán tự nhỏ một giọt máu vào hũ cho con trùng uống. Sau 49 ngày thì con trùng chết, Lưu tiên sinh bảo Vương Hán bỏ xác nó vào một cái lư hương, bày ra thờ cúng như tổ tiên, tới đêm mà phát ra ánh sáng màu lục nhạt, ấy là đã thành công. Sau khi xong việc, Lưu tiên sinh liền cáo từ ngay.

Từ hôm ấy, Vương Hán có thể cảm ứng được lời nói của cổ trùng, cũng có thể trao đổi với nó, nhờ nó giúp đỡ chuyện làm ăn. Cổ trùng yêu cầu Vương Hán mỗi ngày cúng cho nó hai quả trứng gà, Vương Hán làm theo, tới khi cúng xong mang xuống mới thấy hai quả trứng tuy không bị đập vỡ nhưng phần lòng đỏ và lòng trắng bên trong đã biến mất không dấu vết. Trong nhiều tháng tiếp theo, Vương Hán quả nhiên làm ăn phát đạt, buôn may bán đắt, hết thảy mọi chuyện đều suôn sẻ. Cổ trùng lại yêu cầu Vương Hán cúng cho mình mỗi ngày 2 con gà sống. Vương Hán cũng làm theo, tới khi cúng xong ra dọn thì thấy chỉ còn 2 nhúm lông gà ở đó.

Thuật nuôi cổ trùng được người Trung Hoa cổ đồn thổi là bùa phép thần thông có ma thuật hại người.
Thuật nuôi cổ trùng được người Trung Hoa cổ đồn thổi là bùa phép thần thông có ma thuật hại người.  

Sau 1 năm Vương Hán trở nên giàu có, cổ trùng lại yêu cầu hắn xây cho nó một linh đường to lớn, đèn nến phải thắp liên tục không để tắt, hương khói lúc nào cũng phải nghi ngút. Việc này tuy tốn kém nhưng Vương Hán cũng ráng làm theo. Lại qua thêm nửa năm, một hôm cổ trùng nói: “Nay ta ăn thịt gà đã ngán lắm rồi, ngươi hãy mang trẻ con về cho ta ăn”. Vương Hán đương nhiên không đồng ý. Tuy nhiên, nếu không đáp ứng, cổ trùng sẽ ăn thịt con gái Vương Hán. 

Lúc này Vương Hán mới hiểu con trùng ấy vô cùng đáng sợ, nó không hề giúp không công, liền mang cái lư hương đựng xác con trùng ném xuống sông. Nào ngờ lúc quay về nhà thì thấy cái lư hương vẫn đang nằm trên bàn thờ, xác con trùng cũng còn nguyên trong đó. Vương Hán sợ quá, lại chất củi đốt cái lư hương, nhưng củi cháy hết mà cái lư hương và xác trùng không suy chuyển. Cổ trùng giận dữ nói: “Ta là vô hình trong không gian này, ngươi không thể hại ta được. Ta đã giúp ngươi giàu có, nay ngươi lại không đáp ứng yêu cầu của ta, có phải muốn chết không?”. Vương Hán tuy tham lam nhưng không có ý muốn hại người, bèn khẩn cầu cổ trùng cho hắn thư thả mấy ngày để nghĩ cách.

Cổ trùng liền hạn cho Vương Hán sau 3 ngày mà không có trẻ con thì nó sẽ ăn thịt cả gia đình hắn. Vương Hán biết đại họa lâm đầu, bèn tới nhà Lưu tiên sinh cầu cứu. Tới nơi mới thấy Lưu tiên sinh hai mắt đã mù, ngũ quan biến dạng vô cùng xấu xí, Vương Hán hoảng sợ hỏi nguyên do. Lưu tiên sinh nói: “Người tạo ra cổ trùng là trái với đạo Trời, tất yếu phải chịu quả báo này! Nếu không vì báo đáp ơn cứu mạng của cha ngươi, ta tuyệt đối không làm chuyện thương thiên hại lý ấy”.

Vương Hán kể lại chuyện của mình, mong mỏi Lưu tiên sinh chỉ cách thoát khỏi nó. Lưu tiên sinh đáp: “Lòng tham của người ta không có đáy nên không bao giờ chịu an phận, mới sinh ra đủ chuyện trái ngang. Ngươi vì muốn cải mệnh mà thành, nay cũng vì muốn cải mệnh mà bại. Ngươi đâu có biết rằng con trùng kia đã lấy đi rất nhiều tinh hoa của ngươi, nay nếu khử nó đi ta chỉ sợ số mệnh ngươi cũng không thọ”.

