Nhưng vì thoả hiệp này chỉ có giá trị hiệu lực đến đầu tháng 12 tới nên giải pháp trong thực chất vẫn chỉ là giải pháp tình thế và cuộc giằng co giữa hai phe vẫn còn cách rất xa hồi kết.
Chuyện này đã trở thành muôn thuở đối với nước Mỹ. Trong lịch sử từ trước đến nay, Chính phủ Mỹ đã nhiều lần bị đóng cửa, ít nhất thì vài giờ, lâu nhất thì cả tháng trời. Về phương diện kỹ thuật và luật pháp, nguyên do ở chỗ năm tài khóa ở Mỹ kết thúc vào đúng ngày 1/10 hàng năm và nếu như trước đấy Quốc hội Mỹ không thông qua kế hoạch ngân sách cho năm tài khóa tới thì Chính phủ sẽ phải đóng cửa.
Đồng thời, Chính phủ Mỹ tài chi cho các chương trình cầm quyền lớn thường bằng vay nợ công mới nên chuyện phê duyệt kế hoạch ngân sách hàng năm thường đi cùng với đề nghị của Chính phủ cho vay nợ thêm hoặc nâng mức trần vay nợ công hay ngừng áp dụng mức trần cho vay nợ công (hiện là 28.400 tỷ USD). Phe đối lập trong Quốc hội thường từ chối đề nghị phê duyệt kế hoạch tài chính ngân sách của Chính phủ bởi hai tính toán. Thứ nhất là gây khó dễ cho Chính phủ, không để cho Chính phủ cầm quyền thành công. Thứ hai là kiểm soát mức độ vay nợ công.
Vở kịch này hiện đang được diễn lại trong Thượng viện Mỹ. Trong đó, phe Đảng Dân chủ có 50/100 dân biểu mà để kế hoạch ngân sách được thông qua thì phải cần phiếu thuận của ít nhất 60 dân biểu. Phe Đảng Cộng hòa không muốn Tổng thống Joe Biden cầm quyền thành công và chủ ý tạo con chủ bài phê phán Chính phủ và phe Đảng Dân chủ lỏng lẻo kỷ cương ngân sách nhà nước và làm gia tăng mức độ vay nợ công vốn đã rất cao ở Mỹ. Phe này nhằm tới cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào cuối năm tới ở Mỹ và tiếp theo đó là cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024.
Cái bi hài đặc biệt trong vở kịch này ở Mỹ là rồi cuối cùng, sớm hay muộn, thì hai phe vẫn phải thỏa hiệp với nhau và cho tới nay luôn đạt được điều này. Kết quả thường là Chính phủ lại có đủ ngân sách để hoạt động bình thường và mức độ vay nợ công tiếp tục tăng. Vậy mà hai bên luôn hục hoặc nhau, tự vạch áo cho người xem lưng.
Đối với ông Biden, đạt được thỏa hiệp với Đảng Cộng hòa trong chuyện này có ý nghĩa sống còn đối với nhiệm kỳ cầm quyền bởi nếu không xử lý được vấn đề mức trần vay nợ công thì ông Biden không thể thực thi được những chương trình kế hoạch tài chính cho những ý tưởng cầm quyền lớn mà mình đã cam kết và tung ra. Không thực hiện được chúng, tình thế sẽ vô cùng bất lợi cho phía Đảng Dân chủ trong cả hai cuộc bầu cử tới nói trên.