Bí ẩn về “Tử thư” dẫn lối đến thiên đường của người Ai Cập cổ đại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cuốn “Tử thư” của Ai Cập được viết bởi rất nhiều thầy tư tế trong suốt hàng trăm năm, nó được cho là một tài liệu tôn giáo cổ tập hợp những bùa chú, phép thuật được đọc lên để giúp linh hồn người chết sang bên kia thế giới. Đây là cuốn tử thư được mệnh danh là một trong những tài liệu bí ẩn nhất mọi thời đại.
Họa hình trong một cuốn tử thư thời Ai Cập cổ đại.
Họa hình trong một cuốn tử thư thời Ai Cập cổ đại.

Người Ai Cập cổ đại tin rằng linh hồn người chết phải trải qua một hành trình nguy hiểm để tới thế giới khác. Sau khi chết, linh hồn lang thang ở thế giới bên kia cho đến khi được các vị thần phán xử. Người tốt sẽ được tưởng thưởng bằng một cuộc sống vĩnh hằng, còn người xấu thì bị quỷ Ammit đầu cá sấu, ngực sư tử, thân hà mã ăn tươi nuốt sống.

Sách dẫn lối người chết tới thiên đường

Ngay từ thời Cổ Vương quốc (2686-2181 TCN), người Ai Cập có tập tục dùng văn bản làm cẩm nang dẫn lối người chết ở kiếp sau. Khi ấy, “Tử thư” ban đầu được khắc bằng chữ tượng hình trong các lăng mộ, chủ yếu phục vụ Pharaoh và các hoàng thân. Sau này dần được chép lại bằng tay bởi các thầy tư tế. Các nhà khảo cổ học ghi nhận, Pharaoh Unas - vương triều thứ 5 vào khoảng năm 2400 TCN là vị vua đầu tiên sử dụng tử thư.

Đáng chú ý, tử thư Ai Cập bao gồm những lời kinh, thần chú và hình vẽ được chép trên một cuộn giấy cói tùy táng trong lăng mộ của người đã khuất. Người ta tin rằng những lời kinh chú này ban cho linh hồn người chết tri thức và sức mạnh cần thiết, dẫn lối họ an toàn qua cõi âm bất trắc để đi đến được kiếp sau. Mỗi cuốn tử thư được chia ra nhiều chương, nội dung được lựa chọn và kết hợp lại từ 192 bài kinh để mô tả cuộc đời của người chết. Do vậy, mỗi cuốn tử thư là độc bản, không có hai cuốn tử thư nào hoàn toàn giống nhau. Ban đầu, tử thư chỉ dùng cho tầng lớp thượng lưu. Đến thời kỳ Tân Vương quốc (1570-1069 TCN), tử thư phổ biến hơn trong xã hội.

Tạo ra những cuốn tử thư này là các nghệ nhân với tay nghề lão luyện. Một văn bản thường do nhiều người thợ chép chữ cùng nhau làm. Họ sử dụng mực màu đen, đỏ để viết chữ tượng hình và chữ thầy tế (loại chữ do các thầy tế sử dụng). Giấy để viết tử thư được làm từ cây papyrus (một loại cây thuộc họ cói có nhiều ở Ai Cập). Đến nay, papyrus được coi là vật liệu ghi chép cổ nhất trên thế giới. Khí hậu khô của Ai Cập là điều kiện giúp nhiều tài liệu cổ còn sót lại.

Người ta thường cuộn tử thư lại cho vào một bức tượng hoặc nhét vào lớp vải bọc quanh thi thể người quá cố trong khi ướp xác. Người ta cũng táng theo những những đồ vật cần thiết khác cho hành trình dưới cõi âm như thức ăn, bùa hộ thân. Họ tin rằng những lời kinh trong tử thư hướng dẫn người chết cách sử dụng chúng để tìm đường đến được thiên đường ở kiếp sau.

Tại thế giới mới này, người chết chịu sự cai quản của thần Osiris. Linh hồn của họ cần vượt qua các thử thách, cửa ải khó khăn nếu muốn tới được “Fields of Reeds” - một dạng thiên đường giống như các tôn giáo khác quan niệm. Và cuốn tử thư ghi lại đầy đủ tất cả các chi tiết đó, giúp linh hồn trải qua các hiểm nguy mà thần Osiris đã đặt ra. Trên con đường dẫn tới “Fields of Reeds”, chỉ có thần chú trong cuốn tử thư mới giúp linh hồn hạ gục quái vật mà thần Osiris phái tới.