Thấy Vương Hán vẫn kiên quyết, Lưu tiên sinh gật đầu, bảo Vương Hán ôm lư hương đựng cổ trùng đi với mình tới miếu Thành Hoàng, khấn xin Thành Hoàng gia trợ giúp trừ tà. Sau khi khấn xong, tiên sinh bảo Vương Hán mang cái lư hương chôn sau miếu, quả nhiên lần này cổ trùng không cách gì thoát ra được nữa. Lưu tiên sinh thở dài: “Cổ trùng ở dưới đất không được thờ cúng, sau 49 ngày sẽ tự tiêu biến đi, lúc đó cái mệnh đen đủi sẽ lại quay về với ngươi, còn cộng thêm nghiệp chướng đã tạo lần này”.

Quả nhiên tháng sau Vương Hán làm ăn thua lỗ, tiếp đó lại bị lừa đảo đến khuynh gia bại sản. Không lâu sau hắn mắc bệnh lạ, tay chân đều không nhúc nhích gì được, từ đó chỉ nằm một chỗ như người thực vật, nhiều năm liền mà cũng không chết được. Lưu tiên sinh tuy mù lòa mà thỉnh thoảng vẫn đến thăm, lần nào cũng thở dài: “Đây là do tinh hoa trên thân Vương Hán đều bị cổ trùng lấy đi cả rồi, khiến hắn sống không bằng chết, chỉ có thể như vậy trọn đời chứ không thuốc thang nào chữa được đâu”.

Thuật nuôi cổ trùng

Kết cục nuôi cổ trùng đáng sợ là thế nhưng vẫn được các vu sư nuôi dưỡng. Bởi tương truyền cổ trùng luyện thành có linh khí lớn, giúp chủ nhân vạn sự hanh thông, thăng tiến trên đường quan lộ, muốn gì được nấy, sát hại kẻ thù. Theo “Thông chí lục thư lược” của tác giả Trịnh Triều đời nhà Tống, người xưa tạo cổ trùng bằng cách đem tất cả những loại côn trùng có độc, bỏ vào một cái vại, để cho chúng cắn xé lẫn nhau. Sau cùng con độc trùng còn sống sót duy nhất sẽ được gọi là “cổ”, gọi là “cổ mẫu”.

Dân gian tương truyền, những người nuôi cổ thường chọn ngày 5 tháng 5 Âm lịch (Tết Đoan Ngọ) để luyện chế độc trùng vì đây là ngày độc khí thịnh nhất. Trong ngày này, các loài trùng độc sẽ mạnh mẽ nhất, độc tăng nhanh chóng. Sách “Thông chí lục thư lược” miêu tả chi tiết cách nuôi trùng như sau: Dùng 100 loại trùng để nuôi, mà ban đầu chỉ cần 12 loại. Trước khi nuôi “cổ”, người trong gia đình phải dọn dẹp sạch sẽ chính sảnh, cả nhà già trẻ đều phải tắm, thành tâm thành ý dâng hương đốt nến trước bài vị tổ tông, im lặng khẩn cầu với quỷ thần thiên địa. 

Sau đó đào một cái hố to ở giữa chính sảnh chôn một cái vại lớn xuống đất, cái vại này phải có miệng lớn mới tiện cho việc thêm nắp. Hơn nữa nếu miệng vại nhỏ thì sẽ không nhìn thấy được tình hình bên trong, mọi người sẽ càng dễ nảy sinh sợ hãi với thứ trong đó, và bởi vì sợ hãi mà sẽ sinh ra kính sợ. Miệng vại phải được lấp bằng với nền đất. Đến ngày Tết Đoan Ngọ thì người nhà cần phải ra đồng ruộng tùy ý bắt 12 loại bò trùng đem về (nếu không phải bò sát bắt vào ngày Đoan Ngọ thì sẽ không thể nuôi thành “cổ”) đặt trong vại đã chôn, sau đó đậy nắp lại. 

Những con trùng này thường là rắn độc, lươn, rết, ếch, bọ cạp, giun, sâu lông xanh lớn, bọ ngựa… tóm lại ngoại trừ những sinh vật biết bay, những sinh vật có bốn chân biết chạy đều không được, chỉ cần loài trùng có một chút độc là được. Lấy 12 loại trùng này bỏ vào trong vại, tất cả lớn nhỏ trong nhà mỗi đêm trước khi ngủ đều phải khấn vái một lần, không thể bỏ một ngày nào. Thêm nữa, khi nuôi trùng tuyệt đối phải nuôi bí mật. Nếu để cho người ngoài biết thì vu sư dùng yêu thuật sẽ thu đi hoặc “cổ” sẽ quay lại hại chủ. 

Một số con vật có độc tổ được dùng để nuôi làm trùng.
Một số con vật có độc tổ được dùng để nuôi làm trùng.  

