Bi kịch của người chồng “không có ngày sinh nhật“

(PLO) - Anh đồng ý cưới người con gái yêu mình nhưng mình không hề yêu. Sau đám cưới "tặc lưỡi" đó, anh vẫn không quên được người đàn bà anh yêu đã bỏ đi lấy chồng. Bi kịch chồng bi kịch trong gia đình họ.
Bi kịch của người chồng “không có ngày sinh nhật“
Đã bao năm trôi qua, anh vẫn không thể nào quên cú sốc đúp mà cuộc đời đã giáng xuống đầu khi anh mới đôi mươi. Anh nhớ, chàng trai là anh ngày đó đứng sững khi nghe tin cô gái anh yêu đi lấy chồng. Gọi là “cô gái anh yêu” vì hai người là bạn học từ thuở quần thủng đít và không hiểu từ lúc nào anh đã yêu cô bạn gái của mình. Còn cô ấy thì không. 
Rồi anh cũng lấy vợ sau đó không lâu. Anh lấy một người con gái yêu anh. Khi bước chân cuối cùng chuẩn bị bước vào nhà cô dâu trong lễ vu quy thì anh lại một lần nữa đứng sững. “Mình làm gì thế này? Mình có yêu cô ấy đâu?” – trong đầu anh quay cuồng bao ý nghĩ. Nhưng mọi thứ đã sắp xếp xong xuôi, anh không thể nào làm khác được nữa. Lần đầu tiên trong đời một cậu trai trẻ, anh hiểu thế nào là sự mặn chát của nước mắt đàn ông. Nước mắt chảy vào trong. 
“Đã gần nửa đời người trôi qua nhưng kỳ lạ là sinh nhật mình năm nào cũng mưa. Và cũng đã bao năm trôi qua chỉ có một người luôn nhớ ngày sinh của mình, cho dù cô ấy chưa bao giờ yêu mình. Còn người yêu mình thì chẳng bao giờ nhớ”. Anh có một cuốn sổ bí mật giấu ở ngăn kéo bàn làm việc để trút vào đó những “nước mắt đàn ông”. Sinh nhật năm nay, anh đã viết vào cuốn sổ những dòng như thế.
Ngày nhận lời lấy anh, cô cứ nghĩ rằng rồi năm tháng qua đi tình yêu của anh đối với cô sẽ sinh ra và lớn dần lên như mầm cây ươm vào đất. Nhưng cô đã nhầm. Con tim anh đã chết từ ngày người con gái anh yêu đi lấy chồng. Chú rể cười rạng rỡ và người bố hạnh phúc bên hai cậu con trai sinh đôi trong những bức ảnh trên tường kia chỉ là hình bóng. Anh vẫn làm tròn trách nhiệm của người chồng, người cha nhưng đó đơn giản chỉ là nghĩa vụ mà thôi, còn tình yêu như một món quà xa xỉ mà mẹ con cô nào dám mơ. 
Cô biết, anh oán trách cô nấu ăn vụng về, không biết trang hoàng nhà cửa … Nhưng chu toàn để làm gì khi anh chẳng coi đây là tổ ấm, là chốn đi về? Đã không ít lần, những mâm cơm nguội lạnh đợi anh đến quá nửa đêm. Những bó hoa mừng ngày cưới héo úa vì nước mắt đợi chờ của cô. Cô biết, anh trách cô chẳng bao giờ nhớ tới sinh nhật anh. Nhưng chính bản thân anh cũng đã quên cái ngày sinh của chính mình ấy, chỉ sau ngày cưới của hai người ít lâu. 
Cô làm cơm, làm bánh, cắm hoa chờ anh. Còn anh thì vắng nhà đến tận sáng bạch hôm sau. Say khướt, ngủ vùi và tất nhiên là không hề biết vợ đã chờ mình. Từ ngày đó, cô giả vờ quên, quên sinh nhật anh, quên ngày cưới, quên bày vẽ nấu ăn, quên trang hoàng nhà cửa…  Quên cho tim bớt đau. 
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Vốn là một giáo viên mang tiếng “hắc ám” trong trường, chưa khi nào cô Loan tha thứ cho tội lỗi vẽ bậy của những đứa học sinh. Thế mà hôm nay, khi nhìn bức vẽ trên tường của hai anh em sinh đôi và lắng nghe lời giải thích lí nhí của chúng, cô đã chảy nước mắt. Cũng sinh ra trong một gia đình khuyết vắng nên cô hiểu thế nào là nỗi khát khao của những đứa trẻ về một mái nhà có đủ mẹ, đủ cha và những bữa cơm đầm ấm. Cô chẳng biết làm gì hơn ngoài việc ôm hai đứa trẻ vào lòng vỗ về.
… Cho đến giờ, họ vẫn thế. Sống như hai kẻ cô đơn chung một mái nhà. Và, hai đứa trẻ vẫn mãi mơ về chiếc bút vẽ thần kỳ, để bức tranh tường của chúng hóa thành sự thật.  

Đọc thêm