Bước cuối cùng của cuộc hành trình là nghi lễ “cân trái tim”. Trước sự chứng kiến của thần Osiris, người chết sẽ tuyên thệ theo những gì ghi trong tử thư. Trái tim của họ sau đó được đem lên một chiếc cân, so sánh với chiếc lông đà điểu, biểu tượng của thần Matt - vị thần của công lý và sự thật. Nếu chiếc cân thăng bằng, người chết sẽ được hưởng cuộc sống ở kiếp mới thanh bình, vui vẻ. Ngược lại, họ sẽ bị quái vật Ammit đáng sợ giết chết không thương tiếc vì tội nói dối.

Niềm tin về sự tái sinh

Trong nhiều năm liền, các nhà khoa học đã dốc sức truy tìm những bản thảo còn sót lại cho tới nay của tử thư. Người ta ước tính rằng, nếu trải dài tất cả các trang giấy cói của cuốn tử thư này ra, độ dài ít nhất cũng 20m.

Cuốn tử thư tinh xảo và hoàn chỉnh nhất còn sót lại từ thời Ai Cập cổ đại là của Nestanebetasheru. Chủ nhân tử thư vốn là con gái của một vị đại tư tế và một thành viên trong hoàng tộc. Tử thư của Nesitanebetashrua có niên đại khoảng 950-930 TCN. Cuốn tử thư thường được gọi là Greenfield. Các nét vẽ trong đó mô tả sự sáng thế với nữ thần bầu trời Nut uốn mình che lấy Geb, vị thần đất trong tư thế nửa nằm. Cuộn giấy của Nestanebetasheru có chiều dài 37m. Đến đầu thế kỷ 20, cuộn sách được tách thành 96 phần để tiện cho việc nghiên cứu, trưng bày, lưu giữ.

Một trong những bản thảo còn tốt nhất được tìm thấy là tử thư Hunefer. Đây cũng chính là tử thư đẹp nhất có thể do đích thân Hunefer - một thợ chép chữ cho hoàng gia Ai Cập (khoảng 1280 TCN) - thực hiện. Cuốn tử thư có chữ tượng hình chép bằng mực đỏ, mực đen với đường kẻ dọc màu đen xen kẽ. Trong tử thư Hunefer có nhiều chi tiết đặc sắc như đoạn kinh số 15 mô tả khúc tụng ca mặt trời mọc. Horus - thần bầu trời và là một trong những vị thần quan trọng nhất của Ai Cập cổ đại - được thể hiện dưới dạng chim ưng. Đĩa mặt trời trên đầu thần biểu thị mối liên hệ giữa thần với mặt trời, đường cong màu xanh được cho là tượng trưng cho bầu trời.

Nghi lễ mai táng của người Ai Cập cổ cũng được mô tả trong cuốn tử thư Hunefer. Một tranh trong đó mô tả cảnh hồi sinh Hunefer bằng nghi lễ “mở miệng”, giúp người chết khai mở giác quan và nói được ở cõi âm. Hunefer được hộ niệm bởi một thầy tu đội mặt nạ đầu chó tượng trưng cho Anubis - thần của quá trình ướp xác. Phía trước, vợ của Huneger đang than khóc. Trên đầu họ là những dòng chữ tượng hình 0 phần xướng ngôn trong nghi lễ.

Người đầu tiên gọi những văn bản dẫn lối cho người chết này là tử thư (Book of the Dead) là nhà Ai Cập học Karl Richard Lepsius. Theo cách gọi trong ngôn ngữ Ai Cập thì đây là “Sách dẫn lối đến ánh sáng”. Những cuốn cẩm nang với hình ảnh phong phú này không chỉ dành cho người đã khuất, mà còn cung cấp cho chúng ta ngày nay những thông tin về niềm tin vào kiếp sau của người Ai Cập cổ, hé hộ về nền văn minh cổ đại rực rỡ.

Đọc thêm