Trong một năm, những con trùng bị bắt về đó sẽ cắn nuốt lẫn nhau bên trong vại, con độc nhiều sẽ ăn con có độc ít, con mạnh sẽ ăn con yếu, cuối cùng chỉ còn lại một con. Con này sau 11 ngày ăn những con trùng khác, bản thân nó cũng bắt đầu thay đổi hình thái cùng màu sắc. Theo các loại truyền thuyết, chủ yếu là có hai loại. Một loại là “Long cổ”, hình dạng giống như rồng, có thể là rắn độc, rết biến thành. Một loại gọi là “Kỳ lân cổ”, có lẽ là ếch hoặc thằn lằn biến thành...

Sau đó, chủ nhân sẽ đào chiếc vại lên rồi cất ở trong một căn phòng ít không khí, ít ánh sáng. Nghe nói “cổ” thích ăn mỡ heo cùng trứng chiên, các loại cơm, sau khi chăn nuôi được một năm, “cổ” ước chừng dài hơn một trượng, chủ nhân sẽ chọn một ngày cát lợi mở nắp vại để cho “cổ” bay ra ngoài. “Cổ” sau khi rời nhà, đôi lúc có thể biến thành hình dáng giống như một quả cầu lửa, đi quanh quẩn trong núi rừng, có lúc có thể biến thành một cái bóng đen, thường tới lui trong những ngôi nhà trong thôn. Khoảng thời gian ma lực của “cổ” đạt lớn nhất là hoàng hôn.

Mỗi lần sau khi “cổ” về nhà vẫn ở trong vại, chủ nhân cũng không cần cho nó ăn gì khác. Cái hay của việc nuôi “cổ” là muốn mượn linh khí của “cổ”, khiến cho người nuôi “cổ” làm bất cứ chuyện gì cũng rất thuận lợi. Nếu như chủ nhân muốn buôn bán kinh doanh, mượn linh khí của “cổ” có thể một vốn vạn lời. Nếu như chủ nhân muốn thăng quan, mượn linh khí của “cổ” có thể thẳng tiến lên mây xanh. Trái lại, nếu như có chút sơ suất để “cổ” làm hại người bị người khác biết mà mời vu sư đến tịch thu “cổ”, chủ nhân nuôi “cổ” sẽ gặp nhiều chuyện xui xẻo, cả nhà đều chết.

Gia đình nuôi “cổ”, trừ những ngày thường phải thành kính hầu hạ ra thì đến ngày 24 tháng 6 Âm lịch hàng năm phải làm lễ tế long trọng cho “cổ”. Lễ tế này kéo dài 3 ngày (24, 25, 26). Trong các ngày này, mỗi ngày chủ nhân đều phải dùng một con heo, một con gà, một con dê tươi sống sau đó nấu chín, đến tối khi sao đầy trời, cả nhà đem heo, dê, gà chặt ra, bỏ vào bên trong vại. Sức ăn của cổ rất lớn, ma lực rất cao. Lúc tế cúng, người ngoài không được tham gia, cũng không được tiết lộ ra ngoài, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng của bản thân. Ngoại trừ cách “Tụ trùng hỗ giảo” (để nhiều loại trùng ở cùng một chỗ cho chúng tự ăn nhau), các loại độc cổ đặc thù sẽ có phương pháp chế tạo khác nhau.

Chẳng hạn, phía Bắc Trung Hoa xưa còn lưu hành một hình thức “cổ thuật” khác, được gọi là “dưỡng ngao”. Về bản chất, “dưỡng ngao” cũng giống như nuôi “cổ trùng”, chỉ khác ở chỗ phương pháp cổ thuật này dùng đến loài chó chứ không phải côn trùng. Theo đó, nếu chó mẹ sinh được 9 chó con, cả 9 con chó này sẽ bị nhốt vào một phòng kín. Để sống sót và sinh tồn, những con chó này sẽ cắn xé lẫn nhau. Con chó sống sót sau cùng sẽ được gọi là “ngao”.

Thảm án hậu cung nhà Hán

Kinh qua nhiều triều đại trong lịch sử Trung Hoa, những thảm án liên quan tới “cổ thuật” không phải là con số ít. Đối với việc sử dụng cổ thuật, nuôi dưỡng cổ trùng, cổ sức, các triều đại phong kiến Trung Quốc đều coi đó là “trọng tội” và phải nhận hình phạt rất nặng nề. Mục “Tặc đạo luật” trong “Đường luật sơ nghị” có ghi: “Kẻ tạo súc cổ độc (nuôi bất kể con gì dùng làm cổ thuật hại người) đều bị xử giảo (treo cổ)”. Cuốn “Đại Thanh luật lệ” trong phần “Hình luật” cũng ghi rõ: “Chế tạo, giấu vật độc, trùng độc, kẻ dùng hay kẻ giấu đều bị xử trảm”. Cũng bởi vậy mà số kẻ thực sự có khả năng dùng “cổ” thì ít, nhưng người bị vu vạ thì nhiều vô số kể.

Những vụ án liên quan tới cổ trùng, cổ thuật được ghi nhận nhiều nhất vào thời nhà Hán. Trong số đó, nổi tiếng nhất là hai vụ án liên quan tới Hoàng tộc dưới thời Hán Vũ đế. Năm xưa, Vũ Đế thành hôn với Hoàng hậu Trần A Kiều - con gái công chúa trưởng Lưu Phiếu khi còn chưa tới tuổi trưởng thành. Tình cảm giữa hai người mặn nồng trong buổi sơ khai. Hán Vũ Đế thường xuyên lui tới cung của A Kiều mỗi buổi tan triều, cùng nàng hưởng những ngày quấn quuýt yêu thương. Nhưng về sau, Hán Vũ Đế dần nhạt phai tình cảm dành cho hoàng hậu. Phần vì cung tần mỹ nữ trong cung nhiều không đếm xuể, phần vì chung sống nhiều năm, hai người vẫn không có nổi một mụn con. 

Năm 139 trước Công nguyên, Hán Vũ Đế đem lòng say mê mỹ nhân Vệ Tử Phu. Điều này khiến cho Trần A Kiều và gia tộc họ Trần vô cùng tức giận, ra sức tìm cách ám hại mỹ nhân họ Vệ. Cũng từ đây, Trần Hoàng hậu bắt đầu bước vào con đường tà thuật. Bà liên tục uống nhiều phương thuốc bí truyền để mong đậu long thai, đồng thời còn nhờ người đồng cốt Sở Phục giúp mình mang thai và nguyền rủa Vệ Tử Phu. Năm 130 TCN, có người tố cáo Trần Hoàng hậu dùng cổ thuật, chuyện bùa yểm từ đó bị phát giác. Vụ án kết thúc bằng việc Trần A Kiều mất ngôi Hoàng hậu, bị giam vào lãnh cung, Sở Phục bị xử tử, kéo theo đó là 300 người có liên quan đều bị xử tử.

8 năm sau, Hán Vũ Đế lại gặp phải một vụ việc nghiêm trọng có liên quan tới cổ thuật. “Vu cổ chi họa” xảy ra trong những năm Chính Hòa được xem là vụ án về cổ thuật nổi tiếng nhất trong lịch sử Hán triều. Theo đó, vào năm 92 TCN, vì tin vào điềm báo trong mộng, Hán Vũ Đế liên tục điều tra về những vụ án có liên quan tới cổ thuật. Khi đó, vợ chồng Thừa tướng đương triều là Công Tôn Hạ bị phát giác sử dụng vu cổ.

Vụ án này khiến cho dòng họ Công Tôn phải chịu họa diệt môn, đồng thời còn liên lụy tới những thành viên trong thân tộc họ Lưu, trong đó có 2 người con gái của Vệ Hoàng hậu là Dương Thạch công chúa và Chư Ấp công chúa. Hán Vũ Đế sau đó tiếp tục mở rộng cuộc điều tra, giao trọng trách này cho sủng thần Giang Sung phụ trách. Trước đó, Giang Sung từng có lần đắc tội với Thái tử Lưu Cứ. Thấy Hán Vũ đế tuổi đã cao, họ Giang này sợ Lưu Cứ lên ngôi thì bản thân sẽ khó toàn mạng, liền tìm cách ám hại Thái tử. Nhân lúc nỗi sợ hãi về cổ thuật đang ám ảnh Hán Vũ Đế, Giang Sung liền bí mật tố cáo rằng có người mong Hoàng thượng chết sớm, dùng thuật vu cổ để yểm hại nhà vua.

Tháng 7 năm 91 TCN, Giang Sung tìm đến cửa cung của Vệ Hoàng hậu và Thái tử, rêu rao rằng nơi này có bùa yểm. Lưu Cứ sợ Giang Sung hại mẹ con mình, nghe theo lời của Thái phó Thạch Đức, liền bắt Sung và mang quân chiếm cứ các vị trí trọng yếu trong kinh thành Trường An. Hán Vũ Đế đang dưỡng bệnh, nghe tin Thái tử làm loạn thì vô cùng tức giận, hạ lệnh vây bắt con trai mình. Sau cùng, Lưu Cứ bị thua, phải tự sát trong uất ức, Vệ Hoàng hậu cũng buộc phải tự vẫn, 3 hoàng tử và 1 công chúa khác đều bị xử tử.

Đọc thêm